Với con số đưa ra là cần tới 3 tỷ USD (tương đương 60.000 tỷ đồng) để xây dựng một thành phố thông minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi lĩnh vực. Dự kiến quy hoạch này sẽ được UBND thành phố trình trước HĐND vào đầu tháng 12 tới.
Ông Mike Kehoe, Giám đốc các giải pháp Thành phố Thông minh hơn toàn cầu của IBM, chia sẻ về cách tiếp cận toàn diện và gợi ý các nhóm dự án cần tập trung cho Hà Nội. |
Theo dự thảo về quy hoạch CNTT tới 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế tới giao thông, điện, nước... Thành phố cũng dự kiến huy động nguồn vốn khoảng 60.000 tỷ đồng trong gần 20 năm tới. Ngân sách thành phố đảm nhận khoảng 8.000 tỷ, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa.
Tại hội thảo của Sở TT&TT Hà Nội, các diễn giả đến từ tập đoàn công nghệ IBM đã chia sẻ những hướng tiếp cận, lợi ích và giải pháp xây dựng thành phố thông minh mà IBM đã và đang thực hiện cho các thành phố trên thế giới cũng như cho Việt Nam.
Trước đó, ngày 23/3/2012, IBM đã chính thức công bố Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng “Thành phố thông minh hơn” và sẽ nhận tài trợ từ IBM khoảng 400.000 USD để triển khai chương trình này. Được biết, chương trình “Thành phố thông minh hơn” (IBM Smarter Cities Challenge) của IBM là sáng kiến bắt đầu từ năm 2011, kéo dài trong 3 năm với tổng trị giá hỗ trợ khoảng 50 triệu USD dành cho 100 thành phố trên thế giới với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị và hướng đến xây dựng một thành phố thông minh.
Dân trí cũng là… hạ tầng
Theo dự thảo về quy hoạch CNTT tới 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế tới giao thông, điện, nước...
Để xây thành phố thông minh cần phải thu thập dữ liệu, từ đó kết nối các dữ liệu này để phân tích rồi đưa ra những quyết định hiệu quả. Khi đó, các nguồn lực và quy trình được điều phối hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị dành cho người dân.
Trên thực tế, IBM đã và đang triển khai dự án thành phố thông minh khá hiệu quả cho nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, chẳng hạn như Rio de Janeiro của Brazil để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 2016. Nhưng rõ ràng cơ sở hạ tầng của các thành phố này đã có sự phát triển hơn hẳn so với Hà Nội.
Theo ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, các thành phố thông minh hơn là hệ thống của các hệ thống phức tạp như quản trị chính quyền và cơ quan, an toàn xã hội, xã hội và y tế, đào tạo, giao thông, môi trường, quy hoạch đô thị, năng lượng và nước sạch.
Tuy nhiên, để xây dựng các hệ thống như vậy đòi hỏi hệ thống hạ tầng CNTT của Hà Nội sẽ phải rất phát triển, trong khi hiện trạng thì vẫn còn quá sơ khai. Chẳng hạn, những lĩnh vực đang trở nên cấp thiết tại Hà Nội như giao thông, quy hoạch, cấp thoát nước… đều vẫn chưa được đầu tư đủ về hạ tầng để ứng dụng CNTT một cách hiệu quả.
Riêng trong lĩnh vực giải quyết ùn tắc giao thông, ứng dụng CNTT hiệu quả nhất của Hà Nội đến nay, nếu không tính tới hệ thống đèn giao thông và biển báo tín hiệu cố định, có lẽ là Chương trình VOV giao thông phát trên sóng radio FM. Tuy đã lạc hậu về công nghệ nhưng chương trình này vẫn hiệu quả trong việc giúp người dân Hà Nội tránh các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Để triển khai được một hệ thống quản lý giao thông như của thành phố thông minh, các hệ thống camera tự động, đèn tín hiệu điều khiển, điều hướng giao thông… đều cần được số hóa để điều khiển từ xa, xử lý dữ liệu tập trung và điều hướng từ trung tâm điều hành, chứ không thể chỉ dùng các biển báo cố định và điều hướng bằng lực lượng CSGT.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã đầu tư một hệ thống hạ tầng hiện đại, cũng chưa thể đảm bảo người dân tham gia giao thông sẽ chấp hành nghiêm chỉnh khi vắng mặt CSGT, cũng như các thiết bị điện tử có thể hoạt động được ổn định không, khi mà chỉ các tấm gương cầu đặt ở nơi có đường cua gấp cũng đã bị những người thiếu ý thức phá hoại, làm hỏng.
Thành phố thông minh cần cách quản lý thông minh
Giám đốc sở TT&TT Hà Nội Tô Văn Động cũng thừa nhận rằng để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh hơn trong năm 2020 thì phải có sự đồng lòng quyết tâm của các cơ sở ban ngành liên quan, cũng như sự ủng hộ của người dân.
Nhưng để “Hà Nội trở thành thành phố thông minh vào năm 2030 khi hoàn tất các mục tiêu của quy hoạch CNTT” như phát biểu tại hội thảo của ông Tô Văn Động, công việc sẽ không chỉ đơn giản là đầu tư một hệ thống hạ tầng thiết bị CNTT hiện đại, mà phải còn quá trình giáo dục ý thức cho người dân, kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống của cơ quan chức năng…
Ngay như với hệ thống chính quyền điện tử, theo kế hoạch đến năm 2015, toàn bộ 577 xã, phường của Hà Nội sẽ hoàn tất trang bị máy tính nối mạng; giao tiếp với người dân qua hệ thống hành chính một cửa; có phần mềm quản lý dữ liệu về tài nguyên, dân cư, hộ tịch... Nhưng để phần lớn người dân Hà Nội, nhất là các huyện ngoại thành, biết sử dụng máy tính và Internet để sử dụng các dịch vụ công một cách hiệu quả thì thời điểm 2015 chắc chắn sẽ chưa khả thi. Như vậy dù hệ thống chính quyền điện tử đã sẵn sàng thì cũng chưa thể phát huy hiệu quả.
Nhưng để giải quyết các vấn đề trước mắt, chẳng hạn như ùn tắc giao thông, rõ ràng vẫn có những phương án ứng dụng CNTT theo hướng phát triển thành phố thông minh hơn, mà vẫn tận dụng được những hạ tầng sẵn có, chẳng hạn như mạng lưới điện thoại di động và mật độ người dân sử dụng điện thoại rất cao ở khu vực thành thị.
Chẳng hạn, UBND thành phố Sở TT&TT có thể phối hợp với các mạng di động để cập nhật tức thời được các điểm tập trung mật độ thuê bao di động cao vào giờ cao điểm. Các dữ liệu này được sử dụng để xác định các điểm ùn ứ, tắc đường theo thời gian thực lên một ứng dụng bản đồ. Người dân có thể truy cập miễn phí từ ĐTDĐ vào dịch vụ này để cập nhật thông tin giao thông, tránh tắc đường, tìm các tuyến đường thay thế…
Những giải pháp như vậy không đòi hỏi quá nhiều về đầu tư hạ tầng, giải pháp, nhưng chắc chắn sẽ đạt hiệu quả trước mắt đối với nhiều người dân khi tham gia giao thông. Từ lợi ích của các dịch vụ như vậy, ý thức và trách nhiệm của người dân cũng sẽ được nâng dần lên để thích nghi với những giải pháp lâu dài, trị giá hàng tỉ USD trong vòng 10-20 năm tới.