0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Việt Nam và bài học từ trận lụt Bangkok
Bước đầu, các nhà khoa học Thái Lan đã nhận định nguyên nhân dẫn đến trận lụt tồi tệ đang diễn ra là do khai thác nước ngầm và xây dựng tràn lan làm Bangkok lún, mưa to kéo dài ở thượng nguồn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Những nguyên nhân ấy đều thấy có ở Việt Nam, vì vậy không thừa khi đặt ra vấn đề: chúng ta rút ra bài học gì từ trận lụt lịch sử ở Bangkok?

Tình hình lũ 2011 của Thái Lan

Thủ đô Bangkok của Thái Lan đang gồng mình chịu cơn lụt lịch sử lớn nhất kể từ năm 1970 đến nay, nếu so sánh bằng mực nước lũ đo được trên sông Chao Phraya, nhưng nếu đánh giá thiệt hại về kinh tế sẽ là cơn lũ gây tổn thất cao nhất theo thống kê thiệt hại do thiên tai từ năm 1900 đến nay.

Theo báo cáo của nhà khí tượng học Jeff Masters, cơn lũ năm 2011 đã làm ngập 61/77 tỉnh thành toàn nước Thái, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của 8,2 triệu người. Lũ đã làm mất trắng khoảng 10% sản lượng lúa của Thái Lan. Theo báo cáo của bộ trưởng tài chính Thái Lan, thiệt hại kinh tế cho đến thời điểm này khoảng 5,1 tỉ USD; nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh Thái Lan (CRED), nếu kể luôn các chi phí y tế - xã hội khác, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 6 tỉ USD (xem bảng thống kê).

Có lẽ phải mất vài tháng nữa, sau khi lũ rút đi, các chuyên gia về thiên tai của Thái Lan mới có đủ dữ liệu và phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân và bài học từ trận lũ lịch sử này, nhưng điều mọi người đều nhận xét là cơn lũ năm nay ngoài hệ quả từ sự bất thường của thiên nhiên, một biểu hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu, còn có một số nguyên nhân từ con người.

Quả thật, trong hàng thập kỷ qua, Thái Lan phát triển quá nhanh, nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng từ các dự án của Hoàng gia Thái, các đập thủy điện như đập Bhumibol và đập Sirikit mặc dù cũng có chức năng phòng lũ nhưng quy trình vận hành như tích nước - phát điện và xả lũ vẫn có những vấn đề, các quy hoạch phát triển đô thị và giao thông dọc theo hai bên bờ sông đã làm thu hẹp đường tràn lũ tự nhiên.

Bên cạnh đó, làn sóng di dân từ các tỉnh khác và vùng nông thôn đổ vào thủ đô Bangkok kiếm sống khiến thủ đô phải liên tục xây dựng quá nhiều cao ốc. Nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho một thủ đô hơn 10 triệu dân dẫn đến mỗi năm khoảng 2,8 triệu m3 nước ngầm ở Bangkok được rút lên. Hệ quả là trong 60 năm, Bangkok đã sụt lún 1,5-1,7m. Do vậy, thủ đô của Thái Lan trở thành một lòng chảo khổng lồ trước những cơn lũ từ thượng nguồn đổ về.

Trông người lại nghĩ đến ta

Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác ở ĐBSCL cũng có thể chịu những thảm họa tương tự Bangkok năm nay. Mật độ dân số đô thị ở Việt Nam tăng lên không ngừng theo mức tăng cơ học. Đô thị của Việt Nam cũng theo kiểu phát triển hướng tâm từ những năm 1980-2000, đến kiểu mở rộng đô thị theo vành đai của thập niên gần đây, các vòng ngoài cao hơn vòng trong, việc san lấp dần các khu trũng tự nhiên ở các huyện ngoại thành để dành đất cho dân cư và nhà máy, các dòng sông bị thu hẹp dần, tốc độ khai thác nước ngầm gia tăng liên tục.

reuters_thailand_floods_26oct11_480.jpg

Ngày xưa, lũ được xem là lớn khi có ba yếu tố cùng xuất hiện đồng thời: nước lớn từ thượng nguồn đổ về, mưa to tại chỗ và triều cường xuất hiện. Nhưng nay, quy luật đó dường như không còn đúng, hễ có chút mưa vừa vừa là ngập úng, triều cường hơi cao hơn bình thường một tí là nhiều đường phố đã biến thành sông.

Chỉ cần vài trận mưa lớn khoảng 300-500mm là nhiều nơi ở Hà Nội, TP.HCM gần như tê liệt nhiều ngày. Nếu thêm các yếu tố như tắc nghẽn giao thông, ý thức kém trong việc bảo vệ môi trường, xả rác thải bừa bãi và tình trạng lấn chiếm đất sông hồ như hiện nay thì bộ mặt đô thị ngày càng trở nên méo mó, bất cập hơn khi ngập lũ xuất hiện. Hình như chưa có cơ quan nào chính thức thống kê hằng năm các thiệt hại từ ngập úng đô thị.

Nhiều vùng dân cư ở miền Trung nằm ở hạ nguồn các con sông mà rừng đầu nguồn tiếp tục bị tàn phá, các đập thủy điện mọc lên dày đặc, băm nát dòng sông thành nhiều đoạn hồ và gần như không có một hồ thủy điện nào ở đây chọn chức năng phòng lũ cao hơn chức năng phát điện.

Đến nay, gần như chưa đầu mối nào thật sự đứng ra điều phối quy trình đóng mở đập của chuỗi thủy điện như vậy, khiến tình trạng “lũ chồng lên lũ” dần dần trở nên quen thuộc. Bão và lũ lụt là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội của nước ta. Người nông thôn ky cóp, tích tụ tài sản năm ba năm cực khổ sẽ có thể dễ dàng trắng tay chỉ qua một đêm lũ lụt.

Việt Nam được xem là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu lên dân sinh và sinh kế. Hơn 2/3 dân số Việt Nam ở những vùng đất có độ cao dưới 10m so với mực nước biển và hầu hết nằm ở vùng hạ nguồn các con sông lớn hoặc gần vùng ven biển.

Sự gia tăng tình trạng cường độ các cơn bão bất thường, các trận mưa lớn tập trung trong một thời đoạn ngắn và biên độ triều cường gia tăng theo mực nước biển dâng cao khiến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Biện pháp đắp đê bao triệt để ở các vùng trũng phía thượng nguồn có thể làm nước chảy mạnh hơn và dâng cao hơn ở các vùng lân cận và vùng hạ nguồn.

Bài học lũ lụt Thái Lan có lẽ không thừa cho những nhà hoạch định chính sách phát triển của VN. Các quy hoạch của chúng ta thường ở mức ngắn hạn (5-10 năm) hay trung hạn (15-20 năm) mà ít có những tầm xa hơn (30-50 năm và xa hơn). Việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là công việc cần phải triển khai với cái nhìn viễn cảnh mang tính khoa học, bền vững và tổng thể.

Thiệt hại kinh tế của 10 thiên tai lớn nhất ở Thái Lan giai đoạn 1900-2011

THIÊN TAI

THỜI ĐIỂM

THIỆT HẠI (X 1.000 USD)

Lũ lụt (*)

10-2011

6.000.000

Lũ lụt

27-10-1993

1.261.000

Ðộng đất - sóng thần

26-12-2004

1.000.000

Bão

3-11-1989

452.000

Hạn hán

1-2005

420.000

Lũ lụt

12-1993

400.100

Lũ lụt

8-1978

400.000

Lũ lụt

19-1-1984

400.000

Lũ lụt

10-10-2010

332.000

Lũ lụt

31-10-1993

319.850

 (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh Thái Lan - CRED) (*) Số ước tính, chưa chính thức

TS LÊ ANH TUẤN (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ