0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Trung Quốc: “Bệnh đô thị” ngày càng lây lan

Trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có 870 triệu dân sống ở thành thị, 87 thành phố có số dân trên 750.000 người, trở thành quốc gia đô thị hóa thật sự, theo nhật báo Văn Hối (Hong Kong).

Năm 2005, Bộ Xây dựng Trung Quốc từng công bố nước này có 183 thành phố có cùng mục tiêu xây dựng đô thị quốc tế hiện đại, 30 thành phố có kế hoạch xây dựng thành trung tâm thương mại lớn ở khu vực.

Đua nhau xây

Các thành phố lớn nhỏ đều muốn xây dựng thành đô thị quốc tế. Tốc độ đô thị hóa vùng duyên hải phía đông Trung Quốc đang giảm, trong khi phía tây lại tăng tốc. Huyện Thanh Thủy Hà thuộc khu tự trị Nội Mông đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 2.800 đồng) xây dựng đô thị mới bị báo chí phanh phui hồi tháng 5. Quy hoạch được triển khai từ 10 năm trước, lúc ấy nguồn thu ngân sách huyện chỉ có 30 triệu tệ/năm, hậu quả là sau khi đầu tư hơn 100 triệu tệ thì hết vốn, bị điều tra và giờ trở thành những công trình dở dang.

Thực tế cơn sốt xây dựng đô thị mới ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 2001. Nhiều thành phố lớn quy hoạch xây dựng sang trọng gấp chục lần London hay Paris. Các thành phố nhỏ cũng chẳng thua kém khi đua nhau xây quảng trường, đại lộ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ quả của kêu gọi đầu tư bằng mọi giá

Nhiều lãnh đạo huyện, xã được giao chỉ tiêu kêu gọi đầu tư 100 triệu tệ/năm và phải đóng 10.000 tệ tiền cọc, nếu không kêu gọi được coi như mất tiền cọc. Khắp nơi đều thấy các khẩu hiệu như “Những ai gây khó dễ nhà đầu tư là tội phạm của nhân dân”, “Toàn dân kêu gọi đầu tư”, “Kêu gọi doanh nghiệp tốp 500 thế giới được tặng nhà lầu, xe hơi”...

Thành phố Tâm Dương, tỉnh Hà Nam từng có quy định khuyến khích đầu tư không giống ai: đầu tư 50 triệu tệ không bị phạt khi vi phạm giao thông, con cái được tự do chọn trường, thoải mái ra vào khu vui chơi...

Ông Bảo Hưng, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Trung Quốc có lượng công trình xây mới hằng năm nhiều nhất thế giới, mỗi năm có 2 tỉ m2 công trình được xây. Những công trình này chỉ có tuổi thọ 25-30 năm, do chất lượng kém, chính quyền thay đổi quy hoạch, thích xây dựng mới để tăng GDP và lập thành tích. Theo nhà quy hoạch Trần Phóng, đầu tư vô tội vạ bất chấp hậu quả được ví như việc “yêu đơn phương” trong 20 “căn bệnh đô thị” ở Trung Quốc hiện nay.

Cùng với cơn sốt mở rộng đô thị đã xuất hiện nguy cơ khan hiếm nước. Thành phố Đại Sào, tỉnh An Huy được đầu tư hơn 6 tỉ tệ để cải tạo, nhưng cơn sốt xây dựng đô thị mới ven hồ đã phá hoại lớp đất mặt khiến nguồn nước ô nhiễm không giảm mà còn tăng lên. Ông Ngụy Hậu Khải, chuyên viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết hiện có hơn 400 thành phố trong trình trạng khan hiếm nước do tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Ngoài ra, tốc độ quy hoạch đất đai đô thị tăng nhanh so với tốc độ đô thị hóa dân số. Nhiều diện tích đất đai bị quy hoạch phát triển đô thị nhưng sau đó bỏ trống. Những khu đất nông nghiệp ở Thượng Hải, Bắc Kinh sau khi chuyển đổi công năng sử dụng có giá bán vài trăm ngàn tệ/m2, người dân được bồi thường chỉ khoảng 200-2.000 tệ/m2.

Nông dân rơi vào tình cảnh không có đất trồng trọt, không có việc để làm, không được hưởng trợ cấp. Đầu tháng 6 vừa qua, nông dân Dương Hữu Đức ở Vũ Hán do bất mãn với giá đền bù quá thấp đã tự xây “pháo đài” quyết chiến với lực lượng đến cưỡng chế giải tỏa.

Chuyên gia nghiên cứu phát triển đô thị Vương Quân cho rằng cuộc vận động xây dựng đô thị ở Trung Quốc hay cuộc cách mạng ruộng đất vẫn chưa đến hồi kết. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để cuộc cách mạng ruộng đất trong đô thị hóa biến thành khế ước ruộng đất.

 

Một số “căn bệnh đô thị”

1. Chứng béo phì: đô thị ngày càng mở rộng

2. Chứng cận thị: quy hoạch muốn cho kết quả ngay

3. Phong trào quy hoạch thu hồi đất bất chấp tương lai con cháu

4. Sử dụng tài nguyên theo cách giết gà lấy trứng

5. Tăng trưởng GDP theo kiểu phá hoại môi trường

6. Xây dựng công trình hình tượng hoành tráng theo phương Tây

7. Hoạt động lễ hội thiếu quy hoạch

8. Kêu gọi đầu tư bất chấp hiệu quả

9. Giao thông ùn tắc

10. Khu khai phát kinh tế: khai nhưng không phát triển

Theo:  Báo xây dựng