0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Bạc Liêu đưa sản phẩm công nghệ cao về phục vụ xây dựng nông thôn mới
Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào cuộc sống phục vụ xây dựng nông thôn mới đang khẳng định vai trò tiên phong của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh Bạc Liêu. Sự ra đời của những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, hiệu quả nhưng ít tốn kém chi phí đang từng bước mang lại tiện ích cho cuộc sống mới của người dân nông thôn trong tỉnh. (bnt)
  
 
 

Từ pin và máy nước nóng năng lượng mặt trời

Dự án “Chuyển giao, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bạc Liêu” do Trung ương tài trợ là một điểm nhấn. 12 xã được hưởng lợi từ dự án này, gồm: Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Long Điền Đông, Long Điền Đông A (huyện Đông Hải); Phong Thạnh Đông (huyện Giá Rai) và 7 xã của huyện Hồng Dân. Sau gần 2 năm triển khai, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho 12 trạm y tế, 12 trường mẫu giáo, mầm non, 12 phòng “một cửa” của UBND xã và một nông trường của Tỉnh đội Bạc Liêu. Ngoài ra, các đơn vị trên còn được lắp đặt 25 hệ thống lọc nước công suất 500 lít/ngày và máy nước nóng năng lượng mặt trời. Hiệu quả của dự án là pin năng lượng mặt trời đã tạo điện năng đủ phục vụ đèn thắp sáng, quạt gió, máy vi tính và sự vận hành tủ lạnh bảo quản vắc-xin cho trạm y tế. Ở những vùng đặc biệt khó khăn chưa được phủ kín bởi điện lưới quốc gia hoặc thiếu điện thì sự ra đời của pin năng lượng mặt trời được đánh giá là vô cùng hữu ích. Ông Lê Phước Thiện, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh cho biết, đơn vị này đang lập thủ tục đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí lắp đặt vòi nước nóng, lạnh để đơn vị thụ hưởng không phải tốn kém bất kỳ chi phí nào.

 

Bên cạnh đó, đề án “Nhân rộng mô hình xử lý nước sinh hoạt bằng công nghệ lọc khử phèn cho vùng nông thôn Bạc Liêu” cũng mang lại lợi ích không nhỏ. 8 hệ thống lọc nước bằng công nghệ này đã được lắp đặt tại nhiều trường mẫu giáo thuộc các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Phía đơn vị triển khai đang chuẩn bị lắp đặt thêm thiết bị khử phèn cho hệ thống để đưa vào vận hành. Theo đánh giá của chủ dự án, tổng kinh phí dành cho các dự án này 5 tỷ đồng (Nhà nước tài trợ) nhưng hiệu quả kinh tế và sự tiện lợi của nó thì cao hơn gấp nhiều lần. Điều này còn cho thấy, việc khai thác năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang hứa hẹn mang lại một nguồn lợi không nhỏ. 

Đến hầm ủ biogas hiện đại 

Thay thế cho công trình khí biogas theo kiểu truyền thống, trên địa bàn tỉnh giờ đây đã xuất hiện thêm một loại hầm ủ biogas được làm bằng vật liệu composite (nhựa). Công nghệ của hầm ủ này đang được triển khai bằng dự án “Ứng dụng công nghệ xử lý nước sinh hoạt và tạo khí đốt sinh học bằng bể biogas composite cho vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu”. Ưu điểm vượt trội của hầm ủ biogas được làm bằng vật liệu composite là độ bền cao và kín khí, kín nước hơn so với hầm biogas thông thường, hiệu suất sinh khí cũng cao hơn. Trong quá trình hoạt động, hầm ủ loại này tự động đẩy bã thải ra khỏi hầm. Do không bị ăn mòn trong môi trường a-xít, kiềm nên tuổi thọ của nó có thể kéo dài tới hàng chục năm. Ưu thế vượt trội của loại hầm này có thể thi công trên mọi địa hình: đất cứng, địa hình dốc, đặc biệt là trọng lượng rất nhẹ, dễ di chuyển bằng ôtô hoặc chuyển bộ, rất phù hợp với địa bàn vùng nông thôn. 

Kỹ sư Tống Xuân Uy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, đơn vị lắp đặt, chuyển giao công nghệ này khẳng định: Ở tỉnh Bạc Liêu, đây là công nghệ mới hoàn toàn, đang được rất nhiều người dân lựa chọn. Việc sử dụng loại hầm này tốn rất ít thời gian và nhân công lắp đặt. 

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, đây là những dự án có tác động nhiều mặt đến kinh tế - xã hội của vùng thực hiện dự án và các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng. Các đơn vị, hộ gia đình, cá nhân được đầu tư hệ thống lọc nước, lắp đặt hầm biogas sẽ là những hình mẫu để người dân tiếp cận với công nghệ mới, thấy được lợi ích nhiều mặt trong việc sử dụng nước sạch, năng lượng sạch và tạo khí đốt sinh học. 

Những mô hình trên sẽ ngày càng được nhân rộng góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương, là sự khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống mới ở vùng nông thôn của Bạc Liêu.

 

 

 

Nguồn tin: Nguồn: CapthoatnuocOnline