0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Thành phố xanh
Cần nhận thức tác dụng và hiệu quả của mảng xanh đô thị và nỗ lực làm xanh thành phố để hướng đến thành phố xanh nhằm giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, hạn chế tác động đến môi trường, nhất là trong tình trạng biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên hiện nay.

Tại quyết định số 24/TTg ngày 6/10/2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến 2025 của Thủ tướng chính phủ có quy định: “Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp với du lịch giải trí dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000ha”. Nó sẽ là xương sống môi trường xanh kết hợp với mặt nước giữa thành phố. Khi kết nối với các dải cây xanh dọc theo các kênh rạch trong thành phố sẽ trở thành mạng lưới cây xanh mặt nước, tăng thêm tính bền vững về môi trường.


(Ảnh: Lê Hồng Thái) 

Mảng xanh phân bố không đều 

Toàn TPHCM có khoảng 540.635.486m2 cây xanh, trong đó nội thành có 5.482.214m2 (chiếm 1%) và ngoại thành có 535.153.272m2 ( chiếm 99%).Tỷ lệ che phủ cây xanh toàn thành phố là 26,3%. Tỷ lệ che phủ nội thành là 3,9%, ngoại thành là 27,7%. Tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn thành phố là 13,74m2/người. Tỷ số bình quân trong nội thành là 1,95m2/người và ở ngoại thành là 473,6m2/người.

Như vậy phân bố cây xanh ở nội và ngoại thành rất không đồng đều. Cây xanh ngoại thành có thể bổ sung thêm cho nội thành ở mức nào đó!

Tuy nhiên, cũng cần phải nâng diện tích cây xanh trong nội thành lên mức 10-15m2/người như nhiều thành phố xanh trên thế giới và nâng cao chất lượng các khoảng xanh ở ngoại thành lên để đảm bảo được chức năng phòng hộ cho nội thành.

 

Cần phải làm xanh thành phố 

Để đưa diện tích cây xanh trong thành phố lên 10-15m2/người, ta cần hoàn chỉnh và mở rộng hạ tầng xanh bao gồm: mảng xanh và không gian mở, cây xanh dọc theo các dãy phố các trục lộ, thảm thực vật, mái nhà xanh, mặt đứng nhà xanh và vỉa hè thẩm thấu nước.

Mảng xanh khu vục nội thành và không gian mở gồm chủ yếu là cây xanh công viên kết hợp với các khu vui chơi giải trí được chia thành 2 khu vực nhỏ:

- Khu vực nội thành cũ do đất đai chật hẹp khó khăn chỉ có khả năng nâng lên được 3m2/người. Khu nội thành cũ cần bảo tồn các công viên cây xanh như: Thảo cầm viên, khu quảng trường 30/4 trước Hội trường Thống Nhất, công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, công viên Đầm Sen v.v..

Các công viên cây xanh khu vực nội thành cũ sẽ kết hợp với các nêm cây xanh của các khu dân cư mới xây dựng trong quá trình chỉnh trang đô thị, kết hợp với các dải cây xanh liên hoàn dọc theo các bờ kênh rạch đã được giải tỏa và chỉnh trang như: Thị Nghè - Nhiêu Lộc, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé v.v. và các trục đường xuyên đô. Đại lộ Đông Tây mới hoàn thành sẽ trở thành đại lộ xanh? Các trụ của đường trên cao cũng cần được phủ bởi dây leo bám xanh.

- Khu nội thành mới với đất đai rộng rãi phong phú  cho phép sẽ nâng tỷ lệ cây xanh lên 10m2/người, chủ yếu là mở rộng những mảng cây xanh lớn kết hợp với cảnh quan thiên nhiên sông nước. Mảng lớn nhất bám theo bờ sông Sài gòn từ Gò Vấp đến Hiệp Bình, An Phú, An Khánh (Thủ Đức), Phú Xuân, Phú Mỹ (Nhà Bè). Các mảng lớn còn lại gồm mảng phía Nam Thủ Đức, vùng đồi Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức) dọc các khu vực kinh rạch, mảng phía Nam từ quận 8 kéo dài tới Nhà Bè đến An Lạc (Bình Chánh) tạo nên những vành đai xanh.

Tại các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Nam Sài gòn sẽ xây dựng các khu công viên cây xanh và vườn hoa hoàn chỉnh. Trong dự án thiết kế Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm,vùng đất ướt được giữ lại làm bảo tàng thảm thực vật vùng đất phèn mặn.

Tuy nhiên nếu không tính diện tích cây xanh bên ngoài nội thành thì chỉ tiêu cây xanh trong nội đô dù có tăng thêm mới cũng chưa  đạt được phân nửa ! Do vậy cần có giải pháp bổ sung như trồng cây xanh trên mái nhà và ở mặt đứng.

Việc trồng cây xanh trên mái nhà không còn quá xa lạ với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng ở Việt Nam nó vẫn còn là khái niệm mới mẻ và tất cả mới chỉ là bắt đầu, đi tiên phong trong số đó là khu dân cư Phú Mỹ Hưng cũng mới chỉ là các sân vườn, công viên trên cao.

Thành phố cần khuyến khích những hình thức vườn trên mái, toàn bộ mái nhà được bao phủ bởi cây xanh sẽ giúp cho căn nhà chống lại cái  nóng vào  mùa hè. Kết hợp phủ xanh cho các mặt đứng ngoài nhà, mặt đứng nhà xanh sẽ trở thành một kiểu trang trí hợp thời, sinh thái, đẹp mà không quá đắt nhằm hỗ trợ cho trào lưu kiến trúc xanh ở thành phố.


(Ảnh: Lê Hồng Thái)

 

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, khu vực công trình xây dựng tiêu thụ khoảng 40% năng lượng/tổng nguồn năng lượng dùng cho sản xuất, tiêu dùng của toàn xã hội và phát ra khoảng 30% khí thải carbon/tổng lượng carbon phát thải ra môi trường, do vậy cần khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh để tiết kiệm năng lượng.

Đại lộ Đông –Tây sẽ trở thành đại lộ xanh và có đặc trưng kiến trúc xanh đầu tiên của thành phố? Các vỉa hè bê tông trong nội đô cũng cần được cắt ra, hoặc sử dụng các loại vỉa hè dạng tổ ong để trồng cỏ xen kẽ và giúp thoát nước mưa nhanh xuống đất.

Hy vọng giải pháp làm xanh mái nhà và xanh mặt đứng nhà sẽ từng bước gíúp đáp ứng được chỉ tiêu cây xanh trong nội đô.

- Khu vực ngoại  thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt như lâm viên, rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. Thành phố cần bảo tồn các khu  rừng đước ngập mặn ở huyện Cần Giờ, được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển của thế giới, rừng cây đất phèn ở huyện Bình Chánh, các khu rừng này chính là lá phổi xanh của thành phố.

Thành phố cũng còn được hưởng khỏang không tự nhiên và rừng cây sông suối không xa thành phố như suối Lồ Ô, khu vực núi Châu Thới, vùng hồ Trị An, rừng cấm Cát Tiên v.v.. 

Nông nghiệp đô thị làm xanh thành phố 

Hiện nay ở phương Tây đã xuất hiện cách tiếp cận nông nghiệp đô thị (urban farming) để góp phần làm xanh thành phố.

Nông nghiệp đô thị có khả năng cung cấp thực phẩm bảo đảm cho đời sống cho cư dân đô thị. Nông nghiệp đô thị được hiểu là việc sản xuất các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi được thực hiện trong phạm vi thành phố: cả nội thành và vùng ven đô (peri-urban farming). Từ cách tiếp cận kinh tế và môi trường thì đó là lý do quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp đô thị nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thiên nhiên, cung cấp nông nghiệp hữu cơ với đô thị, giảm quãng đường và chi phí vận chuyển.

Trong phạm vi nội thành thì nông nghiệp đô thị là nông nghiệp chiều thẳng đứng được mô tả như là kỹ thuật nông nghiệp đô thị trong nhà bao gồm sản phẩm nông nghiệp trong phạm vi rộng ở  mặt đứng các công trình cao tầng, Nó được coi như là chiến lược nông nghiệp thâm canh, chủ yếu sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như nước có chất dinh dưỡng v.v. để sản xuất ra các sản phẩm như trái cây, rau xanh, các loại nấm có thể ăn được thường xuyên và cả hoa. Nông nghiệp theo chiều thẳng đứng cũng được coi là quan điểm thu hẹp về nông nghiệp trong nhà. Ở đó sản phẩm nhiều loại đa dạng được thu hoạch với số lượng đủ để đáp ứng ngay cả với thành phố lớn nhất, không cần dựa vào nguồn lực bên ngoài thành phố.

Một quan niệm khác cũng được coi như là một phần của nông nghiệp theo chiều thẳng đứng là làm nông nghiệp trên mái nhà, khu vực trồng cây ở ngay trên mái bằng hoặc ở trong nhà kính trên mái bằng.

Nông nghiệp chiều thẳng đứng tập trung trồng cây trên các mái nhà và các mặt đứng nhà  trong đô thị không chỉ với các công trình mới mà cả với các công trình cũ cũng có thể được thực hiện.

Theo quan điểm của các nhà quy hoạch đô thị và những người quan tâm đến đời sống xã hội, thì nông nghiệp đô thị sẽ đem đến vẻ đẹp đô thị, nâng cao cấu trúc đô thị còn đang yếu (thiếu mảng xanh) và do đó tăng chất lượng sống trong đô thị. Nông nghiệp đô thị sẽ thiết kế để các thành phố trở nên xanh trong tương lai.

Nguồn tin: Người đô thị