Theo đó, cơ quan này đề xuất TP.HCM cấm các cơ quan, doanh nghiệp khai thác nước ngầm tại khu vực các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè.
Tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm rộng 195km2; vùng hạn chế khai thác rộng 1.268km2 và vùng được khai thác rộng 572km2.
Các khu vực bị cấm khai thác nước ngầm là những vùng có mực nước ngầm thấp hơn giới hạn cho phép (tầng 1 có mực nước ngầm từ 20m trở xuống, tầng 2 và 3 có mực nước từ 40m trở xuống - theo độ cao chuẩn quốc gia); nằm trong ranh mặn-nhạt; ô nhiễm nitơ; có hiện tượng lún sụt mặt đất và những khu vực đã được cung cấp nước máy với áp lực tối thiểu 0,2kg/cm2.
Theo nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam, khu vực đề xuất cấm khai thác nước ngầm là những nơi có nguy cơ sụt lún đất nền cao nhất trên địa bàn TP. Việc cấm khai thác nước ngầm sẽ làm tăng mực nước, qua đó làm giảm nguy cơ sụt lún đất nền của TP.HCM.
Liên đoàn đề nghị Thành phố nghiên cứu lộ trình cấm và hạn chế khai thác nước ở những khu vực được đề xuất; Sở TN&MT điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm để có kế hoạch trám lấp các miệng giếng đang được khai thác không đúng quy định.
Theo Quy hoạch cấp nước tại TP.HCM đã được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2025, TP.HCM chủ yếu khai thác và sử dụng nước từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, hạn chế khai thác nước ngầm. Lượng nước ngầm cho phép khai thác trên địa bàn Thành phố ở mức 100.000m3/ngày đêm.