0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Bi đát con đường từng được bầu chọn đẹp nhất cả nước
Từng được Bộ GTVT bầu chọn là con đường đẹp nhất nước, nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện Quốc lộ 8A trở thành con đường xấu xí, hiểm nguy nhất Hà Tĩnh lúc này.

Tai nạn rủi ro rình rập, doanh nghiệp ngán ngẩm

Quốc lộ 8A là con đường huyết mạch nối các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam với các nước Lào và vương quốc Thái Lan. Năm 1999, QL 8A được Bộ GTVT bầu chọn là con đường đẹp nhất Việt Nam. Do những đặc thù riêng biệt (đường đi gần, thuận lợi) nên Quốc lộ 8A được xem là huyết mạch chiến lược đối với sự phát triển của nền kinh tế của không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn của nhiều tỉnh thành miền Trung.

Thực tế nhiều năm qua, ngoài đóng góp to lớn trong đời sống kinh tế của những tỉnh thành này, Quốc lộ 8A đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mối quan hệ giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Dấu ấn rõ nét được thể hiện trên nhiều mặt, từ việc giao thương hàng hóa đến là huyết mạch du lịch quan trọng giữa các nước.

Tuy vậy, hiện Quốc lộ 8A đã xuống cấp hết sức nghiêm trọng, trở thành con đường xấu xí, đẩy hiểm nguy nhất Hà Tĩnh lúc này.

Không thể đếm hết những cái bẫy chết người như thế này trên Quốc lộ 8A (ảnh: Văn Dũng)
 

Suốt chiều dài hơn 60km từ thị xã Hồng Lĩnh lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo mặt đường, nền đường xuống cấp một cách tồi tệ. Điển hình nhất là đoạn từ xã Đức Thủy đi thị trấn Đức Thọ và hơn 20km từ thị xã Sơn Bình đi thị trấn Phố Châu. Tại những đoạn đường trên mặt đường bị cày xới, bóc tách, tạo nên những hố sâu. Nhiều đoạn mặt đường biến thành ao hồ sũng nước hoặc đồng ruộng hết sức nguy hiểm do cốt đá chỏng chơ và sự lầy lội. Còn hệ thống taluy, cột biến báo từ lâu đã biến mất hoặc gãy đổ.

Sự xuống cấp của tuyến đường từng được đánh giá đẹp nhất Việt Nam còn được đẩy đến cao độ kể từ giữa năm 2010 khi Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ do Ban quản lý dự án 4 thuộc Bộ GTVT (đóng tại TP Vinh, Nghệ An ) làm chủ đầu tư với tổng vốn gia đoạn 1 lên đến 1.176 tỷ đồng được triển khai.

Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án sẽ hoàn tất và đưa vào khai thác vào cuối năm 2012. Thế nhưng, do thiếu vốn nên cho tới thời điểm này dự án đã bị tê liệt hoàn toàn, trong đó 10/10 gói thầu đã tạm ngưng thi công. Việc các nhà thầu ngưng thi công đã đẩy tuyến Quốc lộ 8A rơi vào cảnh hết sưc ngổn ngang, đầy rẫy hiểm nguy rình rập. Hều hết các gói thầu ngưng thi công không có đèn, biển báo cảnh báo sự nguy hiểm, vì thế việc lưu thông trên tuyến quốc lộ này đã trở thành một nỗi cực hình với tất cả người dân và doanh nghiệp thường xuyên qua lại. Báo cáo tổng hợp của công an các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh đưa ra con số đáng báo động, từ đầu năm 2011 đến nay đã có hàng trăm cuộc tai nạn ô tô, xe máy trên tuyến đường này, tăng gấp nhiều lần so các năm trước.

Chỉ tính riêng tại địa phận xã Đức Thủy, nơi một cây cầu bị ngưng thi công dở dang, nhiều tháng nay không chỉ gây ức chế cho hầu hết các tài xế do thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe mà còn trở thành một cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Ông Trần Văn Đạt, một người dân sống trên địa bàn bức xúc: “Ban ngày còn đỡ, còn ban đêm nhiều người không biết đã lao xe xuống mố cầu. Gần nhất có hai thanh niên đâm cả xe lần người xuống mố cầu. Chỉ nhờ may mắn nên hai thanh niên đã không tử nạn”.

vd261011qlo83_30d20.jpg

Rất nhiều ô tô nổ lốp khi đi qua Quốc lộ 8A. Trong ảnh xe một người dân ở thị trấn Đức Thọ bị nổ lốp phải đưa vào xưởng sửa chữa (ảnh: Văn Dũng)

Không chỉ có người dân mà các doanh nghiệp cũng đã lãnh đủ khi lưu thông hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 8A. Ông T.N.S, tổng giám đốc một doanh nghiệp vận tải lớn tại Miền trung bức xúc: “Do đặc thù kinh doanh nên gần chục năm nay doanh nghiệp chúng tôi thường vận chuyển hàng hóa qua Lào (và chiều ngược lại) thông qua Quốc lộ 8A. 2 năm nay lợi nhuận chúng tôi giảm đáng kể do buộc phải bỏ rất nhiều chi phí sửa chữa xe vận tải hỏng hóc, thậm chí xe hỏng quá nhiều và thời gian vận chuyển kéo dài hơn trước nên chúng tôi đành phải lựa chọn đi Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) hoặc Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)”.

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, một trong những khu kinh tế được tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng sớm trở thành khu kinh tế quan trọng của Miền Trung cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tuyến Quốc lộ 8A xuống cấp như hiện nay. Ông Trần Báu Hà, Trưởng BQL khu kinh tế này buồn bã: “Đường sá như thế đã ảnh hưởng quá nặng nề đến nỗ lực của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư; tiếp nữa là hàng hóa qua cửa khẩu Cầu Treo giảm một cách đáng kể. Thống kê của chúng tôi cho thấy, so với các năm trước năm nay hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo giảm từ 20 – 25%. Đặc biệt, du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề, gần như các khu du lịch trên địa bàn vắng khách do họ từ chối đi một con đường xuống cấp, hiểm nguy như hiện nay”.

vd171011duong8a225ed4_4933f.jpg

Đau đầu tìm giải pháp

Giải cứu tuyến Quốc lộ 8A, giảm thiểu tai nạn giao thông, đưa huyết mạch quan trọng này trở lại đúng vị thế của nó đã trở thành yêu cầu cấp bách của chủ đầu tư và nhiều cơ quan chức năng Hà Tĩnh suốt thời gian qua. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Trí, yêu câu trên là một bài toán vô cùng nan giải, thậm chí sẽ khó được giải quyết trong thời gian một hay hai năm tới.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT cùng nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh ông Hoàng Mạnh Trí, Tổng giám đốc BQL DA 4 (ông Trí vừa được điều chuyển công tác ra Bộ GTVT) thừa nhận, dù BQL DA 4 liên tục chỉ đạo các nhà thầu thi công thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để không xẩy ra tình trạng ách tắc giao thông, nhưng mọi việc không thể giải quyết được.

vd261011qlo84_03faf.jpg

                    Đường sá xuống cấp xe nối đuôi nhau từng mét một
 

Khâu thiết yếu nhất, có tính quyết định trong nỗ lực giải cứu tuyến Quốc lộ 8A ra khỏi tình trạng xuống cấp, khốn khổ như hiện nay đó là VỐN. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn của dự án này chắc chắn còn kéo dài. Kỹ sư Nguyễn Đình Phúc, Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỷ thuật, người trực tiếp chỉ đạo Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8A của BQLDA 4 (Bộ GTVT) cho hay, “Nguồn vốn để triển khai dự án mới chỉ đạt 177/1.176 tỷ đồng. Quyết định mới nhất của Bộ GTVT, năm 2012 Dự án sẽ được bố trí thêm 200 tỷ nữa. Với chừng ấy vốn việc đưa dự án triển khai đúng yêu cầu tiến độ là rất kho khăn, bởi chỉ tính riêng phần giải phóng mặt bằng chúng tôi đã phải giải ngân phân nữa số tiền trên”.

Ông Phúc cũng thừa nhận, trong lúc chờ quyết định của Bộ thì những giải pháp trước mắt, mang tính tình thế nhằm bảo đảm lưu thông trên tuyến cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Chẳng hạn, việc cho rải thảm hoặc đổ xô bồ ở những vị trí hư hỏng nặng hoàn toàn chỉ giải quyết được ngày một ngày hai còn lâu hơn là rất khó, do trên tuyến Quốc lộ này luôn xuất hiện những chiếc xe đầu kéo có tải trọng lên đến cả trăm tấn. “Những giải pháp này được triển khai gần như chúng tôi suốt ngày chỉ đi lấp đường cho các xe vận tải lớn chạy”- ông Phúc nói.

Nguồn tin: Dantri