Theo báo cáo của Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cầu vượt Cát Lái mặc dù đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận cho phép đưa vào sử dụng nhưng công trình chưa được nghiệm thu chính thức do đang xử lý khắc phục một số khiếm khuyết.
Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ lật xe container trên cầu vượt Cát Lái, quận 2 TPHCM, Khu 2 vẫn khẳng định các thông số của cầu vẫn đúng như thiết kế.
Cụ thể, kết quả kiểm tra của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho thấy độ nhám mặt cầu đạt yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, Khu 2 vẫn đề xuất cào bóc lớp bê tông nhựa dày 3cm trên lớp mặt để thay thế bằng lớp bê tông nhựa polimer dày 3cm để đảm bảo độ dốc siêu cao là 6%, đồng thời, lắp đặt đinh phản quang sử dụng năng lượng mặt trời để thay thế cọc nhựa phân làn hiện hữu.
Tổng số vốn đề xuất thực hiện việc này là 1,7 tỉ đồng từ nguồn vốn đảm bảo giao thông cấp bách của thành phố.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất chi 70 triệu đồng để thử nghiệm phương án điều chỉnh tốc độ xe qua cầu. Dự kiến phương án thử nghiệm sẽ được thực hiện trong tháng 5.
Đó là chưa kể các biện pháp đang thực hiện như lắp đặt camera theo dõi tốc độ xe chạy trên cầu.
Sau khi xảy ra một loạt các vụ lật xe container trên cầu vượt Cát Lái, trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng việc xảy ra nhiều vụ lật xe ở cầu vượt Cát Lái là do lỗi thiết kế của cầu. Việc thiết kế cầu vừa dốc vừa cong quá gắt đã làm cho nhiều xe bị lật.
Theo thiết kế cầu vượt Cát Lái có 2 làn ô tô lưu thông hướng từ cầu Rạch Chiếc vào cảng Cát Lái. Làn thứ nhất rộng từ 4 đến 5,1 mét dành cho xe con, xe khách và xe tải dưới 3,5 tấn. Làn thứ 2 rộng 4 mét dành cho ô tô con, xe khách và xe tải nặng lưu thông.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã xảy ra 8 vụ lật xe container trên cây cầu này. Theo đơn vị quản lý, nguyên nhân dẫn đến các vụ lật xe là do xe đi vượt quá tốc độ cho phép (tốc độ tối đa cho phép là 30km/giờ).