Với con số ước khoảng 8 triệu dân, TP HCM đã thực sự trở thành một siêu đô thị của thế giới ngang ngửa với Thượng Hải, Bắc Kinh ở Trung Quốc - Tokyo ở Nhật Bản - Jakarta ở Indonesia, Washington D.C, New York ở Mỹ, Saint Peterburg - Moscow ở Nga, London ở Anh... TP không chỉ có dân cư , lược lượng lao động trong nước, mà thu hút một lượng chính khách, thương gia, trí thức công nghệ cao người nước ngoài, khách du lịch, Việt kiều...
TP HCM là đô thị lớn nhất nước trực thuộc Trung ương được xác định là Trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng, là trung tâm công nghiệp, Tài chính, trung tâm thương mại, du lịch, trung tâm dịch vụ lớn nhất nước có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong nước mà còn có ý nghĩa đặc biệt với tiểu vùng sông Mekong, bán đảo Đông Dương, khu vực ASEAN, khu vực nam Á, châu Á, APEC và thế giới.
Trên thế giới, các trung đô thị 2 triệu dân cùng các đại đô thị trên 3 triệu dân tối thiểu phải có 2 sân bay ở hai đầu thành phố để đảm bảo lưu thông hành khách một cách dễ dàng, tránh ùn tắc do quá tải. Các siêu đô thị trên 7 triệu dân đã có 3 và thậm chí có nhiều sân bay trong đó có tối thiểu một sân bay quốc tế để kết nối nhanh. Việc có nhiều sân bay trong một siêu đô thị giúp tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng hội nhập và phát triển. Đó là lợi thế lớn cho một thành phố tăng trưởng đồng thời tiếp nhận được những tinh hoa trí tuệ, khoa học công nghệ, lịch sử văn hóa thế giới. Nhiều sân bay để tránh rơi vào thế "độc đạo", đồng thời đề chi viện cho nhau khi có sự cố cháy nổ, thiên tai, không tặc khủng bố hay bạo loạn…
Vậy mà cho đến nay TP HCM duy nhất chỉ có một sân bay Tân Sơn Nhất làm chức năng của một sân bay quốc tế và quốc nội, nó không chỉ phục vụ cho 8 triệu dân TP mà cả một vùng xung quanh với với dân số gần 40 triệu. Sân bay quá tải nghiêm trọng có lúc lên đến 400 chuyến bay/ngày đêm. Tắc nghẽn cửa ngõ vào ra sân bay diễn ra thường xuyên. Và nữa, chỉ cần một trận mưa kéo dài hơn 30 phút là sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt, rất nhiều chuyến bay đi và đến bị hủy.... gây tốn kém, mất an toàn.
Giữa lúc TP HCM đang cần ít nhất 2 sân bay để giảm quá tải về hàng không và chi viện cho nhau khi có sự cố thiên tai, khủng bố hay bạo loạn với một lượng dân số 40 triệu dân đổ dồn về một sân bay trong khi cách trung tâm TP 40 km, chúng ta đang để lãng phí sân bay Biên Hòa, một trong những sân bay lớn, hiện đại có các tính năng kỹ thuật không kém gì sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Nếu sân bay Biên Hòa có thêm chức năng dân dụng sẽ lập tức giải quyết được một phần quan trọng về nhu cầu hàng không không chỉ cho TP HCM mà các tỉnh miền đông, tây Nam Bộ, giảm tải ùn tắc cho cửa ngỏ đông bắc TP, giảm thiểu mật độ lưu thông cho trung tâm để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cách đây không lâu sân bay quốc tế Don Muang - thủ đô Thái Lan hoàn toàn tê liệt trong nhiều ngày do bị bao vây phong tỏa, khiến hàng vạn khách quốc tế mắc kẹt trong cảnh thiếu lương thực nước uống, thuốc men… Chính phủ Thái Lan lúc đó đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp, mở cửa sân bay quân sự Utapao cách đó 160 km để tổ chức một cuốc di tản khách quốc tế lớn nhất trong lịch sử Thái Lan. Bài học đó đáng để chúng ta phải suy ngẫm!
Để lãng phí sân bay Biên Hòa trong khi TP HCM đang khủng hoảng thiếu sân bay, ngành hàng không VN đã thể hiện sự bất cập trong vấn đề quản lý khai thác hệ thống 50 sân bay hiện có và đang gây lãng phí rất lớn tiềm năng cững như tài sản quốc gia, đưa ngành hàng không nước ta xếp gần cuối bảng trong hiệp hội hàng không Đông Nam Á, gây nên tình trạng qua tải về giao thông.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp những người làm quản lý, quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch GTVT và quy hoạch hàng không có những cái nhìn thực tế, khoa học và thực sự đổi mới hội nhập để có những việc làm thực tế cho sự năng động, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững cho TP HCM.