Định cư là một quá trình sống của con người thích ứng với các điều kiện địa lý, khí hậu.
Quá trình này đã trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm và đến nay cùng với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định tới các điều kiện sống của con người Việt Nam ở mọi vùng địa lý. Tuy xu thế phát triển tăng trưởng kinh tế là không thể đảo ngược, nhưng không nên coi tốc độ tăng trưởng là mục tiêu duy nhất. Nếu tăng trưởng kinh tế mà chưa nâng cao được chất lượng sống của số đông cư dân tại chỗ thì sự tăng trưởng đó sẽ không còn đầy đủ ý nghĩa.
HIỆN TRẠNG VỀ ĐỊNH CƯ NÔNG THÔN
Hiện trạng định cư nông thôn đồng bằng
Việt Nam là quốc gia có diện tích đất không lớn, người đông (bình quân đất đai tính theo đầu người là 0,4 ha - xếp thứ 170 trong số 217 nước trên thế giới), với tỉ lệ phân bố truyền thống “tam sơn, tứ hải, nhất phân điền” nên đất trồng lúa nước lại càng hiếm hơn (4 triệu ha).
(ảnh: xomnhiepanh)
Quá trình chuyển đất lúa dùng cho các mục đích khác là “một đi không trở lại”. Hơn thế, với 70.000.000 thửa đất nông nghiệp hiện có (năm 1920 chỉ khoảng 16.000.000 triệu thửa) đang nói lên sự manh mún của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Sự chia cắt đó còn trầm trọng hơn do các khu công nghiệp, chế xuất, sân golf… hình thành loang lổ trên các cánh đồng đã từng được sản xuất theo phương thức thâm canh. Chưa có đánh giá cụ thể, nhưng chắc chắn nó đã, đang và sẽ phá vỡ hệ thống thuỷ lợi ở những quy mô khác nhau và gây ô nhiễm nặng tại các vùng trồng lúa. Chất lượng đất nông nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông phẩm, đến toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất gặp trở ngại làm cho môi trường sống trở nên khó khăn. Việc thu hồi đất lúa nước cho các mục đích sử dụng khác (xây dựng đô thị, hạ tầng, khu công nghiệp, thuỷ điện…) đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cư trú nông thôn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 2001 - 2005 có 630.000 hộ bị thu hồi đất, trong đó có 950.000 lao động nông nghiệp phải chuyển đổi sang nghề khác. Cũng vì thế mà có tới 2,5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống do bị thu hồi đất. Phần lớn nông dân mất đất sản xuất vẫn cư trú trong các làng mạc cũ mà ít được cải thiện. Các mô hình quần cư cân bằng sinh thái ấy đang bị phá vỡ do dân số tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật không theo kịp, vấn đề xây cất tự phát, nông dân tự đưa các nghề gây độc hại môi trường vào nơi cư trú của mình… Diện tích bình quân đất ở nông thôn năm 2005 chỉ 59,1m2/người (bao gồm cả nơi để nông cụ, kho nông sản, chuồng chăn nuôi gia súc) là quá thấp.
Những áp lực về sản xuất, cư trú và đời sống đã khiến nông dân có xu hướng “ly nông” rời bỏ ruộng đồng, tạo nên một dòng di cư tự phát ào ạt tới các đô thị làm thuê, đi xuất khẩu lao động, làm phu khuân vác, khai khoáng. Cuộc chuyển cư này tuy mang lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng lâu dài cho nông dân và nông thôn Việt Nam, đe dọa xoá đi những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp nhất mà phải trải hàng nghìn năm người Việt mới xây dựng được.
Có thể nói, mô hình định cư tích cực cho người nông dân trong hai thập kỷ vừa qua chưa hình thành. Chiếm 70% dân số, cư trú trên 94% lãnh thổ phức tạp, đã và sẽ là nguồn lực to lớn của công cuộc kiến thiết đất nước - nhưng nông dân Việt Nam chưa thực sự “an cư” trong điều kiện công nghiệp và hiện đại.
Hiện trạng định cư miền núi
Ba phần tư diện tích lãnh thổ Việt Nam là đồi, núi với 1.169.000ha đất nương rẫy (trên đất sườn đồi, sườn núi chỉ làm được một vụ, cả năm chỉ thu khoảng 1,2 tấn/ha). Điều kiện canh tác nói chung của nông dân ở những vùng này rất khắc nghiệt, chưa có đầu tư để sử dụng đạt hiệu quả cao, việc sử dụng đất chưa trở thành động lực để xoá đói, giảm nghèo và tiến tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trường học và hạ tầng mới tại bản vùng cao Tây Bắc
Một vấn đề rất đáng quan tâm là việc xây dựng những công trình thuỷ điện lớn và tác động của nó với định cư con người. Khoảng 550.000 người đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp do phải di chuyển để nhường đất xây dựng các công trình thuỷ điện, mà hầu như họ rất khó phục hồi thu nhập và ổn định đời sống. Đồng bào các dân tộc ở những vùng này không chỉ bị mất đất sản xuất mà còn bị đe dọa do kinh tế bất ổn vì tài nguyên rừng không còn. Phải di chuyển cả cộng đồng, cũng có nghĩa kết cấu xã hội, truyền thống văn hoá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, các hồ chứa nước của các công trình thuỷ điện làm ngập chủ yếu các thung lũng, là những diện tích ruộng lúa nước vốn rất ít ỏi, quý hiếm ở vùng núi. Đằng sau các con số về quy mô công trình thuỷ điện như một cách khẳng định sự tăng trưởng về năng lượng, là sự xoá đi những thuận lợi về sản xuất nông, lâm nghiệp; xã hội, môi trường chưa được tính toán kỹ càng để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Hiện trạng định cư ven biển
Bờ biển và dải đất ven bờ nói chung của Việt Nam cũng như thế giới là nơi tập trung đông dân. Ở Việt Nam là 25 triệu người (bằng 31% dân số cả nước), có khoảng 20 triệu cư dân sống bằng nghề đi biển, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối… tại 30/64 tỉnh, thành có biển.
Bộ phận nghèo khổ nhất tập trung vào các hộ ngư dân, với gia sản lớn nhất là thuyền đánh cá. Họ đứng ngoài chương trình xuất khẩu thuỷ sản và đánh bắt xa bờ (không có vốn, thiếu hiểu biết nuôi trồng thuỷ sản và hoặc chỉ làm thuê cho các chủ tàu đánh cá xa bờ). Đây là bộ phận dân cư chịu nhiều rủi ro mà nạn nhân các trận bão biển những năm vừa qua là một điển hình. Do tính chất lao động nên phần tài sản trên bờ (nhà cửa, ruộng vườn…) rất ít ỏi, và cũng do hoàn cảnh lao động nên địa bàn cư trú của họ gần, sát biển - là những vùng đất chịu nhiều tai biến thiên nhiên nguy hiểm.
Một thực tế khá nghiêm trọng là việc phá rừng ngập mặn ven biển để nuôi tôm xuất khẩu đã làm suy giảm hầu hết các khu sinh thái ven biển trên toàn quốc. Kết quả sau 10 năm các ruộng nuôi tôm bị ô nhiễm làm tôm chết hàng loạt và chúng đang bị hoang hoá, có nguy cơ sa mạc hoá do cát lấn. Theo số liệu của Chương trình hành động chống sa mạc hoá, Việt Nam có khoảng 9.300.000 ha đất liên quan tới sa mạc hoá (chiếm 28% tổng diện tích đất trên toàn quốc), khoảng 2 triệu ha đất đang sử dụng đã bị thoái hoá nặng và hơn 2 triệu ha có nguy cơ thoái hoá cao.
Hiện nay nhiều vùng bờ biển nước ta đang xói lở với cường độ khác nhau, nhưng đều tăng cả quy mô lẫn tính chất nguy hiểm. Có 397 đoạn đã, đang bị xói lở với tổng chiều dài tới 920km (khoảng 25% chiều dài toàn bờ biển Việt Nam). Tốc độ xói lở tới từ 5 mét đến vài chục mét một năm. Điển hình là ở phía Bắc cửa Thuận An (TT - Huế), bờ biển các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau… Cùng với sự gia tăng của các cơn bão, mực nước biển dâng (thêm 0,33m năm 2005 và 0,45m vào năm 2007 - theo Bộ Tài nguyên - Môi trường) chắc chắn là những nguy cơ rất lớn đối với sự định cư của cư dân ven biển Việt Nam.
Nhìn tổng quát, điều kiện định cư của ngư dân và dân cư ven biển Việt Nam là kém nhất so với các vùng cư dân khác. Hầu như họ rất ít được hưởng lợi từ các đầu tư công ích của Nhà nước như đối với cư dân trên đất liền (đường sá giao thông, chiếu sáng, các dịch vụ công…) khi họ lao động trên biển. Và nơi cư trú của các làng chài, khu dân cư duyên hải lại luôn bị đe dọa bởi thiên tai hàng năm.
Một chính sách định cư quán xuyến cả môi trường làm việc và cư trú đối với hàng chục triệu dân cư ven biển Việt Nam và trên các hải đảo chưa xuất hiện.
ĐỊNH CƯ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Về sử dụng đất nông nghiệp
Quá trình chuyển đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa nước) sang các mục đích khác (xây dựng, giao thông, công nghiệp…) là một đi không trở lại. Cho nên cần hạn chế tối đa quá trình chuyển đổi đó để đảm bảo an ninh lương thực cho không chỉ vài thập kỷ tới, mà các thế hệ người Việt trong những thiên niên kỷ sau này. Cụ thể không được lấy đất lúa nước cho xây dựng đô thị, khu công nghiệp, thuỷ điện, không được xây dựng sân golf trên đất nông nghiệp...
Các vùng ven đô
Giữ lại các vành đai xanh đô thị là truyền thống định cư dân tộc khi xây dựng thành phố như một tiêu chí bảo tồn môi trường sống và bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân vùng ven, đồng thời kiểm soát được an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Nên nghiên cứu mô hình của một số nước Tây Âu khi bảo tồn các vùng ngoại vi của đô thị (Agglomeration) lớn nhất mà ở đó các đô thị chiếm ưu thế đích thực, nhưng cũng bao gồm một phần quan trọng là những dân cư nông thôn. Như vậy khung cảnh sống của thuộc tính nông thôn gắn với trồng trọt vẫn được bảo lưu một cách hài hoà trong khung cảnh hiện đại.
Các vùng nông nghiệp nông thôn đồng bằng
Nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc, tiến trình công nghiệp hóa ở đây đã xuất phát từ quyền lợi của số đông dân cư nông thôn để liên kết chặt chẽ với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm hiện đại hoá nông thôn và nông nghiệp. Các mô hình doanh nghiệp nông thôn đã ra đời nhanh chóng đảm bảo cho Trung Quốc phát triển tiến trình công nghiệp hoá đất nước trên mọi vùng lãnh thổ. Như vậy, Trung Quốc tìm cách tách rời công nghiệp hoá ra khỏi đô thị hoá ở vùng nông thôn và kéo lại gần nhau hai thái cực “công nghiệp hoá” và “nông thôn hoá” - Mặc dù trong lịch sử kinh tế Tây Âu và sự phổ quát của nó ở quy mô toàn thế giới. Hai thái cực nêu trên tới thời điểm này vẫn được coi là tương phản, không thể gắn kết. Trung Quốc đã thành công công nghiệp hoá nông thôn với khẩu hiệu “Ly nông bất ly hương“. Do vậy giữ được khung cảnh sống với thuộc tính nông thôn phi nông nghiệp, chứ không đô thị hoá nông thôn như chúng ta vẫn hiểu và đang áp dụng ở Việt Nam.
Thực chất các mô hình cư trú truyền thống ở nông thôn liên kết chặt chẽ với khung cảnh sống mà ở đó, cơ bản là nông dân làm việc trên những cánh đồng, trang trại, rừng… Xu hướng chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ thời kỳ hiện đại hoá đã tách một phần lớn mô hình này ra khỏi chức năng kinh tế nông nghiệp mà nó vốn có, để tạo ra một tầng lớp dân cư nông thôn phi nông nghiệp. Đây là những cơ sở lý luận để điều tra về dân cư nông thôn Việt Nam và những biến động của nó cho đến 2020 nhằm nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn sử dụng đất ở, đất sản xuất… cũng như các mô hình cư trú thích ứng với nông thôn mới. Tránh hiện tượng đô thị hoá nông thôn để tạo ra các đô thị nhỏ mật độ cao, lộn xộn hình thành xung quanh các vùng đô thị trung tâm (zone métropolitaine) hay liên đô thị (conurbation), do điều kiện đầu tư cao và công nghiệp hoá nông nghiệp toàn diện. Hiện tượng này đang có xu hướng lan nhanh ở Việt Nam sẽ gây bất ổn cho các vùng định cư nông thôn.
Nghiên cứu mô hình doanh nghiệp gia đình hay xí nghiệp nông nghiệp ở nông thôn nhằm phát triển công nghiệp hoá từng bước. Ở đây, dần giảm bớt đáng kể con số của lực lượng sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp thương phẩm. Đồng thời nghiên cứu các mô hình định cư nông thôn mới mang thuộc tính nông nghiệp cho dân cư nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ.
Định cư miền núi
Việc làm đầu tiên cần quan tâm là: Xoá đói giảm nghèo miền núi gắn với định cư miền núi với các mô hình định cư: Định cư sinh thái rừng; Định cư sinh thái trang trại; Định cư sinh thái công nghiệp - nông thôn; Định cư du lịch làng nghề... Các dự án tái định cư phải lấy con người bản địa làm trung tâm cùng với lợi ích quốc gia. Ví dụ: Khu tái định cư thủy điện Đại Ninh - Bình Thuận xây hàng ngàn ngôi nhà xập xệ, tạm bợ, không có đường vào làng, vào nhà, không nghề nghiệp, trường, trạm… cần được thẩm định trước khi cho dân vào ở. Định cư miền núi phải gắn với an ninh quốc phòng, coi từng người dân, từng gia đình, làng bản là một người lính biên phòng. Từ đó có chính sách giao đất, giao rừng, lãnh thổ biên giới cho các khu dân cư miền núi và định cư đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa với các chính sách hỗ trợ đặc biệt để đồng bào có thể an cư.
Định cư miền biển
Cần nghiên cứu các mô hình định cư - sinh thái ven biển; Định cư sinh thái rừng ngập mặn; Định cư sinh thái vùng đầm phá và cửa biển; Định cư vùng du lịch ven biển; Định cư đô thị biển cần gắn với kinh tế biển và chống thiên tai biển (đô thị cảng biển, đô thị du lịch biển, đô thị dịch vụ biển...).
Xây dựng các chương trình trồng lại rừng ngập mặn ven biển và chống sa mạc hoá gắn với các vùng định cư truyền thống, dần dần chuyển đổi kinh tế biển phụ thuộc vào tự nhiên thành các khu kinh tế biển bền vững với công nghệ nuôi trồng thuỷ hải sản hiện đại và các chương trình kinh tế khác. Đây là nền tảng để nghiên cứu các mô hình định cư ven biển và hải đảo trong thời kỳ hiện đại hoá.
"Có thể nói, mô hình định cư tích cực cho người nông dân trong hai thập kỷ vừa qua chưa hình thành. Chiếm 70% dân số, cư trú trên 94% lãnh thổ phức tạp, đã và sẽ là nguồn lực to lớn của công cuộc kiến thiết đất nước - nhưng nông dân Việt Nam chưa thực sự “an cư” trong điều kiện công nghiệp và hiện đại".
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục
Theo ashui.net