0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn trên bước đường phát triển
Trong công cuộc xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững. Ðược sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, sự nỗ lực của chính quyền các cấp cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật các đô thị và các khu vực dân cư nông thôn tập trung ở nước ta đã từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Kết quả tích cực

Trong hơn 10 năm trở lại đây, hệ thống các quy định khung pháp lý cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý hạ tầng kỹ thuật đã được tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành. Sau khi Luật Xây dựng được thông qua vào năm 2003, Chính phủ đã ban hành các Nghị định cùng với nhiều định hướng, chiến lược trọng tâm bao trùm hầu hết các lĩnh vực chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Ðây là những cơ sở quan trọng để các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Ðối với khu vực đô thị, các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể. Tổng công suất thiết kế cấp nước tăng hơn ba lần so với năm 1998, đạt 6,2 triệu m3/ngày, nâng tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch lên 76%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân giảm còn 30%. Trong bối cảnh hiện nay, nước sạch được coi như là tài nguyên của quốc gia, mức sử dụng nước sạch đô thị bình quân đạt 90 lít/người/ngày là hợp lý. Công tác thu gom, xử lý nước thải và rác thải bước đầu đã được các địa phương và chính quyền đô thị quan tâm, hướng tới xây dựng các đô thị xanh - sạch - đẹp. Mặc dù việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải không hấp dẫn nhà đầu tư nhưng đến nay đã có bảy đô thị có trạm xử lý nước thải, nhiều đô thị khác đang xây dựng, sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2011. Công tác thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 82%,nhiều công nghệ trong nước về xử lý rác thải thân thiện môi trường đã được nghiên cứu, phát triển và được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận như công nghệ SERAPHIN, ANSINH-ASC, chế tạo viên đốt từ rác, sản xuất điện...

Tại khu vực dân cư nông thôn, những năm qua hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các trục giao thông chính (trục xã và liên xã) được rải nhựa và bê-tông hóa, 100% số xã được cấp điện, khoảng 90 - 95% số hộ dân được sử dụng điện từ các nguồn. Tỷ lệ dân cư nông thôn tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 84,5%. Ðây là những kết quả bước đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình xây dựng nông thôn mới... thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Những khó khăn, bất cập

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật còn rất hạn chế, những kết quả đã đạt được là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và nhiệm vụ của thực tiễn xây dựng phát triển đất nước, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật ở đô thị cũng như nông thôn còn nhiều yếu kém, cần được nhìn nhận và khắc phục một cách có hệ thống.

Về cấp nước, chất lượng nước cấp vẫn còn thấp. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực. Nguồn nước mặt ở các khu vực nông thôn đang bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất chưa được quản lý đặc biệt các khu vực làng nghề. Hệ thống thoát nước ở hầu hết các đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như: chưa có hệ thống thoát nước riêng cho thoát nước mưa và thoát nước thải, nước thải chưa được xử lý tại nguồn... Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề ngập úng đang trở nên ngày càng trầm trọng và thường xuyên hơn ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả những đô thị khác trước đây ít thấy ngập úng như Cần Thơ, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Quy Nhơn...


 

Về xử lý rác thải, chôn lấp vẫn là hình thức phổ biến, nhiều nơi vẫn sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và giảm hiệu quả sử dụng quỹ đất. Tại các khu vực nông thôn, thu gom rác còn mang tính tự phát, nhiều nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí xây dựng các khu xử lý chất thải rắn cả khu vực đô thị-nông thôn và lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang quốc gia hoặc nghĩa trang mang ý nghĩa vùng gặp rất nhiều khó khăn.

Về giao thông đô thị và nông thôn, tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp hơn nhiều so với chỉt iêu quy định (tại Hà Nội mới chỉ đạt 6 đến 7%; TP Hồ Chí Minh đạt gần 8% so với yêu cầu là từ 20 đến 25%) dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngày càng tăng tại các thành phố lớn. Tại khu vực nông thôn tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt thấp, còn lầy lội vào mùa mưa.

Nguyên nhân và giải pháp cơ bản

Những khó khăn, bất cập nói trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tập trung vào các nhóm vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất là tình trạng thiếu vốn đầu tư. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước và vốn ODA. Theo thống kê, tổng mức đầu tư cho cấp nước và thoát nước đô thị từ năm 1998 đến nay là hơn 51 nghìn tỷ đồng, nhưng con số đó còn rất khiêm tốn. Dự báo nhu cầu vốn 5 năm tới, chỉ tính riêng ba lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn đã lên tới 194 nghìn 900 tỷ đồng. Tình hình không có vốn, thiếu vốn đầu tư xây dựng mới, thiếu vốn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, nhiều công trình đang hoạt động nhưng do chưa có hoặc không đủ kinh phí duy tu, bảo trì nên xuống cấp nhanh, hư hỏng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vận hành.

Thứ hai, sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế còn nhiều hạn chế. Tại hầu hết các đô thị, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu do Nhà nước đầu tư, quản lý và vận hành thông qua nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA. Trong lĩnh vực xử lý rác thải, mới có một vài nhà máy do các thành phần kinh tế đầu tư, phổ biến theo mô hình BOO với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau theo từng địa phương. Mặc dù, công nghệ trong nước xử lý, chế biến rác thải đã được nghiên cứu nhưng do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là sự thiếu đồng bộ giữa vốn - cơ chế- công nghệ cũng như các hình thức hỗ trợ phát triển công nghệ còn hạn chế nên quy mô áp dụng và khả năng xử lý chưa đáp ứng nhu cầu của các đô thị.

Thứ ba, công tác lập và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhìn chung chất lượng quy hoạch còn nhiều bất cập, nhiều dự báo chưa có cơ sở hoặc tính khả thi thấp, sự liên kết liên vùng tỉnh, vùng tỉnh trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đặc biệt sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như nhà máy cấp nước, xử lý nước thải, khu xử lý chất thải rắn hay cảng sông, cảng biển chưa được nghiên cứu đầy đủ dẫn đến đầu tư dàn trải, trùng lặp và chưa phát huy hiệu quả. Quy hoạch chưa tính toán đầy đủ các nguồn lực thực hiện dẫn đến việc khó triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Ðáng chú ý, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung các công trình đầu mối chưa quan tâm đúng mức yêu cầu cải tạo, nâng cấp và mở rộng các công trình mạng lưới.

Thứ tư, mặc dù đã có nhiều cơ chế khuyến khích ưu đãi tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực xử lý nước thải, thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn nói riêng, đặc biệt là trong việc vay vốn và trả nợ vốn vay đầu tư cho các hoạt động quản lý chất thải rắn. Mặt khác, doanh thu từ các sản phẩm tái chế (phân hữu cơ, nhựa tái chế, gạch block...) hiện khá thấp và không ổn định trong khichi phí hoạt động tương đối lớn như lãi suất vay đầu tư, chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu.

Thứ năm, phương thức quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA còn có những bất cập trong việc phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành,địa phương. Một số dự án của địa phương chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng để phù hợp với quy hoạch, định hướng, kế hoạch hoặc chương trình mục tiêu phát triển của bộ chuyên ngành; đánh giá mức độ ưu tiên chưa sát với nhu cầu cần được ưu tiên đầu tư; thiếu yếu tố liên vùng và kiểm soát về chất lượng; hiệu quả vốn vay chưa cao do suất đầu tư cao.

Thứ sáu, sự tham gia, chia sẻ của người dân và cộng đồng trong việc đóng góp xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Người dân chưa quen với việc trả tiền cho việc xử lý nước thải và phí xử lý rác thải, chưa đồng tình và ủng hộ việc xây dựng các khu xử lý rác,các công trình xử lý nước thải, nghĩa trang phục vụ mang tính liên vùng tại địa phương là những bất cập cần được nghiêm túc xem xét.

Từ những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình phát triển, để từng bước khắc phục triệt để những vấn đề bất cập đang tồn tại, yêu cầu xuyên suốt trong việc thực hiện các giải pháp của các cấp, các ngành là bảo đảm nguyên tắc đồng bộ trong quá trình phát triển. Do vậy, cần ưu tiên tập trung cho công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành là cơ sở tiên quyết để xây dựng các dự án cụ thể.

Tổ chức công bố rộng rãi và triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật như chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020, chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025, các quy hoạch cấp, thoát nước và xây dựng các khu xử lý chất thải rắn bốn vùng kinh tế trọng điểm... để định hướng và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế cũng như sự tham gia, giám sát triển khai thực hiện của cộng đồng.

Ðồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nói chung và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng đi đôi với việc nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng các cơ chế ưu đãi, đặc thù cho các dựán, tháo gỡ vướng mắc tạo bước đột phá để đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn lực, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ trong nước nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

Những năm tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn sẽ tiếp tục có những đổi mới tích cực, góp phần đáp ứng các yêu cầu đặt ra của công cuộc CNH, HÐH đất nước.

Nguồn tin: Bao xay dung
  • Tags