TP.HCM đang đối mặt với tình trạng xuất hiện các hố sụt ngày càng nhiều trên các tuyến đường. Điều này gây cản trở giao thông và có thể nguy hiểm đối với tính mạng của người dân.
Trước tình hình đó, thành phố giao cho đoàn chuyên gia của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật điều tra khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ đầu năm đến nay Sở đã phát hiện nhiều vị trí sụt lún bằng máy GEORADAR (thiết bị dò tìm bằng són g điện từ trong các công trình ngầm), trong đó có 69 vị trí được xác định là sẽ xảy ra sụt lún nếu không kịp thời phát hiện và xử lý. Hiện tại, Sở đã yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý được 46 vị trí, số còn lại vẫn đang trong quá trình khắc phục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt lún mặt đường nhưng theo Sở GTVT nguyên nhân chủ yếu từ lỗi của hệ thống các công trình ngầm đã xuống cấp. Do đó giải pháp về mặt kỹ thuật để dò tìm sớm phát hiện các khuyết tật của hệ thống công trình ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến mặt đường, khắc phục kịp thời bằng máy dò công trình ngầm lúc này là cần thiết.
Theo PGS.TS Lê Văn Trung, GĐ Trung tâm Địa Tin học, Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc Gia TP.HCM, với đề án ứng dụng GIS trong quản lý lún sụt nền đường của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng GIS nâng cao năng lực quản lý cơ sở hạ tầng giao thông như: cung cấp nhanh thông tin về vị trí sụt lún, thời gian diễn ra, nguyên nhân gây sụt lún, đơn vị quản lý công trình gây ảnh hưởng và các số liệu hình ảnh liên quan...
Đối với các vị trí có khả năng xảy ra lún sụt được phát hiện bởi thiết bị GPR, sẽ được cảnh báo sớm, lập kế hoạch và giải pháp khắc phục sớm nhằm tránh nguy hiểm đối với tính mạng của người dân tham gia giao thông.
Ngoài ra, ứng dụng GIS cho phép thống kê nhanh diễn biến xay ra hố lún sụt theo thời gian và từng địa bàn quận, huyện; lập báo cáo tự động về vị trí, thời gian và nguyên nhân chính gây ra sự cố. GIS hỗ trợ tác nghiệp, phân tích, đánh giá nguyên nhân gây lún sụt dựa trên bản đồ công trình ngầm tại khu vực xảy ra và các số liệu khảo sát, đo đạc có liên quan như: địa chất, mưa...
Tuy nhiên việc khảo sát đánh giá hiện trạng các công trình ngầm trong thành phố phải được tiến hành thường xuyên nhằm đề xuất những giải pháp duy tu, khắc phục sự cố kịp thời phòng tránh tai biến.
Việc ứng dụng GIS trong quản lý đô thị Việt Nam đặc biệt là quản lý những vị trí lún sụt, sẽ từng bước hoàn thiện chương trình quản lý cơ sở hạ tầng có hệ thống và phân tích, thống kê hiệu quả các công trình ngầm một cách chính xác, tiết kiệm về thời gian. Những giải pháp từ GIS sẽ là cơ sở để dự báo, quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo: www.giaothongvantai.com