0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Thay đổi phương pháp quy hoạch đô thị

Cụm từ “quy hoạch phân khu” được đưa vào Luật Quy hoạch đô thị năm 2010 đã làm “đau đầu” các cơ quan quản lý đô thị của Hà Nội và TPHCM trong năm 2011 - khi đồ án quy hoạch chung xây dựng của hai thành phố lớn nhất nước này được công bố (*).

 

Theo... thế giới

Với sự ra đời của Luật Quy hoạch đô thị, phương pháp quy hoạch phân khu sẽ thay thế cho cách quy hoạch theo địa giới hành chính các quận, huyện. Vậy quy hoạch phân khu là gì? Đó là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung. 


TPHCM (Ảnh: L.H.T) 

Vì mục đích của việc lập quy hoạch phân khu là để tạo cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư xây dựng nên các đồ án quy hoạch phân khu cũng sẽ xác định nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố; bố trí công trình hạ tầng xã hội; đánh giá môi trường chiến lược... 

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng việc đưa nội dung quy hoạch phân khu vào luật cho thấy chúng ta đã tiếp cận cách lập, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị của khu vực và thế giới. Cách thức quy hoạch được nhiều nước trên thế giới áp dụng gồm ba bước: (1) lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị (như quy hoạch chung); (2) lập các đồ án quy hoạch phân khu đô thị; (3) lập các dự án cụ thể tại các khu vực thực sự có nhu cầu theo khả năng và nguồn lực có thể huy động được (như quy hoạch chi tiết). Cách làm này, theo ông Hòa, sẽ tiết kiệm được đất đai và nhất là tập trung được mọi nguồn lực cho công tác phát triển đô thị. 

Thật vậy, để hiện thực hóa Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, 17 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đầu tiên của Hà Nội đang được nghiên cứu. Theo bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI), về cơ bản, các đồ án quy hoạch phân khu trong quy hoạch chung thủ đô chủ yếu căn cứ vào tính chất đô thị, địa hình… chứ không bị hạn chế bởi quy mô, địa giới hành chính (quận, huyện). 

Tuy nhiên, bà Ngân thừa nhận rằng, việc lập các quy hoạch phân khu sau khi có quy hoạch chung là một thuận lợi; nhưng thiếu các quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật (vốn chỉ được lập cho từng quận, huyện) là một trở ngại lớn. Hơn nữa, quy hoạch phân khu lần đầu tiên được đưa vào quy định pháp luật, các hướng dẫn và quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu quy hoạch cũng chưa rõ ràng…  

Bỏ ranh giới hành chính: khó quá! 

Hiện 17 quy hoạch phân khu đầu tiên của Hà Nội đang bước vào giai đoạn “khẩn trương hoàn chỉnh, trình thẩm định - phê duyệt”. Quy hoạch các phân khu còn lại đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thành. TPHCM cũng đã có vài đồ án quy hoạch phân khu đang được thực hiện như khu trung tâm hiện hữu 930 héc ta (gồm các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh); khu vực ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn... 

Tuy nhiên, để triển khai quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với TPHCM. Theo ông Nguyễn Đăng Tuyển, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, nội dung quy hoạch xây dựng của các đồ án 1/5000, 1/2000 đang bị chi phối bởi cơ chế quản lý phân cấp hành chính. “Các tên của đồ án như quy hoạch chung xây dựng quận huyện, quy hoạch chi tiết xây dựng phường kể cả các đồ án liên phường đã bộc lộ tất cả bản chất theo lãnh thổ hành chính”, ông nói. 

Dễ thấy hơn, khi thành phố mở rộng các quận mới (7, 9, 12, Thủ Đức...) không gian đô thị hình thành ba khu vực đặc trưng: nội thành, quận ven và ngoại thành. Mỗi một khu vực cần phải có giải pháp tổng hợp cho quy hoạch xây dựng nhưng chúng ta chỉ dừng ở mức quy hoạch từng quận mới riêng biệt... Đó là chưa nói đến chuyện cùng lúc TPHCM tiến hành nhiều thể loại quy hoạch khác nhau như quy hoạch chung thành phố, quy hoạch chung quận huyện, quy hoạch chung ngành, phủ kín quy hoạch chi tiết... 

Ông Tuyển bình luận: “Thông tin từ quy hoạch này bổ sung, song cũng cản trở tiến trình thực hiện và chất lượng của hồ sơ quy hoạch kia. Công tác tư vấn trở nên phức tạp và kéo dài thời gian. Các chủ đầu tư mệt mỏi chờ đợi đến mất cả thời cơ đầu tư xây dựng. Các cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý cho quản lý xây dựng trên địa bàn do mình phụ trách hoặc khi có văn bản ban hành thì quá lỗi thời so với thực tế”.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đến nay, ngoài đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng phê duyệt, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt 5 đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận, huyện (Tân Bình, Tân Phú, 4, 8 và huyện Hóc Môn), còn lại 17 đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận - huyện đang được đơn vị tư vấn hoàn chỉnh để tiếp tục trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. 

Nhưng vấn đề là sau khi lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố, các thành phố trực thuộc trung ương như TPHCM thay vì phải tiến hành bước lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị tại các quận, huyện thì lại phải tiến hành lập các đồ án quy hoạch phân khu ở các tỷ lệ 1/5000 và 1/2000 theo Luật Quy hoạch đô thị. Như vậy nội dung các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị tại các quận, huyện cũng như nội dung các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xây dựng đô thị tại các quận, huyện sẽ không còn được nhìn nhận như các loại đồ án sử dụng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị trong tương lai. 

Như vậy yêu cầu về quy hoạch phân khu sẽ được TPHCM áp dụng như thế nào trong điều kiện các quy hoạch theo địa giới hành chính đã và vẫn đang diễn ra? Đã có những đề xuất như: xem quy hoạch chung các quận, huyện như là một đồ án quy hoạch phân khu; lập quy hoạch phân khu theo địa giới hành chính quận, huyện; lập quy hoạch phân khu không theo địa giới hành chính quận huyện (như luật quy định). 

Giải quyết theo hướng nào? 

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, sẽ không hợp lý nếu cho rằng chỉ cần đổi tên các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 tại các quận, huyện thành các đồ án quy hoạch phân khu, nghĩa là thành phố có 24 quận huyện thì sẽ chuyển thành 24 đồ án quy hoạch phân khu… Thực chất đó chỉ là thay tên chứ không thay đổi được nội dung quản lý của các đồ án này theo Luật Quy hoạch đô thị. 

Ông Hòa cho rằng có đủ cơ sở khoa học để triển khai quy hoạch phân khu tại TPHCM. Bên cạnh kinh nghiệm từ nước ngoài thu nhận được qua các cuộc trao đổi khoa học với chuyên gia quốc tế, từ những năm 1993-1994 TPHCM đã tiến hành lập quy hoạch theo hướng phân khu khi nghiên cứu đồ án khu đô thị mới Nam Sài Gòn trải dài trên địa bàn nhiều quận, huyện. Sau đó là đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 khu trung tâm hiện hữu TPHCM. 

Tuy nhiên, theo ông Hòa, phải bắt đầu cho triển khai công tác nghiên cứu lập quy hoạch phân khu. Việc nghiên cứu lập bổ sung các đồ án quy hoạch phân khu vào hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tại TPHCM phải được nghiên cứu rất kỹ dựa trên cơ sở khoa học về quản lý phát triển đô thị và hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được lập và phê duyệt và xây dựng một kế hoạch triển khai thật cụ thể. 

Trước mắt, cần nhanh chóng phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị tại 17/22 quận, huyện còn lại đã triển khai từ trước khi Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, tại một vài quận, huyện có thể thí điểm lập quy hoạch phân khu trên cơ sở các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị đang thực hiện với các tiêu chí của luật định để bảo đảm công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. 

Về lâu dài cần triển khai nghiên cứu xây dựng ngay hệ thống các tiêu chí làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phân khu trên các cơ sở khoa học là hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng  đô thị đã triển khai, những điều kiện đặc thù cũng như kinh nghiệm - thực tiễn công tác quản lý phát triển đô thị tại TPHCM trong thời gian qua. Bên cạnh đó cũng rất cần quan tâm nghiên cứu các tác động do biến đội khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra cho TPHCM khi xây dựng hệ thống các tiêu chí. 

“Việc xác định phương pháp tổ chức lập quy hoạch phân khu cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương cần phải được nghiên cứu kỹ. Nêu sai lầm sẽ gây lãng các nguồn lực mà không đạt được hiệu quả mong muốn”, ông Toàn nói. 

Theo Ashui.com

  • Tags