0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
[GT] Bê tông bọt

Trong xây dựng giao thông, bê tông nhẹ thường được sử dụng để đắp nền đường, nền đầu cầu, ứng dụng trong phòng chống sụt trượt trên đường ô tô, làm vật liệu chống ồn... Tuy nhiên, ở VN, việc nghiên cứu và ứng dụng bê tông nhẹ nói chung và bê tông bọt còn hạn chế.

Trong xây dựng dân dụng, bê tông nhẹ thường được sử dụng làm vật liệu và cấu kiện cách nhiệt, chịu lực. Trong xây dựng giao thông, bê tông nhẹ thường được sử dụng để đắp nền đường, nền đầu cầu, ứng dụng trong phòng chống sụt trượt trên đường ô tô, làm vật liệu chống ồn... Loại vật liệu này đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên tại VN, việc nghiên cứu và ứng dụng bê tông nhẹ và các sản phẩm từ bê tông nhẹ còn hạn chế. Các nghiên cứu và ứng dụng bê tông nhẹ mới chỉ được bắt đầu từ những năm 2000 và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng.

Sử dụng bê tông bọt trong xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam còn ít
Sử dụng bê tông bọt trong xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam còn ít

 

Bê tông nhẹ là loại bê tông có khối lượng thể tích dưới 1.800kg/m3, thường được phân làm 3 loại là bê tông nhẹ cốt liệu rỗng, bê tông bọt và bê tông nhẹ không hạt mịn.

Trong 3 loại bê tông nhẹ kể trên, bê tông bọt là loại được sử dụng nhiều trong xây dựng dân dụng và các công trình giao thông.

Bản chất của các loại bê tông nhẹ nói chung và bê tông bọt nói riêng là trong quá trình sản xuất, người ta đã giảm khối lượng thể tích bằng cách tăng độ rỗng trong cốt liệu hoặc trong vữa, trong phần ngăn cách giữa các hạt cốt liệu lớn. Sự có mặt của các lỗ rỗng này làm giảm cường độ của bê tông nhẹ so với bê tông thông thường.

Bê tông bọt được đánh giá thông qua các tính chất chủ yếu sau khối lượng thể tích, cường độ chịu nén, modun đàn hồi, cường độ kết dính với cốt thép, hệ số dẫn nhiệt, độ co ngót, độ ẩm và độ hút nước.

Với các tính chất và đặc điểm của vật liệu bê tông bọt và công nghệ sản xuất, thi công bê tông bọt nên loại vật liệu này thích ứng nhiều trong xây dựng các công trình GTVT. Cụ thể là dùng làm vật liệu đắp nền đường (nền đường đắp trên cầu yếu, nền đường thông thường); Dùng làm vật liệu đắp nền đường đắp cao, nền đường đầu cầu; Ứng dụng trong phòng chống sụt trượt trên đường ô tô (thay thế vật liệu sau lưng tường chắn gia cố ổn định bề mặt mái dốc); Dùng làm vật liệu chống ồn (làm tường, taluy chống ồn).

Bê tông bọt còn có thể được dùng làm vật liệu ổn định dưới đường, cạp mở rộng nền đường, sửa chữa, cải tạo nền đường bị lún, sụt lở; dùng làm vật liệu chèn khe và lớp lót cho đường hầm, ống kỹ thuật, lấp hoàn trả mặt bằng các đường ống nước, các hào rãnh, cống thoát nước, các mỏ dưới đất bỏ không, làm rãnh thoát nước mặt... Tùy theo phạm vi áp dụng, bê tông bọt có thể được sử dụng dưới dạng đổ tại chỗ hoặc sản xuất trong nhà máy sau đó vận chuyển đến công trường lắp ghép.

Sau khi thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý đánh giá chất lượng bê tông bọt và thử nghiệm nền đường sử dụng bê tông bọt làm vật liệu đắp theo hình thức đổ tại chỗ (đường nội bộ nhà máy của Công ty CP Carbon Việt Nam - Khu CN Nam Châu Sơn - Phủ Lý - Hà Nam), các nhà khoa học thuộc Viện KH&CN GTVT đã kết luận: Bê tông nhẹ nói chung và bê tông bọt nói riêng, với điều kiện thực tế tại VN, loại vật liệu này có thể được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả trong xây dựng các công trình giao thông.

Các nhà khoa học cũng cho biết thêm: Kết quả nghiên cứu thực hiện trong phòng trên một loại bê tông bọt cụ thể cho thấy khối lượng thể tích, độ ẩm giảm dần theo thời gian; Cường độ nén của mẫu khô, mẫu bão hòa, cường độ kéo khi bửa tăng dần theo thời gian, tương đối ổn định sau 5 ngày; Thí nghiệm modun đàn hồi không thực hiện được trên mẫu thiết kế. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại hiện trường cũng cho thấy cường độ bê tông nhẹ đạt % sau 5 ngày thi công và có thể thi công ngay các lớp kết cấu phía trên; Modun đàn hồi kết cấu nền mặt đường ổn định, không có thay đổi nhiều sau 18 ngày thi công.

Để có thể áp dụng rộng rãi bê tông bọt trong xây dựng nền đường cũng như các ứng dụng khác cần được tạo điều kiện để thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm cụ thể trên quy mô công trình thực tế để nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện công nghệ, nhóm nghiên cứu thuộc Viện KH&CN GTVT khẳng định.

Nguồn tin: Theo: giaothongvantai.com.vn