Nhà văn, đạo diễn Đoàn Minh Phượng đã mở đầu câu chuyện như thế khi chúng tôi tới thăm ngôi nhà mới của chị ở quận 7. KT&ĐS xin giới thiệu dưới đây những chia sẻ của chị về nghề mộc truyền thống và thiết kế nội thất hiện tại ở Việt Nam.
Phòng khách chính nối liền với bàn ăn và bếp.
Sau này ở nước ngoài, tôi học nhạc, sử và đồ hoạ, tất cả đều không liên quan trực tiếp đến ngành mộc, nhưng lại hoàn toàn sửa soạn cho tôi, nuôi dưỡng cho tôi ý định làm lại xưởng gỗ. Đồ hoạ dạy cho tôi những ý niệm thẩm mỹ và thiết kế, lịch sử dạy cho tôi yêu quý di sản và sự liên tục, cho tôi quan niệm rằng chúng tôi cần dựa vào truyền thống để đi tiếp. Một trong những động cơ cũng là để không phải nói với thế hệ kế tiếp là vào thời của chúng tôi, chúng tôi đã vì lơ là hoặc vọng ngoại hoặc phù phiếm mà đánh mất di sản từ nhiều thế kỷ trước.
Ngành gỗ là một trong vài ngành nghề truyền thống mà người Việt hoàn toàn có trình độ rất cao, vượt hơn nhiều nước khác ở Đông Nam Á, là những nước cũng có nhiều rừng và gỗ quý. Những nhánh khác liên quan đến gỗ của chúng ta là khắc tượng, kiến trúc, đã từng một thời trác tuyệt, nay đã mai một đi nhiều. Khó mà nghĩ còn có người làm được những bức tượng như ở chùa Tây Phương, hay dựng được một ngôi đình như ở làng Đình Bảng. Còn lại ngành làm bàn ghế, chúng ta phải cố giữ cho toàn vẹn và còn đi tiếp nữa, ví dụ như dùng kỹ thuật truyền thống ưu việt, cho một thiết kế hiện đại và trong lúc làm như vậy cải tiến thêm kỹ thuật ấy.
Gỗ thông được dùng như một bức mành gỗ, vừa tạo được ánh sáng vừa đủ và đem lại cảm giác sang trọng, ấm cúng
Rất ít nơi trên thế giới người ta còn làm được một món đồ gỗ như chúng tôi làm: hoàn toàn không có đinh ốc và có khi không có keo, gỗ được ráp nối bởi các mộng gỗ phức tạp và ưu việt để có thể món đồ gỗ quý được đẹp đẽ, chính xác và chắc chắn trong nhiều thế kỷ. Gỗ được xử lý tự nhiên, không màu, không hoá chất nên luôn mịn và êm ái khi sờ tay đến.
“Một viên ngọc quý nếu mài hỏng thì là một viên ngọc hỏng. Gỗ cũng vậy, gỗ càng quý, thì thiết kế và tay nghề của người đóng nên món đồ càng cần phải tinh tế”.
Khi cụm từ “thiết kế nội thất” được dùng nhiều quá, người ta có thể bị lạc hướng, tin rằng “nội thất” – nghĩa là cả cái không gian trong một căn phòng hay một căn nhà – là một đơn vị mà việc thiết kế ra nó người ta có thể đặt vào tay một nhà chuyên môn, một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế nội thất. Những nhà thiết kế là những nhà phù thuỷ có thể tạo dựng được không gian trên máy tính bằng một chương trình ba chiều, in ra thành bản màu trên giấy, và như thế là người ta có được một nơi hoàn tất để sinh sống. Một quy trình như trên chỉ nên áp dụng với một công trình thương mại như khách sạn hạng tiện dụng chứ không phải xa xỉ. Nội thất, thật ra, là cái không gian thật, là những con người thật ở trong đó, cùng với những món đồ thật. Ngoài ba chiều của một không gian thật, nội thất còn có chiều thứ tư, đó là chiều thời gian. Tên của tờ báo là Kiến trúc & Đời sống, chữ Đời sống chính là cái chiều thứ tư này. Nội thất, dù chọn một đề tài hiện đại, cũng nên bao gồm một chút lịch sử, một chút tương lai, để cho hiện tại diễn ra trong nó không bị cô lập, đứt đoạn trong dòng chảy thời gian. Nên có một cái tủ, hay ít ra một cái hộp gỗ của thời ông ngoại, trong cùng căn phòng có thể có một bức tranh rất mới, vẽ một giấc mơ về một thời nào về sau.
Căn nhà được lấy sáng từ nhiều hướng, có tính toán, tạo được không gian sang trọng. |
Ở Việt Nam có hiện tượng lạm dụng bản vẽ thiết kế 3D. Tôi không thích thiết kế 3D, vì nó quyến rũ người ta hoàn tất một không gian mà đáng lẽ không nên hoàn tất. Nó khép kín thiết kế, kết thúc công việc thực hiện thiết kế. Ăn mừng tân gia rồi, người ta tạm có đủ tiện nghi nhưng lại phải sinh sống trong một không gian cứng nhắc, cho dù nó có hợp với mình hay không. Tôi không thích thiết kế 3D vì nó dễ quyến rũ người thiết kế đi ngược, thay vì tìm chủ đề, chất liệu, đồ vật và làm một bản trình bày để căn phòng hiện lên, thì họ lại tạo dựng ra tất cả, chủ đề, màu sắc, chất liệu và đồ vật trên màn hình vi tính, được chủ nhà duyệt rồi, mới tính tới chuyện thực hiện các đồ vật mà bỏ vào nhà cho giống bản vẽ 3D, đi như thế là đi ngược và căn phòng khó có được một linh hồn vì đồ vật được đặt làm cố cho giống theo bản vẽ, thường là trừu tượng và sai tỷ lệ, trong khi bản vẽ nên trình bày những đồ vật tự nó đã là có trước khi được đem vào một bản vẽ thiết kế.
Theo tôi, một nhà thiết kế nên tạo được chủ đề, chọn lựa các chất liệu, bàn ghế, đồ vật thật, và tìm cách tối ưu nhất để trình bày phác thảo cùng chọn lựa của mình với chủ nhà.
Tôi ao ước rằng cả chủ nhà và nhà thiết kế chú tâm tới đồ vật thật hơn là bản vẽ. Bởi vì người ta sẽ sống với món đồ vật thật chứ không sống với bản vẽ. Khi thiết kế căn phòng, người chủ đã nên nhìn thấy, sờ mó món đồ rồi trước khi đem nó về nhà mình.
Đồ nội thất trong nhà được chủ nhà tự thiết kế và đóng rất kỹ càng theo phương pháp thủ công truyền thống và mang tinh thần hiện đại.
Hiện nay, không những ở rất nhiều nhà riêng mà cả ở rất nhiều nhà hàng ăn, càphê khá cao cấp, người ta có những chiếc ghế ngồi cứng đơ hoặc là quá lún, ngồi một lúc thì rất mỏi vì không hợp với cấu trúc xương, bàn quá cao hoặc quá thấp, khó mà ăn uống cho thoải mái, lịch lãm. Đó là kết quả của những bàn ghế được đặt làm theo bản vẽ 3D, người ta chọn chúng trước khi đã ngồi thử.
Tôi đang nghĩ tôi và một nhóm bạn sẽ viết blog về nhà cửa và mỹ thuật, như là một phương tiện để trao đổi và bàn luận thân mật về mỹ học trong đời sống.
Mỗi khi ở Việt Nam, người ta cố vẽ một thứ gì đậm chất Đông phương, trung hay thượng lưu, thì lập tức nó giống Tàu. Mỹ học của tầng lớp vua quan Việt chịu ảnh hưởng Trung Quốc nặng nề. Văn hoá Trung Quốc là văn hoá đại quốc, mỗi ông vua đều muốn thiên triều của mình kéo dài mười ngàn năm (vạn tuế), nên mỹ học của họ tìm sự vững vàng, cái gì cũng phải có hai bên cân đối, chống lại sự thay đổi và chuyển hoá. Đó cũng là một văn hoá phong kiến nặng nề. Người nghệ sĩ và nghệ nhân không được phép cống hiến bằng sự sáng tạo khi vẽ, mà cống hiến bằng sự công phu, vẽ rồng vẽ phượng rất tỉ mỉ và chỉ trong sự tỉ mỉ đó người vẽ mới cho thấy sự khép nép của mình với bề trên. Không ai cần đến sự sáng tạo.
Vách gỗ vừa có tác dụng lọc sáng vừa tạo nên nét uyển chuyển dẫn trong không gian, từ phòng khách đến bàn ăn chính.
Muốn tìm những hoa văn Việt, người ta phải tìm đến hoa văn bình dân, hoặc đi ngược về trước một đoạn trong lịch sử, ví dụ như hoa văn trên gốm Chu Đậu và gốm Bát Tràng đời Lý và Trần. Hoa văn người Việt phóng khoáng. Trên một cái bát Chu Đậu, người thợ vẽ có thể dùng một cái bút thật giản dị bằng tre chẻ, phóng tay vẽ ra một vài cái hoa hoặc lá, rất thiền. Cho nên không lạ khi gốm cổ Việt rất được trân quý trong trà đạo của Nhật.
Hãy bắt đầu bằng sự giản dị của người xưa, có đủ tự tin để hiểu rằng cái đẹp nằm ở sự sáng tạo tự tin, bình đẳng và phóng khoáng chứ không nằm ở sự tỉ mỉ nô lệ.
Tôi thích hình dáng một cái bát Chu Đậu thanh nhã, yêu kiều và ung dung. Khi phải chọn lựa, người ta làm nó hơi thô một chút hơn là mỹ miều quá, như vậy gần với tự nhiên hơn. Nó là một vật dụng, nó cũng là một tinh thần. Bao giờ chúng ta có được tinh thần tự tin của người đã làm ra cái bát ấy, không cần bắt chước Tàu, không cần bắt chước Tây, cũng không cần nổi rõ nét đặc thù Việt, thì lúc đó chúng ta sẽ có nét đẹp riêng. Nghệ thuật là cánh cửa mở ra cho thấy bên trong, chúng ta không thể cố đục đẽo cánh cửa mà làm nên sự đặc thù được.
Phòng thưởng thức trà (trà đạo) được thiết kế ngay từ đầu với hai khung cửa kính lớn cho quan sát rặng trúc rất đẹp bên ngoài vườn | Một góc phòng trà với tủ bày đồ cổ. |
Phòng ngủ giản dị với tranh thêu và là nơi yên tĩnh nhất trong nhà | Góc phòng ngủ với phong cách Nhật. |
Sở thích của chị là décor phòng ngủ với những sản phẩm | Toàn cảnh phòng ngủ, đôi khi là nơi viết lách. |