0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Quản lý xây dựng công trình ngầm và quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị

   1. Những thách thức cơ bản trong việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình ngầm tại các đô thị

   Trong xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị, đặc biệt đối với các đô thị lớn luôn luôn phải có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và các công trình được xây dựng dưới mặt đất. Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình ngầm có nhiều lợi thế nhưng cũng ít thách thức cần phải được cân nhắc khi lựa chọn:

    - Đầu tư ban đầu lớn, khả năng thu hồi vốn lâu dài, độ rủi ro cao trong quá trình xây dựng, thường bị chậm tiến độ, phần lớn tăng chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu.

   - Khi tiến hành đào hầm thì đất đã bị thay đổi vĩnh viễn, Việc dỡ bỏ các công trình ngầm không dễ dàng như đối với các công trình trên mặt đất.

   - Các vấn đề an toàn sinh mạng cho cong người như thông hơi, chiếu sáng, chống ngập, thoát nước, cấp nước, phòng chống cháy nổ, khí độc…

   - Những tác động tới môi trường trong quá trình xây dựng, khai thác, vận hành và những sự cố công trình hay sự cố môi trường có thể xảy ra là những thách thức không nhỏ.

   - Đòi hỏi tính kỹ thuật, công nghệ, trình độ và năng lực chuyên nghiệp cao.

   - Đòi hỏi một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến quy hoạch, quản lý xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu và bảo trì công trình ngầm trong đô thị và các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng công trình ngầm.

   Kinh nghiệm và bài học trong xây dựng ở các đô thị lớn trên thế giới đều hướng tới việc tìm cách khai thác triệt để không gian ngầm với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm, đặc biệt ở Việt Nam hầu hết các đô thị cũ đang trong quá trình cải tạo, công tác quản lý còn nhiều yếu kém, việc lựa chọn công trình nào để xây dựng ngầm và ở đâu, quy mô ra sao phải được cân nhắc và thận trọng.

 

   2. Các loại công trình ngầm và quản lý việc xây dựng các công trình tại các đô thị Việt Nam.

   Theo Luật Quy hoạch đô thị thì không gian ngầm là không gian dưới mặt đất được quy hoạch để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.

   Theo nghị định 41/2007/NĐ-CP thì công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới đất tại đô thị. Qua nghiên cứu và trong thực tế triển khai thì công trình ngầm trong đô thị có thể phân thành các nhóm công trình sau:

   a) Công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm các công trình đường ống, cấp nước/thoát nước, cấp nhiệt, khí và công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc, cáp quang…

   b) Công trình giao thông ngầm đô thị bao gồm: Hầm giao thông (hầm đường ô tô, hầm đường sắt đô thị - tàu điện ngầm, hầm cho người đi bộ), nhà ga, bến, bãi đỗ xe, các công trình phục vụ giao thông khác có liên quan.

   c) Công trình công cộng ngầm (tổ hợp công trình ngầm đa năng) bao gồm các công trình văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ, văn phòng có thể kết hợp bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm với các dịch vụ này…

   d) Phần ngầm của các công trình xây dựng

   Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm:

   Các đường dây, đường ống ngầm thường được đặt sâu dưới đất không quá 3m và bố trí riêng rẽ với độ sâu khác nhau. Các đô thị cũ không bố trí các đường dây, đường ống trong hộp kỹ thuật hoặc tuynen. Mỗi công trình (cấp nước, điện, thông tin…) được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau – và hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Các khu đô thị mới hoặc đô thị mới đã quan tâm đến bố trí các loại công trình này dưới đất nhưng hầu như không tập trung trong các hộp kỹ thuật mà phần lớn vẫn bố trí riêng rẽ. Hiện nay Hà Nội đang thực hiện dự án hạ ngầm đường dây thông tin, cáp điện ở một số tuyến phố chính với chi phí rất lớn. Tuy nhiên đây chỉ là một giải pháp tình thế bởi vì đơn giản là chôn xuống đất trong một ống gọi là ống cống hay bể ngầm để mừng 1000 năm Thăng Long… chứ không thực hiện bài bản là xây hộp kỹ thuật lắp đặt đồng bộ toàn bộ các đường dây này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều tuyến cáp điện bố trí ngầm song mới chỉ đơn ngành quản lý và sử dụng chưa mang tính đa ngành… Thực trạng bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật như trên đã, đang và vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai thi công, xây dựng và cải tạo nhiều công trình đặc biệt là các công trình giao thông tại các đô thị và hiện tượng đào lên rồi lấp xuống vẫn sẽ diễn ra.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1: Bố trí đường dây, đường ống riêng rẽ dưới đường phố

 

  Công trình giao thông ngầm:

   Hầm cho người đi bộ đã được xây dựng tại Hà Nội tuy nhiên với đảm nhận chức năng giao thông là chính chưa gắn nhiều với mục đích sử dụng công cộng, mặt khác chế tài xử lý người đi bộ qua đường ở những nơi đã có hầm cho người đi bộ chưa nghiêm nên việc sử dụng, khai thác các hầm này còn nhiều hạn chế - không an toàn, an ninh và hầm vắng khách. Hầm đường ôtô trong đô thị mới được xây dựng ở Hà Nội tại trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đang hoạt động, hầm tại nút giao Kim Liên – Đại Cồ Việt… mới thông xe kỹ thuật tuy nhiên nhiều công trình đi kèm vẫn còn đang thi công và thời gian thi công lại kéo quá dài ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại khu vực này. Hiện nay Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang lập dự án xây dựng tàu điện ngầm xong tiến độ triển khai quá chậm. Mặt khác cũng tại 2 thành phố này đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên do chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn hoặc không lường hết được các trở ngại có thể xảy ra nên lúc cho phép đầu tư xây dựng lúc thu hồi giấy phép lại gây nản lòng các nhà đầu tư.

Hình 2: Hầm đường bộ tại Ngã tư Kim Liên – Đại Cồ Việt

   Phần ngầm của công trình xây dựng: Hiện nay hầu hết các nhà cao tầng đều xây dựng các tầng hầm và cũng nhiều tòa nhà này có chiều sâu móng lên tới 50-60m. Tuy nhiên việc quản lý đồng bộ chưa được thực hiện mà mới chỉ quản theo hồ sơ đơn chiếc cùng với giấy phép xây dựng. Việc tổng hợp mang tính hệ thống các phần ngầm này cần phải được thực hiện trên bản đồ để thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện cho phép xây dựng tiếp theo. Trong thời gian vừa qua, nhiều quy hoạch chi tiết một tuyến phố hay một khu vực được phê duyệt và công bố nhưng bản đồ hiện trạng xây dựng kiến trúc và giao thông hoặc sử dụng đất chưa làm rõ được công trình xây dựng có tầng hầm mà ở trên bản đồ này phải thể hiện quy mô, vị trí phần ngầm cùng với chiều sâu móng, số tầng hầm đã xây dựng…

   3. Quy hoạch không gian ngầm để xây dựng công trình trong đô thị

   Quy hoạch không gian ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch không gian ngầm. Xây dựng các công trình ngầm trong đô thị cần phải tiến hành một cách tổng thể và có quy hoạch đảm bảo sự khớp nối giữa công trình trên mặt đất và dưới mặt đất thành một thể thống nhất.

   Trong quy hoạch xây dựng đô thị các phương án về cơ cấu của đô thị, tổ chức phân khu chức năng chính cần phải kết hợp xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm (vùng chức năng không gian ngầm) và hướng sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại trung tâm chính đô thị và các khu vực, các vùng dân cư tập trung và dọc các trục đường phố chính cấp đô thị.

   Quy hoạch không gian ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, vị thế và giá trị của công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có ở dưới… để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.

   Quy hoạch không gian ngầm bao gồm những nội dung cơ bản như sau

   a) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn;  hiện trạng về xây dựng công trình; công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

   b) Phân tích, đánh giá về quy hoạch xây dựng và tình hình xây dựng theo quy hoạch.

   c) Trên cơ sở định hướng phát triển của đô thị cũng như dự kiến các vị trí, phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm.

   d) Dự kiến các khu vực xây dựng các công trình ngầm cũng như đề xuất các giải pháp khớp nối giữa chúng với nhau theo chiều đứng, chiều ngang và cới các công trình trên mặt đất (bố trí công trình đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, các đầu mối giao thông, các công trình công cộng ngầm).

   e) Dự kiến các hạng mục ưu tiên và các nguồn lực để thực hiện.

   Tuy nhiên trong quy hoạch xây dựng đô thị thì nội dung của giai đoạn quy hoạch chung khác với quy hoạch chi tiết, do vậy trong quy hoạch chung cần làm rõ:

   - Trên cơ sở phân vùng chức năng trên mặt đất cần kết hợp sự kiến phân vùng chức năng để xây dựng công trình ngầm; khu vực xây dựng cao tầng; các khu vực công cộng kết hợp ngầm… (phạm vi, ranh giới, quy mô, chiều sâu…).

   - Quy hoạch hệ thống giao thông trên mặt đất cần kết hợp bố trí các tuyến tàu điện ngầm dưới các tuyến phố chính cấp đô thị với các ga tàu điện ngầm; bãi đỗ xe.

   - Các công trình hạ tầng kỹ thuật cần bố trí trong các hào hoặc tuynen trên các trục chính đến cấp khu vực.

   - Xác định vị trí các đầu mối chính về công trình ngầm.

   Đối với quy hoạch chi tiết đòi hỏi kỹ hơn bao gồm:

   - Đánh giá hiện trạng để lập bản đồ hiện trạng: Trong bản đồ này không chỉ thể hiện các công trình trên mặt đất mà phải thể hiện hiện trạng các công trình xây dựng dưới mặt đất: vị trí, quy mô các công trình kiến trúc có sử dụng không gian ngầm (phạm vi ranh giới, quy mô tầng hầm, chiều sâu công trình…); vị trí quy mô các công trình đứng độc lập; các công trình đường dây, đường ống: độ sâu chôn ống, khoảng cách đến các công trình, các đầu mối chính.

   - Trong các giải pháp thiết kế cần xác định rõ các khu vực dự kiến xây dựng mới, cải tạo các công trình có tầng hầm; các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm (Ga, bãi đỗ xe, các công trình ngầm đa năng, hầm cho người đi bộ, hầm đường ô tô, tuyến tàu điện ngầm và các tuyến hạ tầng kỹ thuật – bố trí trong các hộp kỹ thuật hoặc tuynen…). Cần mô tả mặt cắt đứng sử dụng không gian ngầm.

   4. Quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm và các vấn đề khác có liên quan

   Các nước Tây Âu không có khái niệm sử dụng đất mà là sở hữu đất, nhiều văn bản quy phạm pháp luật họ có quy định cụ thể. Pháp: quyền sở hữu đất bao gồm cả trên mặt đất và dưới mặt đất. Tại Thụy Sỹ: Quyền sở hữu đất bao gồm cả trên không và dưới lòng đất nếu việc sử dụng mảnh đất có lợi. Tại Canada hay Nhật Bản: Quyền sở hữu đất đi cùng với quyền sở hữu những thứ tồn tại trên và dưới mặt đất.

   Theo Luật Đất Đai Việt Nam năm 2003 có quy định người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất… Bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất theo các quy định khác của pháp luật. Các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất không có quy định về sử dụng không gian dưới đất. Cho đến nay đa số các quy định mới chỉ điều chỉnh những hoạt động trên mặt đất là chủ yếu. Những vấn đề đặt ra là:

   - Quyền sử dụng dưới đất đến đâu, quan hệ giữa người sử dụng trên mặt đất và quyền sử dụng dưới mặt đất như thế nào? Khi xây dựng công trình ngầm có liên quan đến đất đã được cấp quyền sử dụng thì trách nhiệm bên sử dụng va bên có công trình như thế nào? Sử dụng đất – không gian dưới đất lựa chọn theo hình thức nào? (Giao đất, thuê đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) ?

   - Quyền sở hữu công trình ngầm liên quan đến giấy tờ quyền sử dụng đất?

   - Các quy định có liên quan đến hành lang bảo vệ công trình ngầm? Chỉ giới xây dựng ngầm, chỉ giới xây dựng trên mặt đất hay ranh giới thửa đất trên mặt đất và dưới mặt đất… được quy định như thế nào?

   - Xây dựng tuynen, hào kỹ thuật: Ai xây dựng, quyền lợi của họ như thế nào?  Các bên tham gia sử dụng, khai thác phải có trách nhiệm gì (phí hạ tầng, phí sử dụng chung…)

   5. Kết luận

   Quá trình xây dựng và phát triển đô thị trên thế giới đều quan tâm đến sử dụng không gian ngầm. Việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm là như cầu thực tế của các đô thị Việt Nam. Theo tư duy mới thì một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị với hệ thống văn phòng, công sở, cửa hàng… Hệ thống giao thông huyết mạch nằm toàn bộ dưới lòng đất trả lại mặt bằng trên là các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi giải trí.

Nguồn tin: PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kĩ thuật