Đường phố Hội An.
Hội An là trung tâm buôn bán lớn và thương cảng sầm uất bậc nhất vùng Đông Nam Á của sứ Đàng trong nơi giao lưu của các thương nhân người Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha…
Đến Hội An điều làm chúng tôi ngạc nhiên là những ngôi nhà cổ có tuổi trên 300 năm với bố cục kiến trúc và kiểu thức xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII… vẫn còn được giữ nguyên dạng.
Đô thị cổ Hội An ngày nay được xem như độc nhất vô nhị đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả một quần thể di tích cổ vô cùng độc đáo và phong phú.
Chùa Cầu được xem như là biểu tượng của phố cổ Hội An là công trình có lối kiến trúc độc đáo được xây dựng theo kiểu Nhật và do chính các thương nhân Nhật Bản thực hiện.
Cầu dài 18m, có mái che lợp bằng ngói âm dương, uốn công qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn, mặt chùa quay về phía bờ sông. Chùa cầu được xây bằng gạch, gỗ được chạm trổ rất công phu, giữa chùa thờ vị thần bảo hộ xứ sở Bắc Đế Trấn Võ ban niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Phố cổ Hội An hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà cổ dạng hình ống chiều ngang nhà có thể từ 4m đến 8m, sâu từ 10m đến 40m.
Cấu trúc của nhà được phân chia như sau: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Nhà được chia làm ba không gian chính gồm không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng.
Hệ thống vì kèo có tác dụng đỡ mái được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, ngói cong hình máng, một hàng lợp úp xen một hàng lợp ngửa tạo thành những đường kẻ dọc theo chiều nghiêng của mái.
Nền lát gạch, hệ thống cột gỗ trong nhà được kê trên hòn kê bằng đá. Phần lớn ngói, gạch xây dựng đều được đưa từ miền Bắc vào. Kết cấu gỗ của ngôi nhà được bố trí rất hài hòa về mặt kiểu thức kiến trúc và trang trí kiến trúc.
Không gian nhà cổ ở Hội An thoáng đãng tạo sự hòa hợp với thiên nhiên bởi có một sân trời, non bộ, bể nước… để đón ánh sáng. Làm cho nhà ở Hội An mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa Đông. Vật liệu xây dựng nhà ở Hội An là những loại đá, gỗ quý chịu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ.
Đô thị cổ Hội An may mắn còn được lưu giữ một quần thể di tích kiến trúc hết sức phong phú và tuyệt mỹ. Trở thành địa điểm để du khách trong và ngoài nước tìm kiếm, khám phá và khơi nguồn sáng tạo. Từ đó trân trọng gìn giữ và tiếp thu lối kiến trúc tập quán xây dựng mà các thế hệ người thợ của vùng đất xứ Quảng để lại.
Một số hình ảnh về nét kiến trúc độc đáo ở đô thị cổ Hội An:
Hình ảnh Chùa Cầu.
Nhà cổ Quân Thắng, số 77 Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại trên 300 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Trải qua thời gian nhà cổ Quân Thắng vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất.
Nhà cổ Đức An, số 129 Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhà cổ Đức An được xây dựng theo lối kiến trúc Việt thoáng đãng tận dụng tối đa ánh sáng, sử dụng vật liệu chính là gỗ kiềng kiềng có sẵn ở vùng Quảng Nam với ưu điểm chống chịu với thời tiết nóng ẩm ở mảnh đất miền Trung.
Lịch sử nhà cổ Đức An với sau sự kiện chống thuế năm 1908, nhà Đức An chuyển sang bán thuốc Bắc hòa vào việc buôn bán tấp nập của cùng nhiều hiệu thuốc Bắc ở Hội An song vẫn là điểm hẹn gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước trong khu vực.
Vào những năm 1925 - 1926, khi các phong trào yêu nước và kháng Pháp đã chuyển hướng tiến bộ hơn, nhà Đức An trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên và trí thức yêu nước.
Những tác phẩm về dân chủ tư sản thế giới, các tác phẩm của Phan Châu Trinh về phong trào Duy Tân và các sách báo tiến bộ khác như: Báo "Chuông rè", "Đông Pháp thời báo", " Tân thế kỷ", " Nhân loại" và đặc biệt là báo "Việt Nam hồn" xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây.