Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị “Tương lai đô thị Việt Nam – hành động hôm nay”
Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn đô thị Việt Nam, Liên minh các đô thị tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/10. Cùng dự hội nghị còn có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh; đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hiệp quốc cùng 300 đại biểu trong nước và quốc tế…
Thách thức cần giải quyết
Đánh giá lại quá trình phát triển đô thị sau 25 năm đổi mới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hệ thống các đô thị Việt Nam có sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống, làm việc có chất lượng. Đô thị khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cảnước.
Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều đô thị, đô thị Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quá trình đô thị hóa.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: Cùng với quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy phát sinh như sự gia tăng đột biến của dân số cơ học do làn sóng di cư vào thành phố dẫn đến sự quá tải về hạ tầng như thiếu trường học, bệnh viện quá tải, nhà ở xã hội ở nội đô, ùn tắc giao thông, giao thông công cộng chậm phát triển, xe buýt mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân; ô nhiễm môi trường sông hồ, khói bụi ngày càng trậm trọng bởi hệ thống hạ tầng thoát thải yếu kém; trong khi đó nguồn lực cho đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng hạn hẹp; cơ chế chính sách nhất là năng lực điều hành với bộ máy quản lý chính quyền đô thị còn nhiều hạn chế…
Không chỉ TP Hà Nội mà nhiều TP trên thế giới cũng đang phải đối mặt và giải quyết với các vấn đề tồn tại trong quá trình đô thị hóa. TS Nguyễn Quang – UN Habitat cho rằng: Nếu giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình đô thị hóa theo kiểu cũ thì chúng ta cần tài nguyên của… 5 trái đất. Đô thị là nơi giải quyết thách thức bởi đô thị tạo sự thịnh vượng, công ăn việc làm, tập trung sáng tạo khoa học, đội ngũ lao động lành nghề… và cũng là nơi đem lại giải pháp, cách tiếp cận mới.
TS Nguyễn Quang cho rằng: Chúng ta cần thực hiện đồng thời 3 giải pháp. Thứ nhất, các quy hoạch đô thị mềm dẻo chứ không thể đi theo quy hoạch tổng thể cứng nhắc. Các thể chế trong quy hoạch phải giảm thiểu được mâu thuẫn mà đô thị đang đối mặt. Thứ hai là công bằng trong tiếp cận dịch vụ, đất đai bởi chỉ công bằng đô thị mới thịnh vượng được. Thứ ba là giải quyết công ăn việc làm, vấn đề di chuyển, năng lượng và môi trường cần được quan tâm giải quyết.
Phát triển hài hòa, bền vững
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Việc tìm ra những mô hình phát triển đô thị tiên tiến như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị cân bằng… mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển là những mục tiêu quan trọng trong các định hướng chiến lược về phát triển đô thị trên thế giới. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Việc đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường, xây dựng công trình xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển đô thị sinh thái….là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược này.
Về định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hoà, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng.Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.
“Là cơ quan được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực phát triển đô thị, cùng với vai trò là cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển đô thị, chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền trong quản lý phát triển đô thị cũng như cơ chế huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Đại diện Liên Hợp quốc ủng hộ: Chúng ta không thể hành động đơn lẻ mà cần chung tay chung sức Chính phủ, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn thể xã hội cùng xây dựng và bảo vệ đô thị. Thế giới đang trở thành đô thị toàn cầu chứ không phải làng toàn cầu, đô thị thành trung tâm chương trình biến đổi khí hậu. Việc thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu là động cơ quốc gia, trọng tâm của địa phương. Hy vọng Việt Nam tiếp tục chủ động cùng các bên liên quan thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cũng như trong QHC xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định: Xây dựng Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri và bảo vệ môi trường.
TP Hà Nội đang tập trung lập các loại hình QH cụ thể hóa QH chung xây dựng Thủ đô như QH phân khu, QH chung các quận, huyện, đô thị và nông thôn, QH chi tiết 1 số trục đường, QH chuyên ngành quan trọng như QH đất đai… Đồng thời thiết lập quy chế quản lý quy hoạch – công cụ quản lý tiên quyết cho chính quyền đô thị, cải cách thủ tục hành chính đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên cho mạng lưới giao thông, hạ tầng xã hội trường học, bệnh viện, di chuyển cơ sở ô nhiễm môi trường, 1 số cơ quan hành chính khỏi khu vực nội đô… Bên cạnh việc kiểm soát chặt đầu tư phát triển thông qua việc thiết lập các quy định, tổ chức bộ máy thanh tra kiểm soát trong quản lý đất đai, giao thông, …thì việc bồi dưỡng nâng cao năng lực bộ máy chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nếp sống đô thị cho người dân là những giải pháp quan trọng mà TP Hà Nội đang thực thi.
Theo báo Xây Dựng