Dựa trên nguyên tắc lấy các túi đất để chịu lực trong quá trình thi công và sửa chữa đường nông thôn, công nghệ túi đất (Do-nou) do các chuyên gia Nhật Bản áp dụng tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang từng bước phát huy được hiệu quả và dự định sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong thời gian tới.
Chủ động trong thi công và bảo trì
Theo G.S Makoto Mimura thuộc trường Đại học Kyoto (Nhật Bản), công nghệ túi đất, hay còn gọi là Do-nou, là một công nghệ của Nhật Bản và đã được người Nhật sử dụng có hiệu quả từ nhiều năm trước dựa trên nguyên tắc sử dụng các túi đất chịu lực để xây dựng và bảo trì đường nông thôn.
Thi công đường bằng công nghệ túi đất tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, |
Nguyên liệu được sử dụng trong các túi đất chủ yếu gồm đất, đá, gạch, ngói… vốn là những vật liệu dễ kiếm và dễ tận dụng tại các vùng nông thôn. Việc thi công cũng khá đơn giản mà không cần yêu cầu các thiết bị chuyên dụng. Túi đất sau khi nhồi sẽ được xếp thành từng lớp trên đường rồi được phủ một lớp vật liệu khác lên trên. Tiếp đó sẽ dùng vồ gỗ đập xuống để tạo độ phẳng và kín cho mặt đường. Việc thi công diễn ra khá đơn giản nhưng theo các chuyên gia Nhật Bản, sau khi hoàn thành những đoạn đường này sẽ có khả năng chống lún và chịu tải đối với xe 25 tấn và có tuổi thọ trên 10 năm.
Tuy nhiên, theo G.S Makoto Mimura, điểm mấu chốt trong quá trình làm đường bằng công nghệ này là gia tăng cường độ chịu kéo của bao tải bằng phương pháp đầm, nên công việc đầm phải được thực hiện một cách cẩn thận là tối quan trọng. Nếu không có quá trình đầm, thì không có lớp móng đường tốt.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, việc xây đường bằng công nghệ túi đất có 4 điểm nổi bật đó là tận dụng được các nguyên liệu phế thải và nguồn lao động của địa phương, chi phí thấp và không yêu cầu cao về công nghệ. Bên cạnh đó là còn có ưu điểm là thân thiện với môi trường và dễ dàng bảo trì hơn.
Công nghệ đơn giản, tiết kiệm chi phí
Tại Hội thảo khoa học do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội, đại diện vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, mặc dù công nghệ túi đất khá đơn giản và mới chỉ được áp dụng để làm đường nông thôn nhưng hoàn toàn có thể sử dụng để sửa chữa đường khi gặp thiên tai, lụt lội.
Chi phí làm đường bằng công nghệ túi đất chỉ bằng 30% phương pháp |
T.S Nguyễn Hoàng Long, Trưởng khoa Công trình, Đại học Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội cho biết 1km đường làm bằng công nghệ túi đất có giá thành chỉ bằng 30% so với các công nghệ làm đường nông thôn hiện nay. Như vậy, theo tính toán của ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước, mỗi km làm bằng phương pháp này tốn từ 200 – 300 triệu đồng, trong khi mỗi km thông thường trung bình phải tốn khoảng 2 tỉ đồng.
Còn theo Ths. Nguyễn Thị Loan, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, hiện cả nước còn có gần 150 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Nhiều nơi do nguồn lực đầu tư cho giao thông còn thiếu và yếu nên khi xảy ra thiên tai lũ lụt hầu như hệ thống giao thông bị tê liệt. Do đó, việc lựa chọn một công nghệ có chi phí thấp và đầu tư đơn giản là giải pháp tối ưu vào thời điểm hiện nay.
Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù công nghệ dùng túi đất tại Việt Nam đã được sử dụng nhiều để gia cố đường và đắp đê nhưng mới chỉ làm một cách tự phát và dựa trên kinh nghiệm dân gian chứ chưa có tính toán cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, Trường Công nghệ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên chuyển giao công nghệ túi đất và trình Bộ Giao thông Vận tải để có thể xây dựng các tiêu chí kỹ thuật phù hợp áp dụng rộng rãi tại các địa phương trong cả nước.