Thời gian qua, với chính sách đổi mới, hội nhập và đà tăng trưởng nhanh về kinh tế xã hội. Hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Tính đến nay cả nước đã có trên 743 đô thị các loại trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV, 647 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30%.
Quy hoạch đô thị trước hết xuất phát từ hiện trạng đô thị dựa trên các dự báo thường là dài hạn để định ra hướng phát triển và mong muốn trong tương lai nhằm đạt tới đô thị hiện đại, phồn vinh, có môi trường sống tốt hơn, xã hội công bằng, văn minh hơn. Để làm được như vậy thì tính khoa học và phương án khả thi của các phương án quy hoạch là vấn đề có ý nghĩa rất lớn. Các phương án đó không chỉ đơn thuần thỏa mãn yêu cầu của mục tiêu văn hóa xã hội hay chỉ để phát triển bền vững… mà còn có hiệu quả kinh tế rất lớn vì “Quy hoạch đô thị tạo động lực phát triển đô thị”. Dự báo sai thì quy hoạch trở nên khó khả thi. Sự sai lầm của một định hướng quy hoạch hay một đồ án quy hoạch chi tiết không dễ gì điều chỉnh hay sửa sai ngay được mà phải có thời gian, tốn nhiều công sức tiền của mới có thể khắc phục được.
Những năm qua, hầu hết các đô thị trên cả nước đã lập, phê duyệt quy hoạch và hiện nay đang tổ chức triển khai xây dựng theo quy hoạch. Các đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành và phát triển theo quy hoạch đã phê duyệt. Sự phát triển đô thị nói chung, các đô thị mới, khu đô thị mới nói riêng tuân thủ theo quy hoạch thật sự tạo ra diện mạo mới cho đất nước và là một trong những động lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trên con đường hội nhập.
Cùng với sự phát triển đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, ví dụ: vào những năm 90 là Nghị định 91/CP; Quyết định số 322 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành như Thông tư số 25, 03… và hiện nay khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành cùng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật có liên quan đến xây dựng như NĐ 08, Thông tư 07, Quyết định 03… được nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện đã thực sự nâng cao vai trò, vị thế của quy hoạch xây dựng đô thị.
Xét về phương diện nghiên cứu và lập đồ án quy hoạch đô thị cần phải khẳng định rằng, sản phẩm quy hoạch làm ra đều tuân thủ theo các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải làm một cách tùy tiện, ngẫu hứng hay không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên: Có nhiều văn bản quy hoạch chất lượng cao, nhưng vẫn không đi vào cuộc sống hoặc không được thực hiện… và như vậy từ quy hoạch đến tổ chức thực hiện phải chăng còn có khoảng cách nhất định? Các đô thị đã có quy hoạch, nhưng nhìn lại trên thực tế người ta vẫn có cảm giác đô thị phát triển như tự phát, không kiểm soát được. Một số đô thị công nghiệp vẫn xây dựng rải rác, xen lẫn trong khu dân cư chẳng kể đến độc hại, ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cả thiện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị còn yếu kém, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của tế xã hội. Việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiếu kế hoạch, không đồng bộ, gây lãng phí lớn. Các vấn đề nhà ở, giao thông và ngập úng đô thị đang gây nhiều bức xúc. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị tuy đã có nhưng chưa đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện về xây dựng phát triển đô thị. Nội dung, phương pháp, quy trình lập quy hoạch đô thị chưa được đổi mới. Quy trình thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn mất nhiều thời gian, chất lương quy hoạch chưa cao, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội; nguồn lực cho công tác lập quy hoạch cũng như triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế.
Thực tế trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện và qua hội thảo tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh cũng như các ý kiến góp ý bằng văn bản … về dự thảo luật quy hoạch đô thị có thể rút ra một số vấn đề cần quan tâm như sau: Luật quy hoạch ra đời là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị. Bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Việc ban hành luật cũng nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý phát triển đô thị, nhất là việc sử dụng đất đai đô thị, quản lý không gian đô thị (bao gồm cả không gian ngầm), phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị.
Luật quy hoạch ra đời là cần thiết, trên thế giới nhiều nước có đạo luật riêng về quy hoạch đô thị, ví dụ như Anh, Pháp, Nga, Ai Len, Phần Lan, SinhGapo, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Đặc biệt trong số đó, luật quy hoạch đô thị của Trung Quốc (được ban hành từ năm 1989, được điều chỉnh bổ sung năm 2008) có nhiều quy định phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
Từ thực tiễn đó, chúng ta mong muốn: Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch phát triển kinh tễ-xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển nganhfm trong đó cần khẳng định và làm rõ hơn tính pháp lý của quy hoạch đô thị. Để nang cao chất lượng của quy hoạch đo thị, cần xác định điều kiện, năng lực của cá nhân hay tổ chức tư vấn lập quy hoạch bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực quản lý điều hành, số lượng cán bộ chuyên môn phù hợp, trang thiết bị… đồng thời làm rõ vai trì, năng lực của người chủ nhiệm dự án quy hoạch. Thực tế trong luật xây dựng, quy hoạch xây dựng đô thị có quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Trong quy hoạch chi tiết, có quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500. Tuy nhiên, trong thực tế quy hoạch chung có một số vấn đề bất cập như quy hoạch chung nội dung lập cho đô thị lớn, nhỏ giống nhau và quy hoạch chung cũng lập cho các quận của đô thị lớn mà trong đó nội dung chưa được cụ thể hóa. Quy hoạch chi tiết giữa 1/2000 và 1/500 là 2 giai đoạn thiết kế với đối tượng, mục đích, nội dung và ý nghĩa khác nhau, những cũng chưa được cụ thể… Trên thế giới có nhiều tên gọi khác nhua, nhưng bản chất, nội dung gần giống nhau theo mức độ quy hoạch hoặc theo tỷ lệ bản đồ sử dụng, ví dụ: Master Plan hay General Planning (Quy hoạch tổng thể) chiến lược phát triển đô thik (CDS), quy hoạch chiến lược (Strategic Planning) tương đương quy hoạch chung hay quy hoạch cấu trúc (Structure Planning), quy hoạch phân khu, quy hoạch cơ bản nằm giữa quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết với tỷ lệ có thể lên tới 1/5000 hoặc tương đương quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Như vậy, để thống nhất về tên gọi, mức độ và nội dung của quy hoạch đô thị và phù hợp thông lệ thế giới, trong luật này cần làm rõ hơn:
Thời hạn quy hoạch: có ý kiến cho rằng phải dựa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hay quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và lấy mốc 20 năm cho quy hoạch dài hạn. Tuy nhiên các ý kiến khác đặt ra ngoài căn cứ chiến lược hay quy hoạch tổng thể thì quy hoạch đô thị phải có dự báo khoa học và tầm nhìn xa hơn là 30, thậm chí đến 50 năm. Ví dụ một số đô thị đang làm điều chỉnh quy hoạch chỉ lấy 2020 – 2025 thì thời gian từ 2008 đến đó quá gần?
Sự lồng ghép nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các loại quy hoạch và quy hoạch riêng chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị thì tùy theo loại quy hoạch, nội dung quy hoạch chuyên ngành các công trình hạ tầng kỹ thuật được thể hiện yêu cầu, mức độ khác nhau; Và trong Luật cần quy định những nội dung cơ bản, yêu cầu và những nguyên tắc cần phải có của quy hoạch này nhằm mục đích tập trung xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay. Mặt khác, đây là Luật Quy hoạch đô thị, vì vậy các vấn đề có liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật nên được quy định tại các văn bản pháp lý chuyên ngành để tránh chồng chéo.
Sự phân cấp về thẩm định, phê duyệt quy hoạch là phù hợp với xu thế chung của thế giới, tuy nhiên việc phân cấp cần gắn với bộ máy quản lý, năng lực và tổ chức thực hiện. Nên chăng trong luật, cần bổ sung bộ máy cấp Huyện, Xã có cơ quan chuyên môn riêng về xây dựng (phòng Xây dựng Huyện, Xã) thì hợp lý hơn là ghéo vào các phòng ban như hiện nay.
Vốn cho các công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch cần nghiên cứu không chỉ công bố công khai, cắm mốc giới… mà vốn phải bố trị cho các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm (những công trình hạ tầng kỹ thuật khung…) đã được xác định hoặc ưu tiên đầu tư trong quy hoạch để có thể chủ động thực hiện theo quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị các quy định cần chặt chẽ hơn để tránh việc tùy tiện điều chỉnh, thay đổi, mặt khác nội dung các bước thực hiện cần đơn giản hơn.
Ngoài ra nhiều ý kiến đồng tình với các nội dung tổ chức thực hiện và quản lý xây dựng theo quy hoạch nhằm đảm bảo thực hiện cũng như quản lý đô thị được tốt hơn.
Việc ban hành Luật quy hoạch đô thị trong thời gian hiện này là đòi hỏi khách quan. Nhiều nội dung dự thảo đã nhận được nhiều tiếng nói đồng tình. Tuy nhiên mong muốn thì còn nhiều, song không thể cầu toàn và cũng không thể thỏa mãn hết được mà còn phải nghiên cứu đồng bộ với các văn bản pháp lý liên quan khác cũng như được cụ thể hóa tại các nghị định hướng dẫn của chính phủ.
Hy vọng Luật Quy hoạch đô thị được thông qua trong thời gian tới sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị: bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.