0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Tiết kiệm năng lượng công trình với sản phẩm Tonmat
“Tonmat kết hợp với Fujiton – Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho công trình kiến trúc” là chủ đề cuộc hội thảo do Hội KTS Việt Nam phối hợp cũng với Cty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Niềm Tin Việt, Cty CP Tôn mạ màu Fujiton tổ chức tại Hà Nội, ngày 3/11.
 

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh. Cũng trong năm này, Hội KTS Việt Nam ban hành và công bố 5 tiêu chí về công trình kiến trúc xanh.

Một trong 5 tiêu chí đó là công trình sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL). Hội đang phát động cuộc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh lần 2 và dự kiến sẽ công bố kết quả trong năm 2014.

Chủ tịch Nguyễn Tấn Vạn nhất mạnh: Hội KTS Việt Nam hết sức ủng hộ các KTS, chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng vật liệu TKNL trong công trình, cũng như ủng hộ nhà sản xuất Tonmat, Fujiton giới thiệu những sản phẩm hỗ trợ công tác thiết kế đạt được hiệu quả trong các công trình TKNL.

Theo đại diện của Cty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Niềm Tin Việt, sản phẩm tấm lợp Tonmat cách nhiệt, cách âm có lớp PU – một loại vật liệu có khả năng cách âm, cách nhiệt cao - nên sản phẩm tấm lợp Tonmat có khả năng TKNL để sinh công làm mát cho công trình kiến trúc từ các thiết bị điều hòa, quạt công nghiệp.

Tương tự, sản phẩm tấm bảo ôn Tonmat – Panel có lớp bảo ôn PU (giữ nhiệt cao) nên có khả năng TKNL để sinh công giữ nhiệt cho các kho lạnh, phòng sạch, buồng cấp đông từ các máy điều hòa trung tâm.

Hiện nay, Tonmat đã tăng cường giải pháp chống dột hiệu quả Vitlock trong sản phẩm Tonmat – Vitlock làm tăng khả năng chống bão, loại trừ hoàn toàn nguy cơ dột từ vít, tăng tuổi thọ mái lợp cách nhiệt, cách âm, do đó kéo dài thời gian phục vụ của mái lợp TKNL cho công trình.

Tonmat đã kết hợp với Fujiton trong vai trò là một loại tôn nền đặc trưng với bí quyết công nghệ từ Nhật Bản làm tăng tuổi thọ tôn nền nói riêng và sản phẩm tấm lợp Tonmat cách nhiệt, cách âm nói chung, góp phần tăng tuổi thọ, thời gian phục vụ của mái lợp. Đây chính là một trong các giải pháp hiệu quả để TKNL trong các công trình kiến trúc.

Phân tích đặc điểm khí hậu Việt Nam, phong cách kiến trúc nhiệt đới và kiến trúc truyền thống Việt Nam, PGS.TS Phạm Đức Nguyên (Đại học Xây dựng Hà Nội) đã đưa ra những khuyến nghị cho việc thiết kế vỏ (tường và mái nhà).

Theo đó, việc lựa chọn vật liệu để làm vỏ công trình cần đáp ứng các tiêu chí: Sử dụng vật liệu mặt ngoài để giảm khả năng hấp thụ nhiệt, tăng khả năng phản xạ và khả năng bức xạ nhiệt.

Theo ông Nguyên, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ẩm ướt và chịu ảnh hưởng của gió mùa. Thiết kế vỏ nhà trong kiến trúc thích ứng khí hậu cần thực hiện theo hai trường hợp.

Đối với công trình sử dụng hệ thống điều hòa khí hậu thì ưu tiên tránh bức xạ mặt trời. Đối với công trình thông gió tự nhiên thì ưu tiên đón gió mát. “Đánh giá chất lượng kiến trúc vỏ công trình của mỗi trường hợp về môi trường trong nhà và hiệu quả năng lượng là khác nhau.

Do đó, các giải pháp kiến trúc áp dụng cũng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người thiết kế cần phân tích đặc điểm hoạt động, khí hậu, địa hình, thiên nhiêm, cảnh quan của địa điểm thiết kế tại mỗi địa phương để đề xuất các giải pháp sáng tạo phù hợp” –ông Nguyên nói.

Nguồn tin: Báo xây dựng điện tử