0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Bao giờ hết rối loạn hoá để làng xã lên phường
Trong một hội nghị quy hoạch xây dựng, vị chủ tịch địa phương nói với vị chủ tịch của một vùng ven đô: “Chúng tôi ở vùng hơi sâu, không xa lắm, đô thị phát triển không nhanh như ở chỗ ông, nhưng chưa biết ai đã sướng hơn ai...”. Chủ tịch vùng ven đô chỉ biết cười xòa!

KTS.NGÔ HUY GIAO

            Trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân phải có nếp sống “quân sự hóa” để có thể ứng phó với những bất ngờ. Mọi thứ phải gọn gàng, sắp sẵn để quân địch tới, máy bay bắn phá, tự vệ kịp chống trả, dân thường kịp chạy. Còn bộ đội, lực lượng vũ trang, lúc nào cũng sẵn sàng, không ai nói bộ đội phải “quân sự hóa” vì đương nhiên họ là quân sự rồi còn “hóa” gì nữa. Nói Hà Nội “đô thị hóa” nhanh là không đúng vì Hà Nội là đô thị, chỉ có thể phát triển nhanh, hay chậm... Không thể nói “đô thị hóa nhanh”.

            Ở Việt Nam, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 25% đang tăng dần nhất là từ những năm 90, chắc chắn trong những thập kỷ tới sẽ tăng nhanh. Điều này tất yếu không thể cưỡng lại vì là hệ quả của những dự án đầu tư công nghiệp, dịch vụ, đất nông nghiệp đương nhiên bị thu hẹp dần, người lao động nông thôn như một dòng chảy dữ dằn, đổ vào các khu công nghiệp, dịch vụ.

            Đô thị hóa là quá trình lịch sử tự nhiên, gắn liền với những biến đổi cơ cấu dân số, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa từng vùng lãnh thổ, hợp quy luật. Vậy mà đô thị hóa ở Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ.

Đô thị hóa tự phát

            Công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh nhưng không có, hay có rất ít các dự án xây dựng khu dân cư song hành. Tiền giải phóng mặt bằng đã tạo ra những làng mạc không nhân văn, với những mặt trái xã hội dẫn đến hậu quả ngày càng khó giải quyết về môi trường và xã hội. Gần đây mới hoạch địch cơ chế nhà ở xã hội và đang xây dựng thí điểm, tuy nhiên phần lớn là nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt. Những khu nhà này thiếu nhiều sinh hoạt thiết yếu. Một khu đô thị mới được xây dựng, vùng lãnh thổ xung quanh được “đô thị hóa” theo, nhưng sự đô thị hóa này thường là tự phát, cho nên các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực đó, kể cả đình chùa, đã bị những ngôi nhà không người thiết kế mọc lên lấn lướt.

Đô thị hóa tập trung

            Địa bàn đô thị ngày càng mở rộng, địa bàn nông thôn bị thu hẹp, nhất là vùng quanh đô thị lớn, có huyện 5.000 ha đất, nay chỉ còn 1.000 ha. Thế giới đã có kinh nghiệm về những thành phố khổng lồ, với nhiều vấn đề xã hội. Ví dụ Cairo, Thủ đô Ai Cập, thu hút tới 50% dân số cả nước, người ta phải căng lều, dựng tấm tôn làm nơi trú ngụ trên mái nhà.

            Đô thị hóa phải tập trung, nhưng tập trung quá mức đến không thể cung cấp nổi các sinh hoạt đô thị dễ dẫn đến rối loạn hóa.

Rối loạn đô thị

            Đô thị hóa không phải là cứ chen chúc những ngôi nhà 3,4 tầng không kể gì đến các loại hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Trẻ em thiếu trường học, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm nặng, dân cư không có nước sạch, thừa nước bẩn... Chiếm đất nông nghiệp xây biệt thự nguy nga, không cần quy hoạch là những biểu hiện của rối loạn đô thị.

            Rối loạn đô thị tất yếu dẫn đến rối loạn đời sống. Cho nên, với sự phát triển đô thị tự phát không thể gọi là đô thị hóa, mà gọi đúng ra là rối loạn đô thị. Nhận định như vậy để thấy rằng, ta cần có quyết sách đúng. Dẹp nạn rối loạn không phải chỉ bằng cách “Cấm” mà bằng giải pháp khoa học: Quy hoạch kinh tế, quy hoạch kiến trúc, chính sách giải phóng mặt bằng, chính sách ruộng đất, việc làm cùng các cơ chế quản lý...

            Cần thiết có sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và chính quyền các cấp. Tất cả điều này phải được dựa trên cơ sở pháp lý có tính khả thi, cố gắng không để xảy ra tình trạng các thế hệ nối tiếp chúng ta sẽ phải đập bỏ những công trình đang gây rối loạn đô thị. Hãy giành lại cho các thế hệ sau “Của để dành” có thể chấp nhận được.

Vận dụng “Lý thuyết” vào làng xã Việt Nam: thay đổi là tất yếu của sự phát triển xã hội.

            Làng xã Việt Nam từ nhiều thế kỷ bị kìm hãm không có thay đổi cơ bản. Nay với trào lưu đô thị hóa, làng xã được thay đổi hợp xu hướng thời đại, phát triển theo hướng tiến bộ, đó là điều tất yếu và đáp ứng được mong ước ngàn đời... Tuy nhiên, chỉ hơn chục năm nay, trong sự phát triển ấy cũng đã nảy sinh nhiều điều chẳng mấy tốt lành.

            Làng xã mất tính độc lâp (tương đối) bị xô đẩy bởi các trục giao thông, khu công nghiệp, sân golf... Nhiều làng xã có trung tâm công cộng, có đường giao thông kết nối các trung tâm, nhưng lại phát triển chèn ép các di sản làng xã (đình, chùa, cây đa, giếng nước, nhà kho...), thiếu quy hoạch và không hợp lý với giải pháp kỹ thuật hạ tầng.

            Đất bị chia nhỏ, cấu trúc và kiến trúc nhà ở nông thôn bị phá vỡ, cây cối bị chạt bỏ, nhà xây kiểu chia lẻ, chen chúc, khấp khểnh, đặc biệt là xu hướng “phố làng” đang thịnh hành, tự phát chưa có định hướng đang làm mất bản sắc nông thôn Việt Nam.

Ưu việt của nông thôn truyền thống cần được tôn trọng

            Đời sống làng xã xưa nghèo nhưng có những ưu đãi về thiên nhiên, có nét đẹp riêng kiểu cây đa giếng nước sân đình, với tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy trưa... Làng xóm thường quây quần các dòng họ nhiều đời, thân mật tình làng nghĩa xóm. Chỉ bát nước chè xanh, củ khoai, củ sắn, nhưng thấm đậm tình người. Con người chan hòa với thiên nhiên, nhu cầu nghỉ ngơi gắn liền với lao động - không phải đi tìm nơi “thư giãn”!

Hiện đại hóa nông thôn là sự phát triển tất yếu

            Đô thị phát triển hiện nay đang xảy ra tình trang ngay cả ở những nước phát triển là bị lấn át bởi sự phát triển kinh tế... làm chất lượng đời sống suy giảm, mặc dù có nhiều tiền, nhiều tiện nghi, phương tiện hiện đại, nhưng môi trường xanh bị phá vỡ. Cho nên vấn đề đặt ra là cần có sự phát triển cân bằng dựa trên cơ sở truyền thống, chứ không phải đô thị hóa chỉ là ngổn ngang những “phố làng”, chẳng ra phố phường cũng chẳng ra làng xóm.

Kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng(phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam) đề ra một nguyên tắc có thể được coi là căn bản: “Khi hiện đại hóa nông thôn, sự cân bằng giữa yếu tố hiện đại hóa theo kiểu đô thị và bảo lưu các lợi thế từng có của nó, là một giải pháp hiệu quả để xây dựng mô hình nông thôn lý tưởng cho tương lai”.

            Chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ, đã để nông thôn tự do xoay sở và nó đã tự phát phá vỡ thế cân bằng lâu đời. Nay trên cơ sở nghị quyết Trung ương về “tam nông” cần có cách nhìn khác. Tư duy và hành động của người hoạch định chính sách nông thôn hiện còn phiến diện, nhận thức của người nông dân còn rất xa lạ, ngỡ ngàng với các thuật ngữ quy hoạch - kiến trúc và càng choáng ngợp bởi “đô thị hóa nhanh”!

            Thế giới đang đề cao kiến trúc sinh thái, mà bản chất nông nghiệp là sinh thái - quà tặng của thiên nhiên. Vầy hà cớ gì ta lại để không gian làng xóm với sân vườn, ao chuôm cây cối bị phá bỏ? Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Việt kiều tại Pháp - người có quá trình thiết kế quy hoạch nông thôn Pháp - cho biết cách đây mấy chục năm, tình trạng này đã xảy ra ở Pháp, nhưng họ đã phát hiện ra và kịp thời khắc phục.

            Nhân quy hoạch xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bàn chuyện làng xã Hà Nội, để từ đó có thể suy ra nhiều vùng trong cả nước. Trong quy hoạch này đã đề ra 68% đất là hành lang xanh, trong đó không chỉ là xây xanh, là công viên rừng, mà bao gồm cả các làng nông nghiệp, làng nghề. Vì thế, cần phải vận dụng trí tuệ, khoa học hiện đại để nâng làng nông nghiệp lên tầm cao hơn.

Vậy thì, làng xã có lên phường?

            Thủ đô Hà Nội phát triển lúc chậm, khi nhanh. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp thực hiện kế hoạch bình định Đông Dương khai thác thuộc địa, họ lập quy hoạch thành phố theo kiểu ô cờ, thành phố vườn, với những biệt thự nhiều màu sắc. Hàng loạt làng xóm bị giải toả, nay chỉ còn tên làng trong sử sách. Nửa sau thế kỷ XX, trong quy hoạch phát triển Thủ đô, làng xã bị lấn lướt, bao vậy, tên làng, cổng làng vẫn còn, nhưng người đi làm ăn xa trở về không thể nhận ra bóng dáng quen thuộc. Nhà ba, bốn tầng chẳng hàng lối, mạnh ai nấy làm, lổn nhổn thấp cao. Đường sá bê tông nhưng ngoằn ngoèo, thu hẹp hơn. Cống rãnh thoát nước hầu như không có. Màu xanh cây lá gần như biến mất, hiếm hoi vài bụi tre nhỏ. Nhiều làng đã “lên” phường. Nhà cao hơn, đất hẹp lại, cây xanh bị chặt bỏ, ra khỏi cổng là xe máy, ô tô, thiếu việc làm... Đời sống xem ra có phần cực khổ hơn, bởi bon chen hơn, ô nhiễm hơn...

            Thị xã có thể “lên” thành phó, thành phố loại bốn có thể “lên” loại ba vì là nâng cấp đô thị. Làng, xã là đơn vị hành chính, tổ chức không gian dân cư khác hẳn đô thị - sao gọi là “lên”? Chỉ là sự chuyển đổi. Mà sự chuyển đổi có thể tự phát như đã xảy ra ở Hà Nội.

            Hà Nội mở rộng địa giới có tời ngàn rưỡi làng. Các chuyên gia quy hoạch xây dựng của liên doanh tư vấn PPJ kết hợp với các chuyên gia Việt Nam đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng mới để công bố trước nhân dân vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một điều vô cùng quan trọng phải tính đến là ứng xử với làng xóm không thể như xưa. Kiến trúc nông thôn, “làng trong thành phố” nhất thiết phải coi trọng. Có những làng nghề phải xóa bỏ vì không phù hợp với đời sống, vì chất thải quá ô nhiễm. Nhưng có những làng giảu truyền thống, phải được tôn trọng, giữ gìn bản sắc truyền thống để trở thành điểm du lịch. Có những làng được tổ chức lại sản xuất với nhiều nghệ nhân, trở thành niềm tự hào của Thủ đô... Vì thế những làng này được tính vào hành lang xanh, chiếm tới 68% diện tích Thủ đô.

            Một điểm trong chiến lược phát triển không gian Thủ đô là nâng cấp khu vực ngoại vi, tăng cường kiểm soát phát triển dân số và kiến trúc. Trong phát triển Thủ đô đương nhiên có những làng chuyển thành phố thành phường, nhưng không phải là “lên” phường mà là chuyển đổi làng xã cho phù hợp với đời sống trên cơ sở công nghệ cao. Nông nghiệp vẫn còn, nhưng là nông nghiệp đô thị. Nền nông nghiệp này đã có từ lâu ở các nước đang phát triển. Nó được coi là ngành quan trọng, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường (làm đẹp không gian xanh, giảm vận chuyển, kho chứa khối lượng thực phẩm tươi sống đưa từ xa về).

            Nông nghiệp đô thị có thể là trang trại, vườn, góc nuôi trồng trong nhà và vườn trên mãi, ở ngay trong nội đô hoặc ven đô, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm tươi sống, hoa quả, sinh vật cảnh. Phương pháp canh tác dựa trên công nghệ cao, không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường. Đó là định hướng phát triển không gian làng xã. Thủ đô trên đường hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi làng sẽ được nghiên cứu phát triển trên cơ sở hiện có, không thể diễn lại cảnh tan hoang làng xã như những tháng ngày đã qua. Hiện nay, một số gia đình ở Hà Nội đã bước đầu tự tức rau xanh nhờ vườn trên mái trong nhà.

            Phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một trong những giải pháp giúp con người thư giãn, gần hơn với thiên nhiên.

            Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ hai năm nay, đã nghiên cứu quy hoạch kinh tế - xã hội ở 11 xã các vùng khác nhau. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí hàng đầu là phải có quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch. Bộ Xây dựng đang cho lập quy hoạch thí điểm một số xã tại các vùng miền. Để thực hiện, hãy xem kinh nghiệm từ các nước bạn.

            Đó là một làng ở thủ đô Brunei, vương quốc nhỏ nhưng giàu có hàng đầu trong khối ASEAN.

            Làng Water Willage đã có 500 năm tuổi, thoạt nhìn thưởng như khu dân cư tạm bợ xây cất bằng tôn, gỗ, nổi trên sông. Đó là vì xưa kia sau những cuộc tranh giành đất đai, di chuyển, những cư dân này quyết định lập nghiệp tại đây. Cả làng bè mảng tựa vào nhau, sống bằng nghề đánh cá và săn bắn, với lời thề nguyền không di dời đi đâu nữa. Đời đời họ sinh sống trong một quần thể 28 làng gồm những nhà sàn truyền thống ghép lại bằng bè, nhưng nội thất rất tiện nghi và cao cấp. Nước và rác thải được xử lý khoa học. Trong khu làng nổi có bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính và cả thành đường Hồi giáo.

            Điều kỳ lạ này có vẻ như không hợp với “đường lên hiện đại”. Nhưng vì dân không muốn di dời, Chính phủ phải theo nguyện vọng, giữ lại làng trên cơ sở nâng cấp thiết kế lối sống hiện đại. Cư dân tại đây có đủ nhà kinh doanh, viên chức, trí thức, không ít người rất giàu có, có vài ba biệt thự, ô tô ở trên bờ. Các vật dụng trong gia đình như bộ đồ ăn đều nạm vàng, ngọc, bạc. Có nhà nổi cột nạm vàng, tài sản bên trong hàng trăm triệu đôla.

            “Chúng tôi thích sống ở khu nhà bè trên sông vì muốn giữ truyền thống”, ý nguyện chung của cư dân là vậy.

            Bao giờ chúng ta có mô hình, quy hoạch kiến trúc cho các làng xóm Việt Nam? Đó là mơ ước của đỉnh cao trí tuệ kiến trúc Việt Nam.