0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Chiến lược phát triển thành phố (CDS) - Một phương pháp tiếp cận để xây dựng kế hoạch phát triển đô thị hợp nhất
Chiến lược phát triển thành phố là một phương pháp tiếp cận mới nghiên cứu về chiến lược phát triển đô thị với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế - xã hội nhằm hoạch định một kế hoạch phát triển đô thị hợp nhất

Đây là một công cụ tốt để giúp cho các nhà quản lý đô thị: 

- Xây dựng chiến lược phát triển đô thị hợp nhất bao gồm cả kinh tế, xã hội, quy hoạch không gian, môi trường.

- Tổ chức triển khai các hoạt động để đạt mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển đô thị trong thời gian từ 10 đến 20 năm.

- Thông qua việc xác định danh mục các dự án đầu tư ưu tiên và các giải pháp thực hiện để tập trung các nguồn lực (Vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ…) cho việc đầu tư phát triển thành phố.

   Trên thế giới đặc biệt nhiều thành phố thuộc các nước Đông Nam Á, Châu Á và ngay ở Việt Nam đã tiếp cận và áp dụng phương pháp này, bài viết xin tổng hợp và giới thiệu nội dung, quy trình cơ bản và một số kinh nghiệm bước đầu về việc xây dựng chiến lược phát triển thành phố (CDS).

1. Những nội dung và quy trình cơ bản của việc xây dựng CDS

1.1 Xác định các vấn đề tồn tại của Thành phố và cũng để trả lời cho câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu?” với các nội dung.

- Tập hợp và thu thập các số liệu cơ bản khái quát về tình hình hiện trạng phát triển của thành phố bao gồm: dân số, lao động, quy mô hộ gia đình, sử dụng đất, mức tăng trưởng thành phố (GDP), hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, bộ máy quản lý của chính quyền thành phố v.v. Qua các số liệu này bước đầu có thể phát hiện các vấn đề tồn tại chủ yếu của thành phố.

- Xây dựng biểu số liệu, các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế - xã hội của thành phố và so sánh với vùng, khu vực và của cả nước theo 4 yếu tố: Tính bền vững của thành phố (so sánh các chỉ tiêu về dịch vụ cơ bản như điện, nước, trường học, bệnh viện, sức khỏe môi trường, nghèo khổ và thu nhập, nhà ở, tiện nghi và văn hóa…). Tính cạnh tranh của Thành phố (so sánh các chỉ tiêu về cơ cấu GDP và cơ cấu lao động theo 3 khu vực: Kinh tế, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh, số hộ có điện thoại v.v…). Khả năng quản lý của Thành phố (so sánh chỉ tiêu về kết quả phân phối các dịch vụ đô thị như tỷ lệ lương công chức trong tổng chi tiêu thành phố, trình độ quản lý đô thị của cán bộ, công chức lãnh đạo thành phố v.v…). Tính minh bạch về tài chính của thành phố (so sánh các chỉ tiêu về nguồn thu BQ/người, tỷ lệ chi tiêu thường kỳ của thành phố, tỷ lệ chi đầu tư phát triển, tỷ lệ vay mượn và tiết kiệm trong tổng chi tiêu v.v…). Từ các yếu tố trên sử dụng phương pháp phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức) để tìm ra những vấn đề cơ bản của thành phố.

1.2 Xây dựng các mục tiêu, các định hướng và viễn cảnh tương lai của thành phố. Trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta muốn đi tới đâu?”

- Xây dựng tầm nhìn cho thành phố. Đây có thể xem như các mong đợi của các nhà quy hoạch về một hình ảnh thành phố (tỷ lệ tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp, xây dựng hạ tầng,…).

- Xây dựng các định hướng chiến lược phát triển thành phố.

1.3 Xây dựng các chiến lược để đạt được mục tiêu bao gồm xác định các chương trình và dự án hợp nhất (kể cả các dự án đang sắp phê duyệt). Trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề gì?”

- Căn cứ vào định hướng chiến lược, các Sở, nghành của thành phố đề xuất các dự án chi tiết.

- Kiểm tra, kết hợp, lồng ghép giữa định hướng chiến lược và danh mục dự án tương ứng đồng thời để phát hiện các định hướng chiến lược nào chưa có dự án/ chương trình đi kèm.

1.4 Xác định các danh mục dự án đầu tư ưu tiên và các kế hoạch hành động. Trả lời cho câu hỏi: “Hành động nào phải thực hiện để đạt được mục tiêu?”

- Đây là giai đoạn quyết định hình thành một danh mục đầu tư ưu tiên. Để xác định các danh mục ưu tiên có thể sử dụng Phương pháp Ma trận đạt mục tiêu (GAM) của Kế hoạch đầu tư đa ngành (MSIP) bao gồm xác định các chỉ tiêu đánh giá cả định tính (tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của địa phương) và định lượng, cho điểm và nhận xét…

- Tổng hợp kết quả trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.5. Đánh giá, giám sát và thông tin phản hồi

   Thiết lập các hệ thống đánh giá, giám sát, các mốc kế hoạch và các chỉ số đánh giá. Bài toán liên ngành cũng được giải quyết. Quy trình này sẽ được lập lại như vậy sau 3-5 năm tùy theo tình hình cụ thể.

   Trên đây là một số nội dung cơ bản công tác xây dựng chiến lược phát triển thành phố CDS. Tóm tắt có thể theo các sơ đồ sau:

2. Những kinh nghiệm về xây dựng chiến lược phát triển thành phố CDS

   Philippine: Đã có 7 thành phố xây dựng chiến lược phát triển thành phố - phần lớn các thành phố xây dựng CDS có quy mô trung bình (tương đương đô thị loại 3 của Việt Nam). Các vấn đề của các thành phố tập trung vào: vấn đề môi trường; xóa đói giảm nghèo (tiêu chí xác định nghèo, các bện pháp giảm nghèo ở các đô thị), cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân đô thị, cấp nước, chăm sóc sức khỏe, thách thức và các kinh nghiệm về phát triển kinh tế địa phương, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thu thập và lưu trữ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nối mạng giữa các thành phố… Đặc biệt đã lồng ghép có hiệu quả việc xây dựng CDS với Quy hoạch phát triển đô thị.

   Indonesia: Những vấn đề được đặt ra trong khi xây dựng CDS bao gồm: dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở, việc làm, thu nhập. Những dự án được sắp xếp ưu tiên để kêu gọi đầu tư và xây dựng bao gồm: nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà ở, an toàn xã hội, đơn giản hóa các thủ tục về cấp đất, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

   Việt Nam: Trong thời gian qua đã có thành phố triển khai nghiên cứu lập CDS cho thành phố mình đó là:

   Thành phố Hồ Chí Minh: Từ tháng 4/1999 dưới sự tài trợ và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB) Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng CDS. Qua nhiều lần trao đổi và hội thảo đã xác định được 7 nhóm vấn đề (tồn tại) đặt ra mà Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung giải quyết đó là: (1) Thành lập “ Cơ cấu đô thị đa trung tâm”; (2) Phát triển đầy đủ hệ thống giao thông; (3) Tăng cường chức năng kinh tế; (4) Tạo cơ cấu quản lý đô thị thích hợp trong chính quyền; (5) Cải thiện môi trường đô thị; (6) Cải tạo và nâng cao đời sống; (7) Thúc đẩy chương trình cải thiện nguồn thu. Các bước thực hiện tiếp theo bài bản và hoàn toàn theo trình tự như đã nêu ở trên. Thành phố Hồ Chí Minh, là một thành phố đã có những tiến bộ trong việc chuẩn bị một chiến lược phát triển thành phố (CDS). Tuy nhiên, đây là một thành phố cực lớn và phức tạp nên việc xây dựng một CDS là rất khó khăn và gặp những thách thức lớn.

   Hải Phòng: Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 102km về phía Đông – Nam; có cảng biển quốc tế, có sây bay cấp quốc gia. Hải Phòng đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng về cơ sở của nên kinh tế, có các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất thép, xi măng, đóng tàu; công nghiệp may mặc và giày dép cũng khá phát triển. Hải Phòng có tiềm năng về các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, thương mại,… và là nơi có điều kiện hấp dẫn thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đến nay, thành phố đã thu hút trên 1,3 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện chiếm khoảng 60%). Việc xây dựng CDS ở Hải Phòng có nhiều lợi thế đó là: Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ, dân số đô thị vừa phải khoảng 550.000 dân; Thành phố và các quận nội thành cũng đã có Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch phát triển không gian đô thị. Từ tháng 3 năm 2001, Thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai nghiên cứu CDS, Hải Phòng đã hoàn thành đề cương chi tiết nghiên cứu, hoàn thiện giai đoạn đầu của CDS: Đã xây dựng xong bộ chỉ tiêu đánh giá thực trạng thành phố - để trả lời câu hỏi “Chúng ta hiện đang ở đâu?”. Hải Phòng đã tổ chức một số hội thảo về SWOT – phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ đối với thành phố ở cấp thành phố và cấp quận, huyện. Theo kế hoạch dự kiến tháng 11/2001 kết thúc giai đoạn đầu của việc thực hiện CDS.

   Đà Nẵng: Sắp tới Ngân hàng Châu Á (ADB) và Chương trình Quản lý đô thị Châu Á (UMP-Asia) sẽ giúp UBND Thành phố xây dựng Chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng và dự thảo chương trình thành phố không có nhà ổ chuột dựa trên các kinh nghiệm đã có của UMP như đã tư vấn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và CDS của thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng CDS của Đà Nẵng sẽ thành công và nhiều đô thị khác của Việt Nam sẽ được tham gia vào chương trình này.

Nguồn tin: PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật