0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng với việc phát triển bền vững các khu nghèo ở đô thị nước ta hiện nay

   Bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, với nhận thức “Xóa đói, giảm nghèo là yếu tố cơ bản để đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững, ngược lại chỉ có tăng trưởng cao, bền vững mới có sức mạnh vật chất để hỗ trợ và tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo”. Chính phủ đã phê duyệt và ban hành “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo” đến năm 2010, chiến lược này một mặt vẫn tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, mặt khác đề cập đến việc giải quyết các vấn đề đặc thù của nghèo đói đô thị về việc làm, thu nhập và nhà ở. Bảo đảm người nghèo đô thị tiếp cận một cách công bằng tới các nguồn lực, dịch vụ công và dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện tình trạng tiếp cận của người di cư, đặc biệt là con em của họ.

 

   Chiến lược cũng đề ra, chính sách phát triển công nghiệp đô thị, nhằm tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người nghèo trong đó nhấn mạnh, khuyến khích người nghèo đô thị tự thoát nghèo với sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng dân cư, không phân biệt người nghèo địa phương và người nghèo nhập cư. Thiết lập chính sách tổng thể phát triển đô thị để làm cơ sở từng bước giải quyết các khu ổ chuột và tạm bợ ở thành phố, thị xã… xây dựng chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị. Hỗ trợ kịp thời các nhu cầu giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cải tạo, nâng cấp nhà ở và các điều kiện hạ tầng thiết yếu như cấp, thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường. Phát triển các chương trình xây dựng nâng cấp mạng lưới hạ tầng tới cơ sở, đảm bảo các dịch vụ cấp, thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường. Phát triển các chương trình xây dựng nâng cấp mạng lưới hạ tầng tới cơ sở, đảm bảo các dịch vụ cấp, thoát nước, vệ sinh, chiếu sáng công cộng đến được các cộng đồng thu nhập thấp, quản lý rác thải trên nguyên tắc xã hội hóa để giảm ô nhiễm khu vực người nghèo đô thị. Xây dựng chiến lược quốc gia về đô thị hóa và chính sách nâng cấp đô thị có tính đến mục tiên xóa đói giảm nghèo, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm trong thiết kế quy hoạch đô thị, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường có tính đến nhu cầu và khả năng chi trả của người nghèo đô thị.

 

   Qua nghiên cứu một số nước trên thế giới và Việt Nam, đặc điểm chung của người nghèo đô thị và các khu nghèo đô thị là: người nghèo đô thị phần lớn sống ở những nơi có hạ tầng thấp kém, hầu hết đều có chung các đặc điểm cơ bản về mức sống thấp, thu nhập thấp, yếu kém về trình độ, nhận thức hạn chế, điều kiện sống cơ bản thiếu thốn, việc tiếp cận sử dụng của họ tới các dịch vụ cơ bản về nhà ở, y tế, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học… cũng như các điều kiện đi lại, cấp nước, điện, thoát nước, vệ sinh môi trường cực kỳ hạn chế và khó khăn, thậm chí họ có thể không sử dụng bất cứ dịch vụ nào nếu như phải chi trả các chi phí cho dịch vụ đó.

 

   Theo ngân hàng thế giới “Khu nghèo đô thị, thường được gọi là khu nhà ổ chuột, đó là khu vực ít được quan tâm của thành phố, bao gồm các khu chung cư đông dân nghèo khổ ở trung tâm thành phố, những nơi ở lấn chiếm, phát triển không theo quy hoạch và không được pháp luật công nhận… hoàn toàn thiếu các điều kiện sống và sinh hoạt tối thiểu… Hầu hết các khu nghèo đô thị cũng đều có những nét cơ bản rất giống nhau, đó là mạng lưới đường nội bộ có mật độ cao, nhiều tuyến đường có mặt đường nhỏ, hẹp, ngoằn nghèo, không đảm bảo tầm nhìn, nhiều tuyến bị cụt, mất an toàn, nguy hiểm và thường xuyên ách tắc, chất lượng mặt đường xấu, lầy lội, đi lại khó khăn… Hệ thống cấp nước khó khăn, không có hoặc có hệ thống thoát nước nhưng hoạt động không hiệu quả gây ngập úng thường xuyên, nước thải chảy tự do ra mương hoặc ao, hồ, không có nhà vệ sinh… Việc thu gom rác thải gặp nhiều hạn chế, ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối từ kênh mương hở, nhà vệ sinh, khí thải… môi trường tiếng ồn khá trầm trọng. Mạng lưới điện cũ, thiếu an toàn, chất lượng dịch vụ cấp điện còn thấp, nhiều sự cố, người dân phải trả tiền điện giá cao… Nhà ở diện tích thấp, đủ loại mái lợp tường bao khác nhau (kiên cố, bán kiên cố, tạm bợ…), các công trình công cộng khác như chợ, trường học, y tế, công viên, vườn hoa… đều cách xa khu nghèo.

 

   Yêu cầu nâng cấp, cải tạo là rất lớn vì vậy cần điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu cụ thể đồng thời nên lấy ý kiến người dân sở tại. Trên cơ sở các tiêu chí đã lựa chọn, nguồn vốn huy động và khả năng tham gia của cộng đồng để lựa chọn các vấn đề, hạng mục ưu tiên.

 

   Quan tâm cải thiện điều kiện sống và môi trường của khu nghèo đô thị chính là cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, xây mới, bổ sung những công trình hạ tầng còn thiếu và đấu nối các công trình đã và sẽ có với các công trình cấp Quận và Thành phố. Việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật không chỉ có ý nghĩa với các khu nghèo đô thị mà còn có ý nghĩa lớn hơn là góp phần thực hiện mục tiêu đã được xác định trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo là cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu đến năm 2010 cho 100% dân nghèo đô thị và cố gắng loại bỏ các khu nhà ổ chuột, các nhà tạm trong tất cả các thị xã và thành phố. Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, đến năm 2010, 30% nguồn chất thải hộ gia đình được phân loại, 90% chất thải được thu gom, 100% chất thải y tế và 40% nước thải đô thị được xử lý. Đến năm 2020, 100% số hộ gia đình ở các đô thị được dùng nước sạch và 100% nước thải đô thị được xử lý.

 

   Khu nghèo đô thị là một trong những khu ở đô thị, để phát triển bền vững phải được quan tâm, đầu tư xây dựng để trở thành một nơi cư trú tốt mà con người ở đó sẽ có cuộc sống tốt hơn, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, có nhà ở, được hưởng các dịch vụ xã hội, đi lại dễ dàng, môi trường trong sạch, an toàn và an ninh.

 

   Khi xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật với phát triển bền vững khu nghèo đô thị cần tuân thủ một số nguyên tắc, đó là dự án nâng cấp xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần phù hợp quy hoạch chi tiết được duyệt nhằm đảm bảo sự kết nối thống nhất và đồng bộ với các công trình lân cận, xung quanh và phạm vi rộng lớn hơn. Trong trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết phải được phép của cấp có thẩm quyền . Huy động tích cực sự tham gia của cộng đồng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án. Mọi thành viên cộng đồng nghèo thuộc khu vực dự án trên cơ sở quy hoạch hoặc điều kiện thực tế đều có quyền tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng hạng mục gì? ở đâu?... được hưởng quyền lợi và đóng góp nguồn lực tùy theo khả năng, yêu cầu của mỗi dự án. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, các dự án được thực hiện trên cơ sở thông tin, truyền thông trong cộng đồng được bắt đầu từ khâu tiến hành chuẩn bị và xuyên suốt quá trình thực hiện. Việc lựa chọn các công trình đầu tư phải tiến hành công khai, dân chủ. Nâng cấp được thực hiện bằng cách từng bước cải thiện điều kiện sống của cộng đồng dân cư, trên cơ sở giảm thiểu tối đa việc tái định cư, giải phóng mặt bằng và đền bù…

 

   Phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn áp dụng trong quy hoạch, thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị nghèo đã được quy định. Trong các trường hợp cần thiết và tùy theo điều kiện thực tế của từng khu nghèo đô thị ở mỗi đô thị khác nhau, có thể cho phép áp dụng tiêu chuẩn thiết kế ở mức tối thiểu được quy định ở các quy chuẩn, tiêu chuẩn trên hoặc bằng từ 50-80% mức tối thiểu, xong phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cần có sự phối hợp đa ngành, triển khai đồng bộ, thống nhất, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong dự án như đường giao thông, đường ống cấp nước, mương hay ống thoát nước, đường dây điện, trạm xử lý nước thải, bãi chôn lấp, thu gom rác thải… cần được tiến hành đồng bộ, thống nhất và toàn diện. Phải có sự phối hợp đa ngành, mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục phê duyệt đầu tư, tổ chức và quản lý song sẽ đem lại kết quả tốt hơn, nếu làm được việc này sẽ hạn chế sự chồng chéo, tốn kém đặc biệt việc tránh lấp lên, đào xuống.

 

   Trong quá trình từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc dự án cần có sự tham gia của cộng đồng nhằm xác định nhu cầu và lựa chọn các hạng mục đầu tư xây dựng. Cung cấp, dành đất cho việc mở rộng đường, tổ chức dỡ bỏ các hàng rào, công trình xây dựng không cần thiết để thực hiện dự án. Vận động góp công lao động công ích, một giải pháp cổ điển nhưng cần thiết và có hiệu quả. Phát huy vai trò quản lý nhà nước ở địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý xây dựng, thực hiện cải tạo, duy tu, bảo dưỡng và tham gia khai thác, vận hành, sử dụng.

 

   Khu nghèo đô thị là một thực thể tồn tại khách quan trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị. Việc phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển đô thị bền vững nói riêng cần có những cơ chế, chính sách phát triển hợp lý. Một trong những cơ chế chính sách tạo điều kiện để khu nghèo đô thị có thể tiếp cận, sử dụng, khai thác và hòa nhập trong xu thế phát triển chung của đô thị đó là cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị cho các khu vực này. Các yêu cầu trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phụ thuộc vào điều kiện thực tế, quy mô và phạm vi của từng khu nghèo đô thị. Việc nâng cấp có thể chỉ tập trung vào một hạng mục hoặc bao gồm tất cả các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước có xem xét gắn với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

 

   Phát triển bền vững khu nghèo đô thị với việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng có hiệu quả cần được tổ chức thực hiện khoa học, huy động và sử dụng nguồn vốn thiết thực tiết kiệm và đặc biệt huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng.

Nguồn tin: PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật