0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cầu vượt và bài toán kinh tế
Đối với hệ thống giao thông đô thị, đầu tư xây dựng nút giao thông cầu vượt luôn là một bài toán kinh tế phức tạp, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn khi mà diện tích xây dựng tương đối nhỏ hẹp, thời gian xây dựng không được kéo dài. Chính vì vậy, phương án xây dựng nút giao thông cầu vượt đô thị luôn là một bài toán hóc búa, trong đó vấn đề tài chính, nguồn lực đầu tư cần được ưu tiên giải quyết.

Cầu vượt tại TP. Miami ( Mỹ )

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị hiện nay, việc xây dựng cầu vượt là một trong các giải pháp kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên do phải xây dựng trong đô thị, địa bàn chật hẹp nhất là trong bối cảnh giao thông hiện hữu đang phải sử dụng với mật độ rất cao thì ngoài các yêu cầu kỹ thuật thông thường như khả năng chịu tải, khả năng lưu thông, sự phù hợp với cảnh quan đô thị, giá thành... thì một vấn đề cốt yếu trong việc xây dựng cầu vượt là thời gian thi công phải nhanh nhất, ít ảnh hưởng nhất đến việc giao thông hiện hữu, và vì vậy phải lựa chọn giải pháp thi công nhanh, công việc thi công tại hiện trường là ít nhất.

Việc xây dựng cầu vượt bằng thép theo công nghệ xây dựng nhanh được áp dụng rất phổ biến ở nhiều thành phố trên thế giới. Ưu điểm của cầu vượt bằng thép là nó rất phù hợp với hệ thống giao thông không ổn định hoặc hệ thống giao thông không được dự báo trước nhờ dễ dàng tháo dỡ và chuyển sang lắp đặt ở vị trí khác. Ngoài ra, do kết cấu chịu lực chính của cầu vượt được làm bằng thép nên hầu hết nó được chế tạo tại công xưởng, chỉ vận chuyển đến hiện trường và lắp ghép nhanh chóng nên ít ảnh hưởng đến giao thông hiện hữu, nhất là khi chọn thời gian lắp ghép vào ban đêm lúc mật độ giao thông là ít nhất. Cũng nhờ làm bằng thép, khả năng chịu tải cao nên các dầm cầu vượt có chiều cao tiết diện nhỏ hơn, để thỏa mãn chiều cao tĩnh không thì đường dẫn lên cầu cần ngắn hơn, ít bị chiếm dụng đất xung quanh nút giao, giá thành đền bù sẽ thấp hơn. Hơn nữa cầu vượt bằng thép có thể tạo các hình dáng khác nhau, phong phú về đường nét, dễ dàng tạo được sự phù hợp với không gian cảnh quan đô thị, tạo được các điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa của địa phương.

Cầu vượt kết cấu thép - angen - TP. Seatle ( Mỹ )

Bài toán kinh tế cho các giải pháp cầu vượt không chỉ đơn thuần là giá thành vật tư và chi phí thi công làm nên các cầu vượt đó mà còn phải tính đến hiệu quả kinh tế và hiệu quả đặc biệt khác chưa tính được do việc thi công nhanh, sớm đưa công trình vào sử dụng, ít ảnh hưởng đến tình trạng giao thông trong lúc thi công cũng như các yếu tố khác như chi phí cho giải phóng mặt bằng để làm đường dẫn lên cầu, chi phí bảo dưỡng, vận hành, chi phí tháo dỡ trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên lâu nay bài toán kinh tế hầu như chỉ đề cập tới chi phí trực tiếp cho công trình mà ít ai đánh giá hiệu quả một cách tổng hợp như đề cập ở trên, có thể do phương thức đầu tư, nguồn đầu tư hoặc phương thức khai thác đã làm nên tình trạng này. Trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta luôn "khát" các nguồn vốn để có thể đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ách tắc thì lời giải luôn đòi hỏi việc thu hút nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng và kêu gọi rất tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vốn vay từ ADB, vốn vay ưu đãi của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Với chủ trương của Nhà nước phát huy mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, xã hội hóa các nguồn đầu tư, cho phép các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình theo phương thức PPP, BT hoặc BOT thì bài toán kinh tế sẽ được đánh giá một cách toàn diện hơn. Một khi dự án cầu vượt đô thị được đánh giá hiệu quả kinh tế một cách tổng hợp và toàn diện thì giải pháp cầu vượt bằng thép, xây dựng theo phương pháp xây dựng nhanh mới thể hiện được hết tính ưu việt của nó; khi mà giá thành vật liệu, giá thành xây lắp có thể cao hơn giải pháp cầu vượt bằng bê tông cốt thép nhưng bù lại do thời gian thi công nhanh, ảnh hưởng đến môi trường ít... thì bài toán kinh tế có thể đi chiều ngược lại.

Phối cảnh nút giao thông đa cấp tại TP. Thâm Quyến - Trung Quốc

Có thể nói, hiệu quả đầu tư cho các dự án nút giao thông cầu vượt tại Việt Nam còn chưa được đánh giá đầy đủ. Sau khi hoàn thành, với các tiêu chí đánh giá hiện nay, chỉ tính được những chi phí đầu tư trực tiếp, còn lại hầu như không thể đánh giá được hết các hiệu quả kinh tế gián tiếp mà công trình nút giao thông cầu vượt nói chung và cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mang lại, trong khi với một số dự án đặc biệt, giá trị lợi ích quy đổi có thể lớn hơn gấp nhiều lần. Ví dụ như, những nút giao thông cầu vượt đô thị ở vùng trung tâm, với các dự án loại này, giá trị đầu tư thường rất lớn do chi phí giải phóng mặt bằng. Trong nhiều trường hợp, chi phí giải phóng mặt bằng có thể gấp 2-3 lần chi phí xây dựng. Chính vì vậy, hiệu quả đầu tư mấu chốt cho các dự án kiểu này chỉ có được nếu quản lý tốt quá trình giải phóng mặt bằng ngay từ khâu thiết kế và quy hoạch ban đầu. Tận dụng tốt các đặc thù về địa hình và bố trí công trình hiện có, vạch ra tuyến thiết kế và tổ chức giao thông với số lượng công trình phá dỡ và di dời ít nhất.

Vấn đề kinh tế cũng cần được quan tâm thể hiện ở sự bài bản trong việc tổ chức từ lúc lập dự án đến khi hoàn thành. thời gian càng được rút ngắn, công trình sớm đưa vào sử dụng thì càng mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng không nên chạy theo tiến độ mà bỏ qua các yếu tố khác như độ an toàn, chất lượng công trình hay giá trị kiến trúc. Bài toán kinh tế tốt nhất phải là sự cân bằng giữa ba yếu tố: Chi phí hợp lý, tiện nghi sử dụng và chất lượng đảm bảo.

Nguồn tin: TC Kiến trúc VN