Theo quy hoạch đến năm 2025, giao thông TP.HCM sẽ có bốn tuyến đường trên cao, sáu tuyến tàu điện ngầm...
Theo đó, đối với giao thông, sẽ xây dựng bốn tuyến đường đô thị trên cao. Ví dụ như tuyến đường trên cao Nhiêu Lộc — Thị Nghè đi qua năm quận: 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Theo thiết kế, toàn tuyến dài 10,8km, rộng 17,6m, vận tốc 80km/h, tổng vốn đầu tư khoảng gần 5.000 tỉ đồng.
Thưa ông, trước tình trạng hạ tầng giao thông đô thị yếu kém, tình trạng kẹt xe chưa có lối thoát, việc quy hoạch mạng lưới giao thông có gì mới để giới thiệu?
Theo đồ án này, sẽ có 19 cây cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải (trong đó bổ sung cầu Bình Quới, Thanh Đa sang Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Một số địa điểm kết nối các cây cầu như: cầu Sài Gòn 2 sẽ được xây dựng bên cạnh cây cầu Sài Gòn 1, tức bắt đầu từ đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) sang xa lộ Hà Nội (quận 2); cầu Thủ Thiêm 2 bắt đầu từ đường Tôn Đức Thắng của quận 1; cầu Thủ Thiêm 3 kết nối vào đường Tôn Đản thuộc quận 4; cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến nối liền vào khu vực quận 7. Các cây cầu này đều nối trung tâm thành phố hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai; một cây cầu sẽ được làm vượt sông Sài Gòn kết nối tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi — vành đai trong từ Bình Thạnh sang Thủ Đức…
TP.HCM cũng sẽ xây dựng sáu tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm và vành khuyên với tổng chiều dài 120km, xác định vị trí các nhà ga ngầm, kết hợp thương mại dịch vụ; phát triển khu đô thị tới cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây – Bắc và ra cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến. Xây dựng ba tuyến xe chạy trên mặt đất hoặc trên cao với tổng chiều dài khoảng 42km.
Bên cạnh đó, các tuyến đường vành đai số 2, số 3, số 4 cũng được xây dựng xung quanh các trục: trục TP.HCM – Biên Hoà – Vũng Tàu (xa lộ Hà Nội); TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; trục TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (theo quốc lộ 13); trục quốc lộ 1K – Bình Phước; trục TP.HCM – Mộc Bài; trục TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ; trục TP.HCM – Long An (theo tỉnh lộ 10); trục TP.HCM – Gò Công (theo tỉnh lộ 10)…
Được biết, trong đồ án quy hoạch lần này có nhắc đến sáu quận mới, việc này cụ thể như thế nào, thưa ông?
Cũng theo ông Huỳnh Xuân Thụ, trong quy hoạch, thành phố đã xác định rõ khu vực được bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Cụ thể, khu vực hành chính hiện hữu tại quận 1, 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh; trung tâm Chợ Lớn quận 5 và quận 6, các vùng sinh thái như rừng ngập mặn Cần Giờ 75.000ha; rừng phòng hộ; rừng đặc dụng Củ Chi 2.250ha; Bình Chánh 1.500ha sẽ được gìn giữ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, tại các quận nội thành cũ, sẽ gìn giữ và cải tạo các khu công viên, hệ thống cây xanh hiện hữu có diện tích 200ha; tận dụng quỹ đất của các cảng, khu công nghiệp, nhà máy phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh có diện tích 250ha. Thành phố cũng sẽ bố trí trục cây xanh cảnh quan mặt nước kết hợp du lịch dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000ha. Đầu tư và hình thành ba tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp bề rộng từ 2.000 – 3.000m… |
Đồ án quy hoạch chung lần này có điểm nổi bật so với các quy hoạch trước đó là xây dựng sáu quận mới nằm tại các khu đô thị mới phát triển, bên cạnh đó là các khu đô thị vệ tinh quy mô lớn nhằm mục đích kéo giãn dân số ra khỏi khu trung tâm.
Cụ thể, theo định hướng, sáu quận mới này sẽ có tổng diện tích 35.200ha với quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 là 2,9 triệu người. Trong khi đó, tổng dân số của thành phố dự kiến sẽ khoảng 10 triệu người. Ở hướng đông, quận mới sẽ nằm ở khu đô thị Thủ Thiêm; khu công nghệ cao; hướng bắc sẽ nằm ở khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng có quy mô 1.000ha ở khu vực quận 12; hướng tây khu dân cư mới sẽ nằm trọn trong diện tích 750ha tại quận Bình Tân; hướng nam sẽ nằm trong khu đô thị mới khu Nam có diện tích 3.000ha.
Theo quy hoạch, sáu quận mới sẽ được đầu tư xây dựng các đô thị có quy mô, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Các khu trung tâm mới của thành phố ở bốn hướng cụ thể như sau: ở phía đông vị trí tại phường Long Trường, quận 9, giáp với trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có diện tích khoảng 280ha; ở phía nam thuộc khu A của khu đô thị mới Nam thành phố có diện tích khoảng 110ha; ở phía bắc thuộc khu đô thị mới Tây Bắc có diện tích khoảng 500ha; ở phía tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 200ha. Đồng thời bổ sung thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía bắc tại huyện Hóc Môn có diện tích khoảng 50ha nhằm đảm bảo bán kính phục vụ và tạo động lực phát triển cho khu vực này.