Spun concrete piles - Pile drilling and installing - Construction and acceptance
Lời nói đầu
TCVN 10667:2014 được xây dựng trên cơ sở tham khảo JIS A 7201:2009 Standard practice for execution of spun concrete piles.
TCVN 10667:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC71 Bê tông – Bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 10667:2014
CỌC BÊ TÔNG LY TÂM - KHOAN HẠ CỌC - THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
Spun concrete piles - Pile drilling and installing - Construction and acceptance
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu thi công và nghiệm thu khoan hạ cọc bê tông ly tâm.
1.2. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các công trình có điều kiện địa chất đặc biệt như mái đá nghiêng, tốc độ dòng chảy tại mũi cọc lớn hơn 0,8 m/min.
CHÚ THÍCH: Phương pháp khoan hạ cọc có thể áp dụng cho cọc có tiết diện khác có lỗ ở giữa với công nghệ phù hợp theo chỉ định của thiết kế.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 5308:1991, Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng
TCVN 6700-1:2000, Kiểm tra chấp nhận thợ hàn - Hàn nóng chảy - Phần 1: Thép
TCVN 7506:2005, Yêu cầu về chất lượng hàn
TCVN 7888, Cọc bê tông ly tâm ứng lực trước
TCVN 9394:2012, Đóng và ép cọc – Thi công và nghiệm thu
TCVN 9395:2012, Cọc khoan nhồi – Thi công và nghiệm thu
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Cọc bê tông ly tâm (Spun concrete pile)
Cọc bê tông cốt thép được sản xuất theo phương pháp quay ly tâm (sau đây gọi tắt là cọc).
3.2. Khoan hạ cọc (Pile drilling and installing)
Công tác khoan tạo lỗ trong đất và dùng các biện pháp thích hợp để đưa cọc xuống đến vị trí yêu cầu.
3.3. Khoan trước (Pre-drilling)
Khoan tạo lỗ trước khi hạ cọc.
3.4. Khoan trong (Inner-pile drilling)
Phương pháp khoan tạo lỗ dưới mũi cọc trong đó mũi và cần khoan được đưa qua lòng cọc.
3.5. Giàn trượt (Auger drive)
Bộ phận dẫn hướng có thể trượt lên xuống theo thanh ray định hướng của giá khoan.
3.6. Hệ cần khoan (Hollow stem auger)
Tổ hợp các bộ phận thực hiện các công tác về đất và vữa trong lỗ khoan.
3.7. Cần khoan guồng xoắn (Auger shaft)
Một thành phần của hệ cần khoan, có cánh vít liên tục dùng để khoan cắt đất.
3.8. Mũi khoan (Cutter)
Thành phần được gắn ở vị trí thấp nhất của hệ cần khoan để cắt, phá huỷ đất.
3.9. Cần trộn (Mixing rod)
Thành phần của hệ cần khoan, có các thanh thép được hàn vuông góc với trục cần dùng để khuấy và trộn đất.
3.10. Dung dịch khoan (Drilling fluid)
Dung dịch dùng để giữ cho thành hố khoan không bị sập trong khi khoan.
3.11. Vữa chèn hông cọc (Cement slurry for filling gap)
Hỗn hợp xi măng và nước dùng để chèn khe hở giữa thành hố khoan và mặt ngoài của cọc.
3.12. Vữa gia cố mũi cọc (Cement slurry for pile toe)
Hỗn hợp xi măng và nước được bơm xuống mũi cọc để tăng khả năng chịu tải cho cọc.
4. Quy định chung
4.1. Thi công hạ cọc cần tuân thủ theo bản vẽ thiết kế và biện pháp thi công kết hợp với các dữ liệu sau (nếu có):
a) Các công trình hiện có và công trình ngầm;
b) Đường cáp điện và độ sâu lắp đặt;
c) Đường dây tải điện và biện pháp bảo vệ;
d) Đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường;
e) Các điều kiện thi công khác như nguồn điện, nguồn nước, các hạng mục phục vụ thi công khác…
4.2. Cần định vị các trục móng từ các mốc chuẩn theo đúng quy định về trắc địa công trình. Mốc định vị trục phải cách trục định vị ngoài cùng tối thiểu 10 m. Biên bản bàn giao mốc định vị phải có sơ đồ bố trí mốc, tọa độ, cao trình của các mốc chuẩn được dẫn từ lưới mốc chuẩn thành phố hoặc quốc gia. Việc định vị từng cọc trong quá trình thi công phải được kiểm tra thường xuyên. Lưới trục định vị phải được kiểm tra lại thường xuyên, độ sai lệch của các trục so với thiết kế không vượt quá 1 cm/100 m chiều dài tuyến.
4.3. Phải có các biện pháp chống hư hỏng cọc trong quá trình chuyên chở, bảo quản và nâng hạ. Trong quá trình vận chuyển cọc phải có gối kê bằng gỗ và cố định bằng dây xích tại những vị trí cho phép. Trường hợp xếp nhiều lớp cọc thì tại mỗi lớp phải đặt gối kê trên cùng một vị trí theo phương thẳng đứng, không nên xếp cao quá 4 hàng cọc. Khi xếp cọc ở công trường, chọn chỗ bằng phẳng, ổn định, đặt gối kê đúng vị trí đồng thời chêm chặt.
4.4. Thi công cọc
4.4.1. Cần thi công cọc thử và tiến hành thí nghiệm xác định sức chịu tải của cọc theo yêu cầu của thiết kế để có đầy đủ số liệu phục vụ thiết kế và thi công cọc đại trà, đặc biệt khi thi công cọc trong điều kiện địa chất phức tạp, các công trình quan trọng, cọc chịu tải trọng lớn…
4.4.2. Nhà thầu cần căn cứ vào hồ sơ thiết kế, yêu cầu của Chủ đầu tư và điều kiện hiện trường cụ thể để lập biện pháp thi công cọc, trong đó cần lưu ý những vấn đề sau:
a) Công nghệ thi công.
b) Thiết bị sử dụng.
c) Quy trình đảm bảo chất lượng: trong đó nêu rõ trình tự hạ cọc dựa theo điều kiện đất nền, cách bố trí thi công cọc trong đài, phương pháp kiểm tra độ thẳng đứng, kiểm tra mối hàn, biện pháp an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường…
d) Sự cố và cách xử lý có thể xảy ra.
e) Tiến độ thi công.
5. Công tác chuẩn bị thi công
Công tác chuẩn bị thi công bao gồm các bước chính sau:
a) Nghiên cứu điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn, chiều dày, thế nằm và đặc trưng cơ lý của các lớp đất.
b) Khảo sát chướng ngại vật dưới đất, công trình ngầm để có biệp pháp di dời hoặc xử lý. c) Khảo sát các công trình lân cận để có biện pháp hạn chế tác động.
d) Xem xét các điều kiện vệ sinh môi trường (như tiếng ồn, chấn động, bùn đất trào lên mặt....) theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường liên quan đặc biệt khi thi công ở gần khu dân cư. e) Mặt bằng thi công.
f) Lưới định vị các trục móng và tọa độ cọc trên mặt bằng. g) Chứng chỉ xuất xưởng của cọc.
h) Kiểm tra thông số kỹ thuật của cọc.
i) Vận chuyển và sắp xếp tại công trường.
j) Tổ hợp các đoạn cọc theo chiều dài thiết kế.
k) Biện pháp thi công cọc bao gồm khái quát phương pháp thi công, trình tự thi công, thời gian nghỉ của cọc, máy móc sử dụng, cấp phối vữa.
l) Quản lý chất lượng thi công bao gồm: hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý thi công, các biên bản nghiệm thu…
m) Nối cọc:
- Trường hợp nối cọc bằng hàn, yêu cầu kiểm tra việc thi công hàn, dây cáp hàn, máy hàn, chứng chỉ hành nghề hàn;
- Trường hợp nối cọc bằng phương pháp khác cần có yêu cầu kiểm tra mối nối, cụ thể do thiết kế yêu cầu.
n) Quy trình thí nghiệm kiểm soát chất lượng vữa chèn hông cọc, vữa gia cố mũi cọc cần nêu rõ khối lượng thí nghiệm, số mẫu thí nghiệm, quy cách mẫu, cường độ nén yêu cầu.
o) Nhật ký thi công cọc cần có đủ các thông tin về số hiệu cọc, độ sâu khoan, lượng vữa bơm, độ sâu hạ cọc, thời gian thi công, thông số cọc, ngày thi công...
p) Sơ đồ tổ chức, quản lý chất lượng và an toàn. q) Chứng nhận kiểm định máy, thiết bị thi công...
6. Yêu cầu về cọc thành phẩm và vữa
6.1. Yêu cầu về cọc thành phẩm
6.1.1. Cọc bê tông ly tâm ứng lực trước thành phẩm phải phù hợp với quy định nêu trong TCVN 7888 và yêu cầu của thiết kế.
6.1.2. Các loại cọc bê tông ly tâm khác theo quy định về cọc bê tông cốt thép nêu trong 5.1 của TCVN 9394:2012 và yêu cầu của thiết kế.
NHẤN TẢI XUỐNG ĐỂ XEM BẢN ĐẦY ĐỦ