Xung quanh vấn đề xây dựng cầu vượt nhẹ có phù hợp với Hà Nội hay không, mỹ quan của thành phố sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, Báo GTVT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng Bộ môn Công trình giao thông thành phố và công trình thủy, Trường ĐH Giao thông vận tải.
PV: Cầu vượt nhẹ là loại cầu như thế nào, thưa bà?
|
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Có thể hiểu một cách đơn giản cầu vượt nhẹ là kết cấu cầu có trọng lượng nhỏ hay kết cấu thanh mảnh, thường được làm bằng thép. Gần đây, các nước phát triển đều sử dụng cầu kết cấu nhẹ trong các đô thị. Hai loại kết cấu dầm được nhiều thành phố của các nước trên thế giới lắp đặt cho cầu vượt nhẹ là kết cấu dầm I và kết cấu dầm hộp, tùy theo chiều dài của cầu. Mục tiêu của chúng ta là đưa ra kết cấu nhẹ phục vụ cho xe có tải trọng nhẹ là xe tải trọng dưới 3 tấn và xe máy.
PV: Bà có thể cho biết những ưu, nhược điểm của cầu vượt nhẹ?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Cầu vượt nhẹ đang được các nước sử dụng thường được có kết cấu phần trên là dầm thép và kết cấu móng là cọc bê tông đúc sẵn thi công theo công nghệ ép hay cọc vít thi công theo công nghệ ép xoắn, số lượng cọc ít, thi công nhanh và đặc biệt là không gây tiếng ồn và rung động ảnh hưởng tới người dân sinh sống xung quanh.
Khi thi công, các móng cọc cũng như các dầm cầu được chế tạo sẵn trong xưởng, sau đó mang ra công trường thi công lắp ráp. Do đó, không chiếm dụng nhiều thời gian và mặt bằng để thi công tại hiện trường, giảm ảnh hưởng gây ùn tắc trong quá trình lắp dựng. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, so với cầu vượt xây bằng bê tông cốt thép, thời gian thi công cầu thép sẽ tiết kiệm được khoảng 40% thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt được ảnh hưởng đối với các phương tiện lưu thông trong quá trình xây dựng cầu vượt.
Loại cầu thép này ngoài ưu điểm là vật liệu có cường độ cao còn là vật liệu có thể tái sử dụng, có thể tháo ra ở vị trí này, sau đó sửa chữa theo yêu cầu mới và tiếp tục lắp vào vị trí khác để tái sử dụng.
Tuy nhiên, nhược điểm của cầu vượt nhẹ là do làm bằng thép nên có thể bị gỉ. Do đó, phải có các biện pháp chống gỉ như thế nào để đảm bảo độ mỹ quan và tuổi thọ của cầu. Bên cạnh đó, nếu so sánh riêng về vật liệu thì giá thành của cầu thép sẽ cao hơn so với cầu bê tông. Song nó có các giá trị vô hình như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tài nguyên,...
PV: Hà Nội đang gấp rút tiến hành xây dựng cầu vượt nhẹ, một số người cho rằng sẽ làm mất mỹ quan thành phố..., ý kiến của bà về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Theo ý kiến của cá nhân tôi thì cầu vượt nhẹ có kết cấu thanh mảnh, phù hợp cho không gian chật hẹp nên không làm ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố. Với công nghệ xây dựng hiện nay, kết cấu thép có thể tạo hình dáng hay sơn tạo màu theo ý muốn. Hơn nữa cầu kết cấu thép hoàn toàn phù hợp với tình hình giao thông Hà Nội hiện nay. Thành phố hiện chưa có quy hoạch tổng thể về giao thông đồng mức và các nút giao lập thể, vì vậy giải pháp làm các làm cầu vượt tạm này rất phù hợp với tình thế hiện nay, nếu hiệu quả thì để lâu, còn khi qui mô lại qui hoạch thì có thể tháo dỡ đi và xây lắp lại linh hoạt.
PV: Xin cảm ơn bà!
Thu Phương - Theo Giaothongvantai