0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Mô hình đô thị tương lai của Việt Nam
Quy hoạch đô thị là bộ môn thiết kế tổng hợp để làm cơ sở tạo lập môi trường sống lành mạnh nhất, ở đó con người được giải phóng mọi tiềm năng, phát huy năng lực để làm việc, sáng tạo, đi lại và nghỉ ngơi một cách an tâm, an toàn và tìm được cho mình những khát vọng , những niềm vui, bởi vì nó đã mang lại cho con người “Hạnh phúc”. Tuy nhiên, mục tiêu thiết kế và xây dựng “Đô thị lành mạnh - Đô thị hạnh phúc” không phải là dễ dàng. Mỗi một giai đoạn lịch sử đều có mô hình đô thị riêng nên việc tìm kiếm mô hình đô thị của Việt Nam trước hết phải kế thừa các thành quả quy hoạch và xây dựng đô thị của nhân loại, dựa trên nền tảng của xu thế phát triển đô thị bền vững của thời đại, sau đó là đặc điểm lịch sử của đô thị Việt Nam và cuối cùng là điều kiện thiên nhiên và con người Việt Nam. (bnt)

Từ thời cổ đại, con người đã coi thành phố như là một mảnh đất ưu việt nói lên cách tổ chức xã hội, những thành tựu của mọi khả năng và nghệ thuật kỹ thuật.


Tuy nhiên, nhận thức và định nghĩa về đô thị lại không mấy dễ dàng. Trong tác phẩm tư tưởng nước Phổ, C.Mác và Ph. Ăng ghen cho rằng “Sự phân công lao động xã hội trong hoặc ngoài phạm vi một quốc gia, một bên là công nghiệp thương mại và một bên là sản xuất nông nghiệp đã tạo ra sự phân chia đô thị,  nông thôn; chúng đối lập nhau về lợi ích”.  V. Lê Nin đã xác định “Bản chất của thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị và tinh thần của dân cư và là động cơ chính của sự tiến bộ”. Từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên, Aristotle đã định nghĩa “Đô thị là nơi chốn, ở đó con người sống chung cùng với một mục tiêu sang trọng”.

Qua các giai đoạn phát triển từ cổ đại, trung đại, cận đại đến hiện đại, loài người càng nhận thức sâu sắc hơn về đô thị. Có thể khẳng định rằng, đô thị là một hình thức định cư duy nhất tiến bộ trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, ở đó con người luôn giữ vai trò là “trung tâm”. Do đó quy hoạch và xây dụng thành phố suy cho cùng cũng là do con người, của con người và vì con người. Bởi vậy, về bản chất Thành phố là nơi tập trung dân cư, là môi trường sinh sống của con người, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, giữ vai trò là trung tâm thu hút và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của một vùng, một quốc gia hoặc nhiều quốc gia.

Quy hoạch đô thị ra đời chính thức từ đầu thể kỷ XX, được định nghĩa như Nghệ thuật bố trí và tổ chức có trật tự không gian các khu dân cư, nhằm đạt được cách hoạt động tốt nhất, hài hòa hiệu quả nhất và cải thiện quan hệ xã hội. Nói một cách khác, quy hoạch đô thị là bộ môn thiết kế tổng hợp để làm cơ sở tạo lập môi trường sống lành mạnh nhất cho con người, ở đó con người được giải phóng mọi tiềm năng, phát huy  năng lực để làm việc, sáng tạo, đi lại và nghỉ ngơi một cách an tâm, an toàn và tìm được cho mình những khát vọng, những niềm vui, bởi vì nó đã mang lại cho con người “Hạnh phúc”.

Tuy nhiên, mục tiêu thiết kế và xây dựng “Đô thị lành mạnh - Đô thị hạnh phúc” không phải là dễ dàng. Mỗi một giai đoạn lịch sử đều có mô hình đô thị riêng như C. Mác đã từng nói “Nếu cho trước một hình thái kinh tế xã hội, thì cũng có thể xác định được một hình thức không gian tương ứng”.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, con người đã áp dụng nhiều mô hình đô thị. Sau cuộc cách mạng công nghiệp năm 1800, các mô hình cấu trúc đô thị được đề xuất gồm: Mô hình cấu trúc đồng tâm của Burgess; Mô hình cấu trúc đa tâm của Harris và Ulman; Mô hình cấu trúc đa sector của Hoyt; Mô hình thành phố công nghiệp của Tony Garwier và mô hình thành phố vườn của E Howard…

Bước sang thế kỷ XX, sau Hiến chương Athen năm 1933 đặc biệt sau Thế chiến lần thứ II, nhiều mô hình thành phố đã xuất hiện: Các thủ đô mới của Brazil, Úc,  Malayxia được xây dựng; Các mô hình thành phố nén, thành phố không gian, thành phố tuyến tỉnh, đô thị vệ tinh, đô thi đối cực, mô hình cấu trúc đô thị tầng bậc dựa trên tế bào đô thị là đơn vị ở đã được đề xuất để áp dụng phổ cập. Các thành phố công năng của thế kỷ XX đã làm phong phú thêm những lý luận và thực tiễn của quy hoạch và xây dựng đô thị hiện đại, tuy nhiên nó đã không đáp ứng được mục tiêu và sự mong đợi của loài người, trước xu thế đô thị hóa hiện đại.

Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI dân số khu vực đô thị tiếp tục gia tăng: Năm 2010 đã có 50 thành phố hơn 5 triệu dân và năm 2013 thế giới đã có 24 siêu thành phố trên 10 triệu dân. Đô thị hóa chuyển trục từ châu Âu, Bắc Mỹ sang châu Á với sự xuất hiện ba quần đảo đô thị quốc tế Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á. Đô thị hóa, tăng trưởng đô thị đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo nhiều vấn nạn và cảnh báo các nguy cơ khủng hoảng môi trường trước biến đổi khí hậu toàn cầu.


Trước xu thế đó, năm 1987, Ủy ban môi trường và phát triển bền vững của Ngân hàng thế giới đã đề xuất khái niệm về phát triển bền vững “Là sự phát triển phải thỏa mãn nhu cầu của con người không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà còn cho cả tương lai, phải đáp ứng các yêu cầu kinh tế lẫn bảo vệ môi trường” Năm 1991 Ngân hàng châu Á ( ADB) đã bổ sung thêm nội dung phát triển bền vững, nhấn mạnh khả năng của thế hệ hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu thế hệ tương lại.


Mục tiêu phát triển bền vững là tiền đề để hình thành mô hình các đô thị mới như: Đô thị sinh thái, Đô thị sinh thái kiêm kinh tế, Đô thị xanh; Đô thị môi trường; Đô thị thông minh; Đô thị lành mạnh và hạnh phúc. Tên gọi các kiểu đô thị tuy khác nhau, nhưng tên gọi chung cho tất cả các đô thị trên đều là “Đô thị bền vững” thay cho mô hình “Đô thị công năng” của thế kỷ XX với 4 tiêu chí sau:


1 Chất lượng cuộc sống;

2. Sự lành mạnh về tài chính;

3. Khả năng cạnh tranh;

4. Khả năng quản lý đô thị.


Tuy nhiên, nguyên tắc xây dựng một đô thị bền vững từ lâu đã xuất hiện ở Việt Nam như trong chiếu dời đô về Thăng Long năm 1010, Vua Lý Công Uẩn đã chỉ rõ: “Đóng ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu mai sau…”.


Như vậy, việc tìm kiếm mô hình đô thị của Việt Nam trước hết phải kế thừa các thành quả quy hoạch và xây dựng đô thị của nhân loại, dựa trên nền tảng của xu thế phát triển đô thị bền vững của thời đại, sau đó là đặc điểm lịch sử của đô thị Việt Nam, chuyển từ các đô thị cổ sang đô thị hiện đại, không từ chủ nghĩa tư bản dân tộc mà từ chủ nghĩa tư bản thực dân, tiếp nối qua nhiều thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước; cuối cùng là phải điều kiện thiên nhiên và con người Việt Nam.


Trong những năm qua, các chuyên gia quy hoạch nước ta đã vận dụng các lý luận và mô hình quy hoạch đô thị của các nước phát triển vào Việt Nam. Điều này không có gì đáng trách. Nhưng chưa có một ai quan tâm xem những mô hình đó có mang lại hạnh phúc và sự bằng lòng cho người dân đô thị nước ta hay chưa? Cả nước đến nay đã có khoảng 770 đô thị với gần 35 triệu người sống trong các đô thị. Lợi ích phát triển kinh tế đô thị mang lại là tạo ra 70 - 75 % GDP là rất đáng kể, nhưng điều kiện sống con người, việc làm và thu nhập, tỷ lệ đói nghèo, chất lượng tiện ích công cộng, tình trạng thiếu nhà ở, dịch vụ giáo dục y tế, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông…luôn là nỗi ám ảnh và vấn nạn của hàng triệu người dân đô thị.


Việc tìm ra một mô hình đô thị lành mạnh và hạnh phúc riêng của Việt Nam trong tương lai là công việc lâu dài. Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy hoạch để xây dựng mô hình phát triển đô thị bền vững cho Việt Nam, có thể áp dụng một số nguyên tắc sau:


Nguyên tắc 1: Vận dụng phương thức quy hoạch đô thị theo nhận thức mới về “Quy hoạch đô thị là một quá trình” bao gồm: Nghiên cứu chiến lược phát triển (CDS) hướng tới đô thị bền vững; thiết kế triển khai để cho các giải pháp tối ưu và tổ chức thực hiện, để cho các mục tiêu quy hoạch đô thị khả thi và đạt chất lượng hiệu quả.


Nguyên tắc 2: Xác định vị trí của đô thị trong các mối quan hệ hài hòa: Đô thị- Vùng; Đô thị - Thiên nhiên; Đô thị - Nông thôn; Quá khứ- Hiện tại và tương lai; Dân tộc và hiện đại; Kinh tế - Xã hội - Khoa học kỹ thuật và môi trường.


Nguyên tắc 3: Xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững, thực thi chiến lược cho một tầm nhìn đến năm 2050.


Nguyên tắc 4: Quy mô đô thị tối ưu phụ thuộc vào điều kiện cụ thể:

Quy mô đô thị là hàm số của khả năng dung nạp môi trường, chức năng đô thị ( loại và cấp), cơ sở kinh tế, dân số, lao động, xã hội và đất đai và tương quan giữa lợi ích với chi phí quản lý đô thị.    


Mỗi vùng, địa điểm xây dựng có các “ngưỡng”: phát triển của từng thời kỳ hoặc giai đoạn lịch sử, đảm bảo sự cân bằng đô thị với môi trường.


Nguyên tắc 5: Chọn đất và lựa chọn hình thái không gian theo điều kiện tự nhiên, địa thế, các chức năng của đô thị. Không nên phụ thuộc quá nhiều vào mô hình lý thuyết, có tính tiền định và ý chí chủ quan của các Kiến trúc sư mà phải dựa vào quy luật điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng và các chức năng đô thị. 


Nguyên tắc 6: Cơ cấu quy hoạch đô thị theo mô hình tiến hóa, mềm dẻo; tích hợp và đa tâm.


Xây dựng mô hình cấu trúc đô thị lồng ghép hài hòa các mối quan hệ, cho phép giải quyết tốt việc gắn kết giữa cấu trúc thiên nhiên với cấu trúc nhân tạo; giữa đô thị với nông thôn, giữa quá khứ với hiện tại hướng tới tương lai  tạo ra các  khả năng chuyển hóa, chuyển đổi, sắp xếp lại để phát triển bền vững.


Nguyên tắc 7: Xây dựng kết cấu hạ tầng quá độ, đồng bộ và bền vững


Khả năng chịu tải của đô thị phụ thuộc vào kết cấu hạ tầng cơ sở được xây dựng đúng quy hoạch, phục vụ cho diện rộng, các vùng quy hoạch đô thị và các khu chức năng, đảm bảo các nguyên tắc: Bền vững, khác biệt, chuyên môn hóa, kết nối, sử dụng tập trung và đầu tư xây dựng quá độ, tùy thuộc vào nguồn lực và nhu cầu sử dụng của mỗi giai đoạn.


Nguyên tắc 8: Tăng cường  sự tham dự của dân cư xây dựng và phát triển đô thị là ý chí, nguyện vọng của cộng đồng theo định hướng của Nhà nước phù hợp với quy luật thị trường. Quá trình nghiên cứu, thiết kế và thực hiện quy hoạch cần có sự tham dự của dân cư và đại diện của cộng đồng, để đô thị trở thành sản phẩm của dân, do dân và vì dân.


Nguyên tắc 9: Xây dựng và phát triển đô thị là một quá trình phải được kiểm soát chặt chẽ.


Sự phát triển cá thể ( các dự án, công trình riêng lẻ) phải tuân thủ các quy tắc chung của quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Không một ai có quyền cho trường hợp của mình là ngoại lệ tách ra ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.


Nguyên tắc 10: Xây dựng thiết chế quan trắc, dự báo, phòng ngừa và ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xảy ra để người dân đô thị có thể sống an toàn và yên tâm hơn.


Mọi mô hình lý thuyết về đô thị lành mạnh và hạnh phúc cho tương lai luôn chỉ là mong ước, khát vọng và mới dừng ở giả thuyết. Chỉ có người dân đến sống thử và muốn sống mãi mới là tiêu chí tổng hợp của sự bằng lòng dành cho đô thị đáng sống của nước ta.

 

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh

Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 9/2014