0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quy hoạch chiếu sáng đô thị Đang thiếu sự thống nhất

Quy hoạch chiếu sáng (QHCS) được coi như là công cụ của chiếu sáng bền vững, tiết kiệm năng lượng, hạn chế những ảnh hưởng của chiếu sáng đến môi trường cũng như tạo ra đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, việc bắt buộc lập QHCS đang là một thách thức lớn đối với các đô thị Việt Nam.

QHCS - Thách thức đối với các đô thị Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định liên quan đến CSĐT như Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/09/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị (CSĐT), Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển CSĐT Việt Nam đến năm 2025, hay thông tư hướng dẫn về CSĐT. Tuy nhiên, theo TS Lương Thị Ngọc Huyền - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Kỹ thuật, CONINCO, chuyên gia nghiên cứu về CSĐT thì QHCS đô thị ở Việt Nam mới chỉ là một nội dung nhỏ trong QHĐT. Những quy định được đưa ra trong các Nghị định còn chung chung, rất khó để triển khai.


Chiếu sáng của TP Đà Nẵng đã bước đầu tạo dựng được hình ảnh của một TP năng động, nhưng do quá “lạm dụng” khiến cho TP đang rơi vào tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

TS Huyền cho rằng, theo các quy định hiện nay, QHCS ĐT của Việt Nam không phải là QHCS tổng thể bởi vì nó đòi hỏi các tính toán, dự toán tổng mức đầu tư và dự báo vốn thực hiện. Nó cũng không phải là QHCS chi tiết bởi vì nó bao trùm chiếu sáng của toàn bộ TP. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật viên ánh sáng, nhà thiết kế ánh sáng của Việt Nam còn yếu do nghề chiếu sáng quá mới mẻ ở Việt Nam. Việc đào tạo về chiếu sáng mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực kỹ thuật cho các kỹ sư điện trong khi chiếu sáng đang thực sự trở thành một lĩnh vực vừa mang tính mỹ thuật và kỹ thuật.

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến - Vụ trưởng Vụ Hạ tầng KTĐT (Bộ Xây dựng): Hiện QHCS công cộng đô thị được thực hiện chỉ đề cập như là một nội dung trong QH cấp điện đô thị. Các đồ án QHC xây dựng đô thị hầu như ít quan tâm đến vấn đề CSĐT hoặc nếu có cũng chỉ rất sơ bộ. Trong các QH chi tiết thì QHCS cũng chỉ quan tâm chủ yếu đến chiếu sáng giao thông…

Các chuyên gia Pháp cũng cho rằng QHCS công cộng ở Việt Nam hiện vẫn đang bị bỏ quên, tạo sự lãng phí không đáng có. Vì vậy, theo TS Huyền, khi lập QHCS cần phải xác định QH nào phù hợp với Việt Nam, phải xác định được đối tượng chiếu sáng, mục tiêu chiếu sáng là gì… Như ở Pháp, công cụ để lập QHCS đô thị gồm có QHCS đô thị tổng thể, QH chi tiết và các quy chế về quản lý chiếu sáng. Nhưng việc sử dụng công cụ nào phù hợp với Việt Nam đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. TS Huyền cho rằng, việc lập QHCS tổng thể sẽ rất khó, vì vậy, QHCS chi tiết là lựa chọn phù hợp đối với các đô thị Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh thiếu các chuyên gia trong nước để thực hiện.

Theo TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các nhà lãnh đạo chính quyền có vai trò rất quan trọng trong QHCS đô thị. Hiện nay, việc quản lý chiếu sáng còn thiếu thống nhất ngay trong cùng một TP, vì vậy cần phải có sự thống nhất trong quản lý chiếu sáng. Nếu không, việc chậm chễ lập QHCS sẽ dẫn đến việc gia tăng sự khó kiểm soát chiếu sáng tư nhân trong không gian đô thị, đặc biệt là chiếu sáng thương mại và quảng cáo. Ô nhiễm ánh sáng và sự lãng phí năng lượng vì thế sẽ nghiêm trọng hơn.

Chiếu sáng: Tạo dựng bộ mặt thứ hai cho đô thị

Theo TS Doãn Minh Khôi, chiếu sáng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo bản sắc cho đô thị. Không có một công thức chung trong QH và tổ chức chiếu sáng cho các đô thị vì mỗi TP có yếu tố văn hóa riêng, đặc điểm hình thái đô thị, cảnh quan cũng như cá tính đô thị, dấu ấn đô thị riêng, trong đó tinh thần nguồn cội3 rất quan trọng, khiến người ta không thể quên, đi đâu cũng nhớ về đô thị đó. Vì vậy, vai trò của người làm CSĐT là phải làm nổi bật (tìm ra được) cá tính đô thị đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của đô thị.

Chiếu sáng không chỉ hạn chế ở chức năng đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện hình ảnh đô thị ban đêm và kéo dài thời gian hoạt động của TP. Như câu chuyện của TP Neon (Pháp) trước năm 1989 là một TP buồn tẻ. Sau khi có QHCS, TP đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong 02 TP phát triển nhất của Pháp và là một trong những biểu tượng TP của lễ hội ánh sáng, đi đầu trong lĩnh vực chiếu sáng, nghiên cứu về chiếu sáng.

Các chuyên gia Pháp cho rằng, QH tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chiếu sáng công cộng và những yếu tố địa lý. Bởi năng lượng cho CSĐT chiếm tới hơn 50% năng lượng tiêu thụ của một TP. Vì vậy cần phải có QHCS hiệu quả và hợp lý để tiết kiệm năng lượng. Theo các chuyên gia, việc thiếu QH đồng bộ giữa chiếu sáng công cộng và các công trình hạ tầng đô thị khác cũng dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo, lộn xộn, không đáp ứng được các yêu cầu chung về kỹ thuật, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị.

Theo TS Huyền, người ta thường cho rằng cứ có chiếu sáng là tạo được cảnh quan ấn tượng. Nhưng thực tế, nếu không được nghiên cứu kỹ càng, chiếu sáng sẽ chỉ gây sự thất vọng và tốn kém. Như việc chiếu sáng của TP Đà Nẵng đã bước đầu tạo dựng được hình ảnh của một TP năng động, nhưng do quá “lạm dụng” khiến cho TP đang rơi vào tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

Ngày nay, việc chiếu sáng không chỉ nhằm vào an ninh an toàn mà nó còn hướng tới giá trị thẩm mỹ, không khí đô thị và tiện nghi thị giác, cũng như làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị. Vì vậy, một TP được chiếu sáng tốt sẽ thỏa mãn người dân đô thị, tạo ra và trở thành một yếu tố quảng bá hình ảnh đô thị đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi chính quyền đô thị phải xác định được việc chiếu sáng một cách đúng đắn cũng như có chiến lược về chiếu sáng, nơi nào cần, khi nào cần, chiếu sáng như thế nào và với giá thành tốt nhất.

Nguồn tin: Theo: baoxaydung.com.vn