0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng cốt nền ở Hà Nội Mạnh ai nấy làm!
Tại Hà Nội, không ít những căn nhà “bỗng dưng” trở thành hầm vì cải tạo lại đường, làm cầu, xây KĐTM. Điều này trở thành câu chuyện “dở khóc, dở cười” sau mỗi trận mưa lớn khiến nhiều ngôi nhà ngụp tũm trong nước. Nhiều câu hỏi “giá như” được đặt ra, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, và cứ mỗi mùa mưa đến, điệp khúc “Em ơi! Hà “lội” phố…” lại tiếp tục.


Số nhà 246 đường Lạc Long Quân, Hà Nội, hai cốt chênh nhau hơn 1m. Ảnh: Thái Anh

Cốt nền xây dựng chính là mặt bằng hiện nay của các đô thị cũ. Và mặt bằng hiện nay được thể hiện trong các bản đồ quy hoạch, cụ thể là bản đồ chuẩn bị kỹ thuật của khu đất, của TP đó hoặc bản đồ quy hoạch chiều cao, trong đó có bản đồ hiện trạng thể hiện cao độ nền. Tại Hà Nội, các khu có nền đất yếu được xếp vào dạng nguy cơ gây biến dạng lún cao là Ngọc Khánh, Giảng Võ (khu vực xung quanh khu nhà B6 Giảng Võ), Thành Công, Thanh Nhàn (gần Bệnh viện Thanh Nhàn); Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, Bán đảo Linh Đàm.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội việc sử dụng cốt nền đang rơi vào tình trạng “tùy hứng” khi các nhà quản lý nâng đường, hay xây dựng cầu mà “quên” tính tới quy định chung về sử dụng cốt nền trong thành thị.

Đường Lạc Long Quân (Q.Tây Hồ, Hà Nội) là một minh chứng. Nhiều ngôi nhà thấp hơn mặt đường từ 0,6 - 1,4m. Đi trên phố, thấy nhiều nhà chỉ còn nhìn thấy một chút nóc. Môi trường sống rất tối tăm, ngột ngạt và cứ mưa lớn là nước vô tư… tràn vào nhà. Đoạn từ số nhà 575 đến trụ sở UBND Q.Tây Hồ cũng “chọc tức” người dân vì hai làn đường chênh nhau tới cả mét, mỗi khi có mưa lớn là nước cứ thông thốc chạy vào nhà. Hay gần trụ sở Agribank Tây Hồ nằm sát ngõ 445 Lạc Long Quân, từ đường chính xuống ngõ vênh nhau 1,2m, khiến nhiều vụ va quệt giao thông xảy ra ở đây.


Đường Lạc Long Quân sau khi hòan thành cao hơn hẳn cốt nền đườngb Võng Thị. Ảnh: Thái Anh

Anh Nguyễn Đình Thắng (thôn Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông) cho biết: Khi xây dựng nhà ở, tôi không được cơ quan nào thông báo về việc cốt nền xây dựng như thế nào cho đúng quy hoạch. Bây giờ làm đường thì cao hơn nhà, mưa to là ngập hết cả, nhất là mùa mưa đã cận kề…

Đoạn nối từ Nhà trẻ Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng) đến cầu Mai Động mới được tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhưng cùng với niềm vui là nỗi lo của người dân về “đường cao hơn ngõ”. Ông Lê Văn Sáu bức xúc: Tôi được biết, ở các nước, mỗi khi sửa đường, người ta đều cạo hết lớp nhựa cũ rồi mới trải tiếp lớp mới để đảm bảo cốt nền đường, thế nhưng nhiều nhà thầu tại Hà Nội cứ thế đắp lớp nhựa mới lên trên mặt đường cũ, do đó con đường sau mỗi lần sửa lại cao lên vài tấc.

Một cán bộ BQLDA giao thông đô thị Hà Nội cho rằng: Chuyện nền nhà thấp hơn so với mặt đường là do các hộ dân xây dựng trước khi có quy hoạch của TP. Hiện tại, ở Hà Nội có nhiều KĐTM được xây dựng, cơ sở hạ tầng kiên cố nhưng cốt nền tại những khu này cao hơn cốt nền cũ. Dẫn tới tình trạng “khập khiễng” về cốt nền trên cùng một khu vực xây dựng…

Chuyện cốt nền ở Hà Nội là câu chuyện dài không có đoạn kết. Công tác quản lý trật tự xây dựng rõ ràng đang có quá nhiều bất cập. Đó chính là một trong những lý do gây úng ngập thường xuyên của TP này.

TS Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng:

TP Hà Nội có hệ thống cốt chuẩn, nhưng hiện nay, việc cung cấp cốt xây dựng chỉ được thực hiện đối với từng dự án, từng tuyến đường riêng lẻ; trong khi đó, việc kiểm tra xây dựng theo cốt chuẩn lại chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư, xây dựng các dự án - đặc biệt là dự án thoát nước của TP không có hiệu quả. Trách nhiệm này không ai khác thuộc về Sở QH-KT và các cơ quan tham mưu cho TP về công tác quy hoạch. Một trong những nguyên tắc trong quy hoạch xây dựng, để đảm bảo việc thoát nước, đô thị nào cũng phải có một cao độ chuẩn cho cả đô thị hoặc cho riêng từng khu vực

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng):

Đối với các KĐTM trước khi xây dựng bao giờ cũng có quy hoạch chi tiết được phê duyệt và trong đó bao giờ cũng có quy hoạch cao độ xây dựng nền của khu vực đó. Và giữa bản quy hoạch chi tiết với các khu vực xung quanh sẽ có khớp nối về cao độ hay khớp nối về hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Các đồ án quy hoạch bắt buộc phải có, tuy nhiên từ kế hoạch đến cách thực hiện lại khác. Có những KĐT cao hơn hoặc thấp hơn vùng lân cận nên tạo ra sự úng ngập trong KĐT hoặc khu vực bên ngoài. Nguyên nhân có thể là do số liệu, tài liệu làm quy hoạch không đáng tin cậy. Hoặc là khi làm thỏa thuận khớp nối thì có những KĐT nằm chơ vơ ở bên ngoài, hạ tầng xung quanh chưa có thì rõ ràng việc khớp nối khó có thể thực hiện. Tình trạng ngập úng tại Đại lộ Thăng Long sau những cơn mưa chính là biểu hiện của việc lệch khớp nối về mặt quy hoạch. Việc triển khai quy hoạch không đồng bộ giữa đường với khu vực 2 bên lân cận thì chắc chắn xảy ra hiện tượng đó. Lẽ ra ngay trong quy hoạch đã phải nhìn thấy, tính toán những yếu tố đó rồi

Ông Trần Công Thanh - Hội KTS Việt Nam:

Hiện nay tình trạng không tuân thủ các quy định về thực hiện cốt nền tại Hà Nội là rất phổ biến. Điều này có thể thấy rõ là nhiều KĐTM đã phải chịu cảnh úng ngập do có lỗi về độ cao san nền. Đơn cử như KĐT Xa La, Mậu Lương, Văn Phú, Văn Khê… (Hà Đông). Tôi nghĩ đối với nhà đầu tư nghiêm túc thì không những họ sẽ không ăn bớt độ san nền mà họ còn phải tính kỹ cao trình mặt nền của khu đó là bao nhiêu, mực nước lụt cao nhất của khu đấy là bao nhiêu, giải pháp thoát nước thế nào để có căn cứ san nền, bảo đảm quyền lợi của người dân

 

Nguồn tin: baoxaydung.com.vn