0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Yếu tố địa hình trong thực tiễn quy hoạch đô thị trên thế giới

Địa hình là yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng đáng kế đến công tác quy hoạch đô thị và góp phần hình thành nên những đặc điểm riêng trong diện mạo của mỗi đô thị. Bài viết phân tích tổng quan về mối quan hệ tác động giữa yếu tố địa hình với các giải pháp quy hoạch thông qua lịch sử quy hoạch một số đô thị trên thế giới.

1. Mở đầu

Trong quy hoạch đô thị (QHĐT), những yếu tố thiên nhiên có đóng góp một phần rất quan trọng để hình thành nên diện mạo của mỗi đô thị, các giải pháp QHĐT cần phải đạt được sự thống nhất hữu cơ giữa môi trường thiên nhiên và xây dựng đô thị. Tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể mà điều kiện tự nhiên (ĐKTN) trong đó quan trọng nhất là yếu tố địa hình (YTĐH) có thể ảnh hưởng tốt hoặc không tốt đến công tác xây dựng đô thị. Thực tiễn QHĐT trên thế giới qua các thời kỳ cho thấy con người đã nghiên cứu và có những cách ứng xử khác nhau đối với YTĐH trong tiến trình hình thành và phát triển đô thị từ việc khai thác những điều kiện thuận lợi tới việc cải tạo những bất lợi của địa hình nói riêng và ĐKTN nói chung.

2. Đô thị thời kỳ cổ đại và trung đại

Lịch sử QHĐT trên thế giới từ phương Tây cho đến phương Đông đã cho thấy YTĐH luôn có một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi đô thị. QHĐT có những ảnh hưởng rõ nét của địa hình, mặc dù lý luận về QHĐT đô thị còn bị chi phối bởi nhiều các quan điểm về tiện nghi tổ chức sinh hoạt và sản xuất, về an ninh quốc phòng, về tôn giáo và tâm linh...

Ở phương Tây qua các thời kỳ từ Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã cổ đại; châu Âu trung cổ, Phục hưng, Barocco và Cổ điển châu Âu, địa hình được nghiên cứu trong việc lựa chọn vị trí xây dựng đô thị gần nguồn nước như thành phố Thebes (hình 1), thành phố Tell El Amarna, thành phố Babylon..., trên gò đồi cao tránh ngập lụt như thành phố Assour, thành phố Pompei... hay được bao bọc bởi các thành phần địa hình (sông, núi...) để có khả năng phòng thủ tốt như thành phố Athenes, thành phố Hafaga,  thành phố Hattousa (hình 2)... Thực tiễn QHĐT thời kỳ này, địa hình đồi là loại địa hình được lựa chọn nhiều nhất cho các đô thị do có nhiều đặc điểm thuận lợi cho xây dựng và đáp ứng các tiêu chí nêu trên. YTĐH còn đóng vai trò làm cơ sở trong việc tổ chức cơ cấu chức năng đô thị, điển hình như các giải pháp bố cục hình học có sự điều chỉnh do ảnh hưởng của địa hình như thành phố Milet, thành phố Priene (hình 3)... hoặc bố cục tự do phù hợp với địa hình như thành phố Pergama, thành phố Mont Saint Michel,  thành phố Poli... Bên cạnh đó, cũng đã có những hoạt động cải tạo địa hình tùy theo trình độ kỹ thuật, tiềm lực kinh tế và yêu cầu phát triển đô thị với các biện pháp cơ bản như san đồi, lấp vùng trũng, làm hệ thống thủy lợi... như thành phố Babylon, thành phố Roma, thành phố Versailles...

                  Hình 1                                                           Hình 2                                             Hình 3

Ghi chú: 

Hình 1. TP Thebes khai thác địa hình đồi núi cho công trình tôn giáo, các khu dân cư bố trí gần sông Nil

Hình 2. TP Hattousa chọn địa điểm dựa vào địa hình nhằm tăng cường tính phòng thủ

Hình 3. TP Prienebố cục hình học có điều chỉnh phù hợp với địa hình

Ở phương Đông việc lựa chọn vị trí xây dựng đô thị thường dựa theo địa thế núi sông điển hình như thành Trường An (Trung Quốc), thành Udaipur (Ấn Độ), thành Kyoto (Nhật Bản)...; cấu trúc kiểu thành – thị, bố cục chặt chẽ dựa trên cơ sở yêu cầu thích ứng và khai thác ĐKTN mà quan trọng nhất là sự phù hợp với địa hình và mặt nước điển hình như thành Hàng Châu, thành Nam Kinh (Trung Quốc).

Về cơ bản ở thời kỳ này, QHĐT chủ đạo dựa vào khai thác những điều kiện thuận lợi của tự nhiên mà quan trọng là YTĐH, việc tận dụng các ĐKTN đã góp phần không nhỏ để đô thị có được sự phát triển ổn định trong suốt giai đoạn lịch sử của mỗi đô thị.

3. Đô thị thời kỳ cận đại và hiện đại

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và lý luận quy hoạch đô thị, các đô thị thế giới đến thời cận đại và hiện đại ngày càng có sự phát triển vượt bậc. Thực tiễn QHĐT cũng cho thấy, rất nhiều đô thị đã có những giải pháp phù hợp với ĐKTN nói chung và YTĐH nói riêng mang lại hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật và thẩm mỹ. Trong đó, địa hình đồi là dạng địa hình được sử dụng khá nhiều trong quy hoạch và phát triển đô thị. Mặc dù có sự khác nhau về điều kiện kinh tế ở mỗi nước, mỗi khu vực nhưng nhìn chung thực tiễn QHĐT vẫn cho thấy việc tôn trọng ĐKTN trong lựa chọn đất xây dựng, tổ chức cơ cấu không gian và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Việc cải tạo địa hình trên quy mô lớn chỉ tiến hành khi gặp những điều kiện bất lợi hoặc khi thể hiện những quan điểm riêng trong phát triển đô thị và được hoàn thiện kỹ thuật theo hướng hài hòa trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Có thể kể đến việc nghiên cứu và ứng xử với YTĐH trong quy hoạch tại một số đô thị điển hình dưới đây.

Thành phố Tolyatti (CHLB Nga) ứng dụng mô hình cơ cấu đô thị mềm dẻo và giải pháp quy hoạch dựa trên đặc điểm tự nhiên. Cấu trúc của thành phố gồm hệ thống modul cơ sở xuất phát từ đặc điểm địa hình và mặt nước. Mạng lưới đường chính là 5x5km được chọn vì “phù hợp với cơ cấu đất đai của nhà máy ô tô và quy mô của các ngọn đồi”.

Thành phố Kiev thủ đô nước Ucraina có cơ cấu quy hoạch dạng phân tán theo địa hình (hình 4), nhiều cánh rừng tự nhiên vẫn được bảo tồn; mạng lưới đường quy hoạch bám sát địa hình tự nhiên; các tuyến đường sắt thông thuờng chạy theo thung lũng nhằm hạn chế độ dốc; đặc biệt có hệ thống đường sắt leo núi trèo lên địa hình đồi dốc sử dụng trong vận tải hành khách công cộng.

Thành phố Washington DC (Mỹ) quy hoạch mạng lưới các đại lộ cắt chéo nhau nối các dấu mốc địa hình lý tưởng là các đỉnh đồi chồng lên một mạng lưới đường ô vuông bàn cờ (hình 5), giải pháp quy hoạch chiều cao nền chú trọng giữ hình dáng địa hình tự nhiên.

Hình 4. Mặt bằng TP Kiev                                       Hình 5. Mặt bằng TP Washington DC

Thành phố New York (Mỹ) mặc dù có địa hình ít thuận lợi nhưng QHĐT vẫn lựa chọn và tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu xây dựng theo nguyên tắc hình học nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng ”một thành phố kiểu Mỹ” mạch lạc, rõ ràng, hùng mạnh về kinh tế đồng thời phản ánh được tư tưởng bình đẳng, dân chủ. Quá trình xây dựng, địa hình của thành phố đã bị biến đổi khá nhiều, người ta san ủi đồi, bơm, tháo cạn nước các khu vực sình lầy, đắp đất lấn sông, cải tạo vùng đất gò đồi cằn cỗi để xây dựng công viên lớn. Quy hoạch New York đã thành công trong việc tạo dựng một thành phố hiện đại, tuy nhiên việc cải tạo địa hình trên quy mô lớn đã tiêu tốn khá nhiều kinh phí đầu tư.

Thành phố Auckland (New Zealand) được chọn xây dựng ở một trong những khu vực có địa hình ngoạn mục nhất trên thế giới. Địa hình dạng đồi mang lại cho TP những nét đặc sắc về cảnh quan đường phố. Các tuyến đường lượn theo địa hình đồi dốc, góc nhìn từ những con đường dốc tới mặt nước và cảnh quan liên tục thay đổi hấp dẫn và sinh động. Các khu nhà ở chủ yếu là biệt thự, nhà vườn được xây dựng bám theo địa hình; các khu công viên, cây xanh đặt trên đỉnh đồi hoặc sườn dốc lớn. Hầu hết nhà cửa trên các sườn đồi đều được xây theo thế đất mà không san mặt bằng.

Hình 6. Mặt bằng TP Brasilia

Thành phố Brasilia (Brasil) được lựa chọn vị trí xây dựng trên vùng địa hình dạng đồi lượn sóng, là nơi hội tụ của 4 dải thung lũng. Đập Paranoa được xây dựng ở phía Đông đã biến thung lũng thành hồ nước lớn, các dải đồi thành các bán đảo, trong đó bán đảo lớn là nơi đặt chiếc máy bay, các nhánh của hồ nước ôm sát 2 đầu cánh máy bay tạo nên sự hoà hợp tương đối cao với tự nhiên (hình 6). Có thể thấy, việc chọn vị trí và biện pháp chuẩn bị kỹ thuật đắp đập làm hồ nhân tạo đã góp một phần quan trọng và mang lại hiệu quả cao cho việc tổ chức không gian theo ý tưởng của nhà thiết kế.

Thành phố Kampala (Uganda) ban đầu được xây dựng trên bảy ngọn đồi, từ đó mở rộng sang các ngọn đồi khác, đến nay đã mở rộng ra hơn 20 ngọn đồi. Cơ cấu QHĐT theo dạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi theo kiểu trung du, các khu dân cư và các công trình quan trọng của đô thị phân tán trên các ngọn đồi, dưới lũng đồi là khu cây xanh và trục thoát nước. Các tuyến đường chính chạy theo các thung lũng, các tuyến đường nội bộ lượn theo địa hình.

Thành phố Canberra (Australia)được lựa chọn vị trí ở khu vực có địa hình đồi cao nguyên thuận lợi cho xây dựng và có phong cảnh đẹp. Quy hoạch mô phỏng các chủ đề hình học... tập trung quanh các trục liên kết với các dấu mốc địa hình (topographical landmarks) (hình 7).

Hình 7. Trục liên kết các dấu mốc địa hình(đồi quốc hội, đồi thủ đô, đồi thành phố)  trong  quy hoạch thành phố Canberra

Ngoài việc ngăn dòng chảy để tạo thành hồ và các  vùng đất ngập nước (wetland), các thành phần địa hình đều được tận dụng tối đa trong quá trình QHĐT, các quả đồi được quy hoạch cho các đơn vị ở với mạng lưới đường nội bộ uốn lượn theo địa hình; thung lũng dành cho khu cây xanh nghỉ mát; khe tụ thủy được giữ nguyên trạng là ranh giới phân khu và tổ chức thoát nước mưa.

Thành phố Adelaide (Australia) được lựa chọn xây dựng trên hai ngọn đồi ở hai bên bờ sông Torrens căn cứ trên dự báo mức độ ngập lụt của sông. Điểm đáng chú ý trong bản quy hoạch đầu tiên là một vành đai cây xanh được thiết lập nhằm giữ sạch môi trường. Thành công của bản  quy hoạch này dựa trên sự tương phản giữa cấu trúc dạng hình học với khu đất cây xanh bao quanh. Trải qua nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng thành phố vẫn giữ nguyên hình thái như quy hoạch ban đầu. Ý tưởng QHĐT dựa trên nguyên lý hình học cân xứng, các ô phố cơ sở có hình chữ nhật những được điều chỉnh tùy thuộc vào YTĐH và dòng sông (hình 8).

Hình 8. Mặt bằng TP Adelaide

Điển hình như sự thay đổi ranh giới ở phía Đông Nam và hình dạng hơi bất thường ở khu phía Bắc. Đặc điểm cảnh quan của thành phố được củng cố bởi hình thái đô thị. Mạng lưới ô cờ có sự liên kết chặt chẽ với địa hình, được nhấn mạnh bởi đồi cao và thung lũng sâu.

4. Kết luận

Như vậy có thế thấy, trong QHĐT trên thế giới thời kỳ cổ đại và trung đại, YTĐH được nghiên cứu và sử dụng theo hướng khai thác những điều kiện thuận lợi, nhìn chung đáp ứng được yêu cầu phát triển với quy mô đô thị không lớn và phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuật. Thời kỳ cận đại và hiện đại, các đô thị trên thế giới có bước phát triển mạnh mẽ, thực tế QHĐT thời kỳ này cho thấy vai trò của YTĐH và việc cải tạo địa hình ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng hình thành diện mạo đô thị. Các giải pháp QHĐT đạt được sự hài hòa trong việc tổ chức cơ cấu không gian và cải tạo điều kiện tự nhiên mà chủ yếu là cải tạo địa hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Xuân Hoài (2009), Quy hoạch thành phố New York, Bản tin ĐH Quốc gia Hà Nội số 216.

2.      Đặng Thái Hoàng (2000), Lịch sử đô thị, NXB Xây Dựng.

3.      Trần Thị Hường (2002), Chuẩn bị kỹ thuật cho khu đất xây dựng đô thị, NXB Xây dựng.

4.      Iu.P.Bocharov, O.K. Kudiavxev (2006), Cơ cấu quy hoạch của thành phố hiện đại – Lê Phục Quốc dịch, NXB Xây dựng.

5.      Doãn Quốc Khoa (2008),  Cơ sở “Cảnh quan học” của khai thác các yếu tố tự nhiên trong quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam,  Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Bộ Xây dựng.

6.      Nguyễn Quốc Thông (2008), Lịch sử xây dựng đô thị cổ đại và trung đại phương Tây,  NXB Xây dựng.

7.      ACT Planing and land Authority (2004), City west Master Plan.

8.      City of Adelaide (2004), Streets, Squares and Park Lands – Adelaide’s Public Realm.

ThS. Vũ Hoàng Điệp

Trường đại học Kiến trúc Hà Nội

Bài đăng trên tạp chí Xây dựng & Đô thị Số 30.2013