Cầu Thanh Trì, một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. |
Các dự án giao thông vay vốn ODA của Nhật Bản có rất nhiều công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn.
Tăng năng lực giao thông và cảng biển
Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải trên địa bàn huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư vừa mới khánh thành đầu năm 2013, với tổng mức đầu 12.891 tỷ đồng, trong đó có một phần rất lớn là vốn vay ODA từ Nhật Bản để xây dựng hạ tầng giao thông, cảng. Đây là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. JICA đã hỗ trợ dự án ngay từ giai đoạn ban đầu đến giai đoạn thiết kế và cả giai đoạn thi công.
Con số 10.319 tỷ đồng tổng mức đầu tư có lẽ chưa phản ánh tầm quan trọng của Dự án Xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thuộc Danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2013 - 2015.
Là công trình cải tạo luồng hàng hải lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam, Dự án có mục tiêu xây dựng 40 km luồng vào Sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố..., đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn non tải vào các cảng nội địa nằm sâu trong sông Hậu, với tổng khối lượng hàng hóa qua lại lên tới 21 - 22 triệu tấn/năm.
“Đây sẽ là cửa ngõ quan trọng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm bớt ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa khu vực do không phải trung chuyển bằng đường bộ qua cụm cảng ở TP.HCM”, ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Cảng biển Việt Nam đánh giá.
Được biết, ngoài Dự án Xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, một công trình cảng biển nước sâu quan trọng khác tại miền Trung là cảng Đà Nẵng cũng đã được Bộ GTVT đề nghị được sớm vay vốn ODA Nhật Bản để triển khai nâng công suất.
Theo đó, Dự án dự kiến xây dựng thêm 2 bến container có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, 1 bến tàu khách, hệ thống kho bãi rộng khoảng 70.000 m2, nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu. Tổng mức đầu tư của Dự án vào khoảng 150 - 200 triệu USD, trong đó dự kiến vay ODA Nhật Bản trong tài khóa năm 2013 với giá trị khoảng 10 tỷ yên.
“JICA đang rất quan tâm tới Dự án và sẵn sàng cử đoàn nghiên cứu hình thành dự án trong tháng 6/2013”, ông Vân cho biết.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong danh sách dài các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới hội tụ những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.
Cùng với đó, mới đây JICA đã chấp thuận khởi công 4 dự án giao thông lớn trong nửa đầu năm 2013 là Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (TMĐT 18.627 tỷ đồng); Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện (TMĐT 11.849 tỷ đồng).
Diện mạo mới cho giao thông Thủ đô
Cũng trong năm 2012, bằng nguồn vốn ODA, Hà Nội đã giải quyết được phần nào bài toán ách tắc giao thông nội đô bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả 5/18 cầu vượt tại các điểm: Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng - Lê Văn Lương, Láng - Trần Duy Hưng, nút Nam Hồng.
Vừa qua, trong chuyến tham quan thực tế một số dự án ODA Nhật Bản tiêu biểu ở Hà Nội, ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đánh giá: “Hà Nội đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Các công trình này sẽ góp phần hình thành một phần mạng lưới giao thông hiện đại cho Hà Nội, cải thiện hệ thống vận tải hàng hóa cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.
Điển hình cho vấn đề này là việc Hà Nội đang tập trung cho hai công trình trọng điểm được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, đó là công trình cầu Nhật Tân và Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.
Công trình cầu Nhật Tân được Chính phủ xác định là công trình trọng điểm quốc gia. Cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và các Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Cổ Loa, Gia Lâm, Yên Viên. Cây cầu này trong tương lai còn có sứ mệnh hoàn thiện tuyến đường vành đai 2, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài. Sau khi hoàn thành, đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và sẽ là một điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan Thủ đô.
Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, dự án công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có tổng đầu tư gần 900 triệu USD, trong đó có gần 700 triệu USD là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhà ga T2 được thiết kế gồm 4 tầng, diện tích mặt bằng hơn 139.000m2, công suất dự kiến sẽ đưa đón 10 triệu hành khách/năm. Theo dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014 và khi đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho Nhà ga T1 hiện đang bị quá tải.