0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quản lý chất thải rắn vùng ven đô - Những thách thức

            Trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu, Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững mà kết quả này được coi là tối quan trọng và phải thực hiện được đó là: thứ nhất, nước sạch và vệ sinh môi trường (W) - thứ hai, năng lượng (E) - thứ ba, sản xuất nông nghiệp (A) - thứ tư, quản lý đa dạng sinh học (B) - thứ năm, sức khỏe (H), đây là 5 lĩnh vực (viết tắt là WEHBA) mang nhiều tính tham vọng, nhưng cũng là nhiệm vụ không thể không thực hiện được. Năm lĩnh vực này hoàn toàn nằm trong sự sắp đặt và chủ động của chúng ta đồng thời tạo ra cho chúng ta cơ hội đạt được sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng không những cho chúng ta mà còn cho cả thế hệ mai sau.

            Trong một quy mô rộng lớn thì quản lý chất thải rắn liên quan chặt chẽ tới 5 lĩnh vực trên, mỗi lĩnh vực ít nhiều đều có thể hiện những nội dung công tác này. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện 5 vấn đề trên thì nội dung của quản lý chất thải rắn là yếu tố không thể thiếu trong mỗi giải pháp này.

            Việt Nam đang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đi kèm quá trình này là tốc độ đô thị hóa nhanh đang ảnh hưởng cả bề rộng lẫn chiều sâu trên khắp đất nước. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và việc mở rộng ở các đô thị lớn đang thôn tính và làm thay đổi bộ mặt các làng ven đô, phá vỡ cấu trúc làng xóm cũ, biến nhiều làng ven đô trở thành khu ở đô thị, tổ chức không gian nửa đô thị, nửa nông thôn, đường làng, ngõ, xóm giữ nguyên, nhà ở thay đổi theo kiểu nửa đô thị, nửa nông thôn, vườn, cây , ao, những không gian trống được san lấp để xây dựng công trình, cơn sốt đất đai liên tục diễn ra làm cho người dân ở khu vực này phải tự chọn cho mình một quyết định theo kiểu kinh tế thị trường. Các khu vực làng ven đô hiện nay đã và đang ở trong tình trạng không kiểm soát nổi.

            Chất thải rắn là kẻ thù của đô thị hóa, là nguyên nhân gây nhiễm bẩn đất và nước. Chất thải rắn đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, lại chưa được quản lý và xử lý tốt, nó phát sinh từ các nguồn sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y tế và sinh hoạt đô thị đang ngày càng tăng nhanh về chủng loại, số lượng và tính độc hại. Phần lớn các khu công nghiệp, nhà máy công nghệ xử lý chất thải rắn chưa hiện đại, được xây dựng mới hoặc chuyển từ nội thành ra, các khu công nghiệp còn nằm xen kẽ khu dân cư, nhiều khu công nghiệp chưa có thiết bị xử lý hoặc chưa được đầu tư đúng mức. Cơn lốc đô thị hóa khiến các đô thị ven đô mật độ dân cư tăng nhanh, tốc độ xây dựng lớn làm cho hệ thống hạ tầng như đường giao thông, cấp, thoát nước… quá tải, nguồn nước bị ô nhiễm, ùn tắc giao thông, nguồn sống bị đe dọa. Nhiều nơi khi nhập vào nội thành vẫn còn trắng về hạ tầng kỹ thuật.

            Hầu hết các làng xóm của Việt Nam, đặc biệt các làng ven đô trước đay không có bãi rác mà chỉ có nghĩa trang, có nghĩa là phần lớn rác thải được tái sinh và tái sử dụng ngay trong từng hộ gia đình. Trong quá trình mở rộng và đô thị hóa, rác thải đủ thành phần đang tăng dần, từ nội địa đưa ra, từ ngay chính bản thân khu vực này, mặc dù trên thực tế nhiều làng ven đô đã hình thành các dịch vụ mang tính đô thị như thu gom rác thải, vận chuyển đổ vào nơi quy định, nhưng lượng quá lớn, tỷ lệ thu gom thấp, tồn đọng nhiều. Ngoài ra người dân vẫn còn tập quán xả rác bừa bãi mà ở đây không chỉ là thói quen tùy tiện, ý thức cố hữu, chưa chuyển đổi kịp thời sang lối sống đô thị… mà còn là những bất hợp lý trong việc thu gom rác thải và quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền địa phương. Trong tương lai gần, các khu vực này sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về tình trạng rác thải.

            Quản lý chất thải rắn ven đô đang là vấn đề cấp thiết và cấp bách trong công tác quản lý đô thị, nhiệm vụ đặt ra trong công tác quản lý đô thị là cần lập quy hoạch xây dựng mà trong đó quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kể cả bãi chôn lấp chất thải rắn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thoát nước, các khu vực thu gom, trung chuyển chất thải rắn. Tổ chức phân loại và thu gom chất thải rắn tại nguồn. Vận động xã hội hóa công tác thu gom, và một phần vận chuyển rác thải. Nhà nước cần đổi mới về quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng hợp đồng giao khoán sản phẩm công ích. Cần tuyên truyền giáo dục người dân có lối sống văn minh đô thị, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, tự giác giữ gìn vệ sinh đô thị, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường là thiết thực bảo vệ chính môi trường sống của mình và của cộng đồng.

            Quản lý chất thải rắn vùng ven đô thành công cần phải có một giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, từ quản lý nhà nước đến quy hoạch tiếp cận và huy động nhiều nguồn lực của xã hội và vai trò quan trọng không thể thiếu đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư.

 

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến