Việc công bố Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng phát triển hệ thống giao thông khiến Đông Anh trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư bất động sản (BĐS) vào cuối năm 2010 đầu 2011.
Khi ấy, giá đất khu vực này tăng nhanh. Tuy nhiên, sau đợt "nổi sóng" đó, từ khoảng cuối năm 2011 đến nay, giá đất tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Đông Anh đã sụt giảm 50 - 70% và giao dịch rất ít.
Qua khảo sát thị trường BĐS khu vực Đông Anh cho thấy, giá đất đã giảm sâu so với trước, song sự chênh lệch về giá giữa các khu vực rất lớn. Nhưng sự chênh ấy lại xảy ra trên cùng một trục mặt đường lớn, hai lô đất cách nhau mấy mét nhưng giá chênh nhau đến cả chục triệu đồng/m2, thì đó là điều đáng bàn.
Sự chênh lệch này diễn ra phổ biến tại khu vực quanh mặt đường Cao Lỗ, đoạn từ ngã tư biến thế đến chợ Tó. Giá dao động 30 - 100 triệu đồng/m2 đất thổ cư, 80 - 100 triệu đồng/m2 đất phân lô liền kề.
Đẩy nhanh tiến độ hệ thống cầu đường, phân khu quy hoạch nên đất Đông Anh có nhiều tiềm năng phát triển. Trong ảnh: Đoạn đường dẫn lên cầu Đông Trù.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn đầu tư BĐS - Sàn giao dịch BĐS Bảo Tín (thị trấn Đông Anh) cho rằng: Giá đất chênh nhau như vậy là do quy hoạch. Cùng trên một trục đường, nhưng có khu là đất quy hoạch của xã, có khu lại thuộc đất quy hoạch của thị trấn, đất dự án. Đất ở vị trí càng đẹp, diện tích vừa phải, giá trị càng cao.
Với những vị trí từng là tâm điểm của giới đầu tư hồi đầu năm 2011, như Đông Hội, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, đất xung quanh các cầu lớn Đông Trù, Nhật Tân, Thăng Long... hiện đã giảm 1/3 giá trị.
Chẳng hạn, đất tại xã Vĩnh Ngọc - điểm xuống của cầu Nhật Tân, thời đỉnh điểm lên đến 85 - 90 triệu đồng/m2 mặt đường dẫn, trong làng ngõ rộng 60 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ 50 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đến nay, đất quanh khu vực này chỉ còn ở ngưỡng trên dưới 20 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch. Tương tự, đất thuộc các xã Đông Hội, Võng La, Mai Lâm giá chào bán quanh ngưỡng 12 triệu đồng/m2, Hải Bối 16 - 23 triệu đồng/m2, Nam Hồng 12,5 - 14,5 triệu đồng/m2, Xuân Canh 13 - 15 triệu đồng/m2, Tiên Dương 10 - 12,5 triệu đồng/m2, Nguyên Khê 9 - 13 triệu đồng/m2... Giảm 15 - 50% thời đỉnh điểm. Thậm chí nhiều khu vực giá đất chỉ còn 5 - 7 triệu đồng/m2.
Theo anh Nguyễn Hùng, môi giới nhà đất tại xã Uy Nỗ, so với những năm trước, giá đất Đông Anh đã giảm mạnh. "Hiện trên thị trường có rất nhiều lô đất được chào bán, giá quanh ngưỡng 20 triệu đồng/m2 đường rộng, ô tô vào được, mảnh đẹp lắm thì cũng chừng 30 - 40 triệu đồng/m2 nhưng rất ít người hỏi mua.
Nguyên nhân chính do trước đây 90% giao dịch là đầu tư lướt sóng, chạy theo quy hoạch, cầu đường, nay không bày được hàng. Hiện giao dịch, chào bán đất ở Đông Anh chủ yếu ở những trường hợp bị siết nợ, vỡ nợ mới bán. Giá rẻ hơn thị trường 5 - 6 triệu đồng. Còn hầu hết, nếu cầm cự được thì nhiều người vẫn cố để đợi thị trường ấm trở lại" - anh Hùng cho biết.
Ghi nhận từ thị trường và giới kinh doanh BĐS khu vực Đông Anh, từ đầu năm 2013, đã có những giao dịch thành công đối với các mảnh đất có điện tích từ 40 - 80m2, vị trí đẹp, gần trung tâm thị trấn.
Nhiều chuyên gia nhận định, với sự đẩy nhanh tiến độ của dự án cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, Ga T2 Nội Bài, QL5 kéo dài, hoàn chỉnh hệ thống cầu đường và các phân khu quy hoạch, Đông Anh sẽ lại tiếp tục là khu vực thu hút sự đầu tư của nhiều người.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, khu vực Đông Anh rất có tiềm năng phát triển, một mặt là nền tảng khu công nghiệp cũ, lại nắm giữ vị thế về Di tích lịch sử Cổ Loa, cơ sở để phát triển du lịch truyền thống. Mặt khác, nhiều dự án ở Đông Anh đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên nếu có ý định đầu tư thì đây là thời điểm thích hợp. Tuy nhiên cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ các vị trí trước khi quyết định.