Trong 10 năm qua, sự phát triển của hệ thống đô thị và quá trình đô thị hoá ở nước ta đã diễn ra nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị như: Hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn... được cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới đã phát triển khá nhanh góp phần tạo nên bộ mặt đô thị đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo lập một nền tảng phát triển bền vững đô thị.
Giao thông đô thị dần được cải thiện
Trong những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được cải thiện thể hiện trên các mặt: Nhiều con đường mới được xây dựng, chất lượng đường đô thị dần tốt hơn, các đô thị loại III trở lên đã có hầu hết các tuyến đường chính được rải nhựa, nâng cấp và được xây dựng tương đối đồng bộ với hệ thống thoát nước, hè đường, chiếu sáng và cây xanh. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ nhiều dự án về giao thông đô thị được triển khai đó là việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao cắt, đường vành đai đã bước đầu nâng cao năng lực thông qua tại các đô thị này. Giao thông công cộng đã, đang hình thành và phát triển tại các đô thị. Các thành phố, thị xã như Cần Thơ, Cao Lãnh, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Sơn La… đã tổ chức các tuyến giao thông công cộng phục vụ vận chuyển khách và đặc biệt tại hai TP lớn như Hà Nội và TP.HCM, giao thông công cộng đang là phương tiện không thể thiếu được, hiện nay 2 TP này đang triển khai xây dựng giao thông vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT).
Cấp nước đô thị, tỷ lệ thất thoát còn rất cao
Đến nay hầu hết các đô thị tỉnh lỵ (63 tỉnh thành) đều đã và đang có các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước. Nhu cầu cấp nước về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tính đến cuối năm 2009, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 5,9 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm đáng kể, trung bình hiện nay khoảng 30%. Tỷ lệ cấp nước của dân đô thị đạt trung bình 73% (tỷ lệ này đạt 75-90% tại các đô thị lớn như Hà Nội đạt 88,5% và TP.HCM đạt 87%). Mức sử dụng nước sạch bình quân đạt 90 lít/người/ngđ.
Mặc dù tỷ lệ thất thoát, thất thu trên 40% (năm 2000) xuống trung bình khoảng 30% (năm 2009) nhưng vẫn ở mức cao. Việc đầu tư chỉ mới quan tâm đến trạm, nhà máy - hệ thống phân phối gồm cải tạo hệ thống cũ, mở rộng mạng mới chưa được quan tâm đầy đủ nên công suất khai thác tại nhiều nhà máy nước mới chỉ đạt khoảng 77% so với công suất thiết kế.
Chưa có hệ thống thoát nước thải riêng
Trong số 63 đô thị tỉnh lỵ đã có 32 đô thị có các dự án về thoát nước và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn ODA. Nhiều dự án lớn được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… bước đầu phát huy có hiệu quả, góp phần làm giảm mức độ ngập úng tại các đô thị. Tuy nhiên, tất cả các đô thị ở Việt Nam chưa có hệ thống thoát nước thải riêng mà chung cho cả thoát nước mưa và nước thải. Các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Đặc biệt nước thải từ các KCN gây nên ô nhiễm nặng nề các dòng sông lớn như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Cầu…
Tình trạng ngập úng đô thị đang là mối quan tâm hàng ngày của các đô thị lớn (hễ mưa xuống là ngập) ví dụ, ngập úng (do triều cường và mưa lớn) xảy ra thường xuyên tại TP.HCM hoặc ngập nặng đã xảy ra tại Hà Nội vào đúng thời gian này năm 2008. Vấn đề ngập úng đô thị cho đến nay vẫn chưa có giải pháp có tính khả thi để giải quyết.
Chất thải rắn ngày càng diễn biến phức tạp
Chất thải rắn ở đô thị ngày càng có những diễn biến phức tạp. Chất thải từ các nguồn như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, GTVT, xây dựng, y tế, làng nghề và sinh hoạt đô thị đang ngày càng tăng nhanh về chủng loại, số lượng và tính độc hại. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình đạt 21.000 tấn/ngày. Chôn lấp vẫn là hình thức phổ biến với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp đô thị. 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích đất. Vấn đề quản lý chất thải rắn, đặc biệt là xử lý rác, nước rác, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị, vùng ven đô thị và môi trường xung quanh các cơ sở xử lý rác đang là mối quan tâm của nhiều địa phương, mặt khác lựa chọn địa điểm để xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn cũng đang là vấn đề nan giải.
Chất lượng chiếu sáng đô thị chưa cao
Hiện nay tất cả các đô thị của nước ta đều có điện chiếu sáng với mức độ khác nhau. Tại các đô thị loại đặc biệt và loại I như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… có 95-100% các tuyến đường chính được chiếu sáng, các đô thị loại II, III (Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột…), tỷ lệ này chiếm gần 90%. Các đô thị loại IV và loại V tập trung chiếu sáng đường phố chính chủ yếu là những đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị.
Tuy nhiên chất lượng chiếu sáng chưa cao, hiệu suất sáng, cường độ sáng, độ rọi không đảm bảo tiêu chuẩn. Tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng còn rất thấp ngay tại đô thị đặc biệt tỷ lệ này cũng chỉ chiếm khoảng 35 - 40%; các đô thị loại IV, V hầu như tất cả ngõ xóm đều không được chiếu sáng. Chiếu sáng các công trình kiến trúc, chiếu sáng quảng cáo, không gian cây xanh mặt nước… vẫn còn tự phát, manh mún, tuỳ tiện. Nguồn sáng (bóng đèn), thiết bị chiếu sáng hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng vẫn còn sử dụng ở nhiều đô thị.
Cây xanh đô thị đang tăng dần về số lượng và chất lượng
Trong thời gian qua, mặc dù công tác phát triển cây xanh đô thị đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Diện tích cây xanh đô thị từng bước tăng dần cả về số lượng và chất lượng, cây trồng đặc biệt ở các đô thị lớn ngày càng phong phú. Tuy nhiên, qua khảo sát và thống kê thì có thể đánh giá chung như sau:
Tỷ lệ bình quân diện tích đất cây xanh trên đầu người còn thấp, phần lớn dưới 10m2/người (Hà Nội đạt 5,54m2/người). Tỷ lệ diện tích đất cây xanh trên diện tích đất tự nhiên đô thị cũng thấp so với các đô thị trong khu vực và trên thế giới. Quản lý về cây xanh vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây đặc biệt các cây quý hiếm nằm trong nhóm phải được bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị tiến hành công tác cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố dẫn đến việc chặt hạ hàng loạt cây xanh. Nhiều công viên, việc cho phép xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch hoặc không nghiên cứu, xem xét thận trọng gây bức xúc trong dư luận.
TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng