Nguy cơ tai nạn giao thông ở mức báo động
Có mặt tại tuyến tránh Kỳ anh bắt đầu từ xã Kỳ Văn đến đèo Con (giáp ranh xã Kỳ Phương và Kỳ nam) dài 33km, chúng tôi nhận thấy mặc dù đoạn đường này mới đưa vào sử dụng nhưng đã hằn lún rất nặng nề. Vệt hằn lún theo cả 2 chiều làn xe thành rãnh kéo dài qua các xã Kỳ Tân, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Liên, Kỳ Phương với độ sâu phổ biến từ 6 - 7cm, có những đoạn sâu nhất phải từ 9 - 10cm.
Do tình trạng sụt lún kéo dài đã tạo nên những “con lươn” khổng lồ, có đoạn lưng đường nhô lên, có chỗ lại sâu xuống như “mắc võng”. Trước tình trạng này, các phương tiện lưu thông gặp rất nhiều khó khăn khi phải tránh các “con lươn”, các tài xế điều khiển phương tiện nếu không cẩn trọng đi chệch “làn lún” rất dễ xảy ra tai nạn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, anh Trần Văn Toàn (lái xe chở hàng tuyến Kỳ anh - TP Hà Tĩnh) cho biết: Mỗi lần lưu thông đến đoạn đường tránh này, xe chạy mà giống như “làm xiếc”. nguy hiểm nhất là đối với xe máy, nếu người điều khiển không giữ vững tay lái thì dễ té ngã khi đi trên những “luống khoai” này. Đặc biệt vào mùa mưa mặt đường sụt lún tạo thành độ nghiêng, trơn trượt nên nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Trước thực trạng sụt, lún, xuống cấp của đoạn đường này, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị chức năng có trách nhiệm liên quan để khẳng định những lo lắng về nguy cơ tai nạn giao thông của các lái xe thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này đang ở mức báo động. Ông Hoàng Minh Việt - Phó trưởng ban an toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra và ghi nhận mức độ hằn lún trên tuyến đường này là rất nghiêm trọng. Điều đó đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn, do vậy cần phải sớm sửa chữa, khắc phục ngay”.
Thiếu tá nguyễn an ninh - Đội trưởng đội CSGT phía nam, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện tượng sụt lún đường tránh đã tạo nên nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Nguyên nhân thứ nhất là việc sụt lún tạo ra những lối, rãnh trên đường, nếu tài xế không cẩn trọng thì rất có nguy cơ tai nạn, vì thực tế những đoạn này rất dễ “mất phanh”. Thứ hai, cùng với sụt lún là hiện tượng đất đá rơi vãi hai bên phần đường dành cho xe mô tô lâu ngày không được đơn vị thi công dọn dẹp nên cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xảy ra. Nhiều tài xế đã phản ánh với chúng tôi các hiện tượng trên nhưng trách nhiệm đó thuộc về đơn vị thi công và đơn vị quản lý tuyến đường…
“Ngẫm hay muôn sự tại trời”
Để tìm hiểu nguyên nhân tuyến đường nghìn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, PV Báo Xây dựng đã trao đổi với ông Trương Đức Liên - giám đốc điều hành BQLDA, được biết: nguyên nhân chính, do đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ quá cao nên tuyến đường bắt đầu xuất hiện những điểm hằn lún vệt bánh xe. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết thì tuyến đường được thảm bằng nhựa thường cộng thêm lưu lượng xe trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày đặc nên việc hằn lún vệt bánh xe là khó có thể tránh khỏi.
Về phương án xử lý hằn lún, ông Liên cho biết: Đối với những điểm bị hằn lún sâu, đơn vị thi công sẽ cào bóc lớp nhựa bị trồi lên rồi thảm lại một lớp nhựa Polime. Còn những điểm hằn lún nhẹ, đơn vị thi công sẽ cho người theo dõi và cho phân làn xe bằng cách sử dụng cọc tiêu, biển báo để tránh vệt hằn lún bị nặng hơn.
Theo ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó tổng giám đốc TCty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), khu vực nghệ an, Hà Tĩnh xuất hiện hằn lún nhiều hơn do chất lượng vật liệu không đồng đều. “Trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả nhà thầu đều lấy vật liệu nên khó kiểm soát, dẫn đến khả năng ổn định của vật liệu bị ảnh hưởng”, ông Nghĩa nói.
Tuyết Mây – Phi Long