0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Thách thức phát triển đô thị ở Hà Nội
Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) rất tự hào tham dự hội nghị Hà Nội Thiên Niên Kỷ này, hội nghị kỷ niệm 1000 năm lịch sử và phát triển của Hà Nội, diễn ra vào ngày 12-13 tháng 10 năm 2010. Sự kiện thu hút rất nhiều chuyên gia cùng tới để chào mừng Hà Nội 1000 năm này là một sáng kiến quan trọng giúp nhìn lại những kinh nghiệm trước đây để đánh giá quá trình đô thị hóa của Hà Nội và cùng xác định những hướng đi cho tương lai với nhiệt tình mới.

1. GIỚI THIỆU

Như quý vị đều biết, dân số ở châu Á chiếm 60% dân số của nhân loại. Các thành phố châu Á hơn nữa là nhà của gần một nửa dân số đô thị trên thế giới. Báo cáo “Tình trạng Các thành phố châu Á năm 2010” được công bố gần đây  cho thấy tốc độ đô thị hóa tại châu Á vào năm 2010 ở mức 42.2%, và với tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, châu Á được kì vọng sẽ trở thành “đô thị”, với hơn 50% dân số sống ở các thành phố vào năm 2025. Bản thân Việt Nam đã có 30,4% đô thị (27 triệu người dân đô thị trong tổng số 89 triệu dân) và sẽ đạt 50% đô thị trước năm 2040. Cùng với những thay đổi nhân khẩu học đáng kể này,  Châu Á cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy – Châu Á thực ra đang trở thành một ngôi nhà cường quốc kinh tế trên thế giới và đã khá thành công khi đương đầu với những cú đánh trời giáng của suy thoái kinh tế toàn cầu kể  từ năm 2008. Báo cáo “Tình trạng Các thành phố châu Á năm 2010” gần đây cũng cho thấy 80% tỉ trọng tăng trưởng kinh tế trong khu vực là từ các thành phố và thị trấn. Tôi đã thường xuyên đến thăm Châu Á kể từ năm 1975 và đã tận mắt chứng kiến sự phát triển này.

Khu vực châu Á cũng đang trải qua những cải cách to lớn và đang đưa ra những đổi mới rõ rệt trong tài chính, cung cấp dịch vụ, quản lý và công nghệ liên quan tới nhà ở và phát triển đô thị. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với những thách thức của nghèo đói, khu ổ chuột, ô nhiễm môi trường đô thị và biến đổi khi hậu trong đó, thiên tai ngày càng diễn ra thường xuyên và tác động nghiêm trọng hơn. Báo cáo “Tình trạng các thành phố châu Á năm 2010” nhấn mạnh, khoảng 240 triệu người vẫn đang sống ở khu vực duyên hải, 10m thấp hơn mực nước biển.

Những thách thức về nhà ở và phát triển đô thị, theo nghĩa rộng, có liên hệ quan trọng tới những diễn biến năng động tích cực đang giúp khu vực châu Á phát triển, và cùng lúc liên hệ tới những yếu kém dễ gây bất ổn vẫn còn phổ biến trong khu vực.  

Các chủ đề được quan tâm ở hội nghị lần này có phạm vi vượt ra ngoài những khía cạnh ngành nhất định trong lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị. Các chủ đề được kết nối chủ yếu với chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu cuối cùng. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần xem xét lại vai trò của chính phủ, của cộng đồng và các tổ chức dân sự trong hoạch định và quản trị, cũng như thảo luận cách nâng cấp các khu ổ chuột với sự tham gia của cộng đồng địa phương, những tiến bộ đạt được trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ về nước và điều kiện vệ sinh trong khu vực, hay các cách thức huy động tài chính, công và tư, cho nhà ở và phát triển đô thị, cũng như cách mà cộng đồng địa phương có thể đóng góp để giải quyết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và việc xác định những tiến bộ đạt được sẽ là những nỗ lực cụ thể nhằm tạo nên sự khác biệt cho điều kiện sống của người dân Hà Nội.

Tôi sẽ trình bày trong phần đầu những thách thức chung của các thành phố Châu Á, sau đó là những thách thức cụ thể của Hà Nội và tôi sẽ kết thúc bài trình bày với phần khái quát về dân số của tiến trình đô thị hóa tại Châu Á.
 

2. NHỮNG THÁCH THỨC ĐÔ THỊ HÓA TẠI CHÂU Á

Để bắt đầu, tôi muốn nêu lên năm vấn đề để chúng ta cùng xem xét. Những vấn đề này xảy ra ở rất nhiều nước Châu Á.

Vấn đề đầu tiên là huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc quy hoạch và quản trị. Các nước châu Á đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phân quyền. Kết quả của quá trình này là việc trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng như một phần trong hệ thống tham gia chính quy vào quản trị. Sự tham gia trực tiếp của cộng đồng đã mang lại lợi ích cho việc triển khai chương trình và dự án – điều này sau đó đã góp phần hình thành nền tảng kiến thức phong phú. Tuy nhiên ở nhiều nước, quy hoạch tổng thể dường như vẫn mang tính thay đổi, giao việc ra quyết định cho một nhóm ít các chuyên gia, và thường cản trở sự tham gia có lợi của cộng đồng vào công tác quy hoạch và quản trị. Một số câu hỏi có thể được đặt ra như: Các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức dựa trên cộng đồng đóng vai trò gì trong quy hoạch đô thị và quản trị thành phố? Làm cách nào để tận dụng tối ưu nguồn tri thức có được khi cải thiện quá trình phát triển đô thị? Làm cách nào để nâng cao năng lực các cơ quan quy hoạch để hoạch định và quản lý tốt hơn? Chia sẻ kinh nghiệm về sự tham gia của các bên liên quan ở các cấp độ quy hoạch và quản trị là rất cần thiết.

Vấn đề thứ hai có liên quan là việc nâng cấp đô thị có sự tham gia, một trong những lĩnh vực trọng tâm của Chương trình định cư con người LHQ (UN-HABITAT). Mặc dù các chính phủ đã có những nỗ lực và thành tựu nhất định trong việc cải tạo khu ổ chuột, 50% số người sống trong khu ổ chuột trên toàn cầu vẫn nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kinh nghiệm từ nhiều nước trong khu vực cho thấy những người sống tại các khu ổ chuột đóng góp cho việc nâng cấp đô thị cũng như sự phát triển của khu vực phi chính thức nếu họ được tham gia một cách có hệ thống vào quá trình này.  Chính quyền các nước và tại địa phương, các tổ chức khu vực cũng như UN-HABITAT đã và đang giải quyết vấn đề này, và quá trình học hỏi tích lũy này góp phần tạo nên  “Quy trình phát triển dựa vào người dân”. Cách tiếp cận này đã được thử nghiệm và thực hiện, bao gồm các tổ chức cộng đồng, việc lập kế hoạch hành động cộng đồng, cộng đồng đứng ra ký kết hợp đồng, tiết kiệm và tín dụng tại cộng đồng, và cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát. Mặc dù các chính quyền địa phương là nơi tốt nhất để thực hiện quy hoạch đô thị một cách thích hợp, các thế mạnh, tài nguyên và kỹ năng của các cộng đồng địa phương cần được huy động trong quá trình cải tạo nâng cấp các khu ổ chuột, chuyển từ những can thiệp theo dự án lên những can thiệp áp dụng tại cấp thành phố. Làm thế nào để hỗ trợ sự phát triển có sự tham gia của khu vực phi chính thức bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ? Làm thế nào để tăng cường vai trò của phụ nữ và các tổ chức dựa trên cộng đồng trong quá trình nâng cấp các khu ổ chuột?  Làm thế nào để phát huy các chính sách và các chương trình lấy nhân dân và cộng đồng làm cơ sở? Làm thế nào để việc nâng cấp các khu nhà tạm theo cách tiếp cận Phát triển dựa vào người dân và hài hòa với các cách tiếp cận áp dụng trong toàn thành phố? Hướng tiếp cận tài chính nào cho việc nâng cấp khu ổ chuột sẽ hiệu quả với những người có thu nhập thấp, và làm thế nào để tăng cường năng lực cho các bên tham gia? Làm thế nào để xây dựng một chính sách toàn diện về đất và nhà ở? Nâng cấp đô thị là một thách thức rất lớn trong khu vực châu Á. Vì thế những thành công và khó khăn cần được thảo luận ở cấp độ khu vực để vượt qua thách thức này một cách có hệ thống.

Vấn đề thứ ba là về việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ về nước sạch và vệ sinh. Như đã từng đề cập, “nước là sự sống, điều kiện vệ sinh là phẩm giá”. Tin tốt là hầu hết các nước ở châu Á đang đi đúng tiến độ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ về nước uống an toàn. Nhưng tin xấu là điều kiện vệ sinh vẫn là một thách thức lớn vì 1,9 tỷ người trong khu vực châu Á vẫn chưa tiếp cận được với điều kiện vệ sinh được cải thiện. Hơn nữa, số người ở các khu vực đô thị với điều kiện vệ sinh không được cải thiện đang ngày một tăng lên, đòi hỏi phải có những giải pháp vệ sinh dựa trên cộng động và phù hợp với địa phương. Những kinh nghiệm tốt trong quy hoạch hệ thống cấp nước, thu gom và xử lý nước thải là gì? Chúng ta có thể làm gì để tối ưu hóa việc quản lý hệ thống nước và nước thải và cải cách khu vực công? Hướng tiếp cận tài chính nào có thể giúp huy động nguồn lực để mở rộng cơ sở hạ tầng nước và nước thải? Làm thế nào để tăng cường vai trò của cộng đồng tại địa phương trong việc quản lý nước và nước thải ở cấp độ các khu vực lân cận? Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của các thành phố khác trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ về nước sạch và vệ sinh tại Hà Nội. 

Vấn đề thứ tư là các nguồn lực, các nguồn tài chính cho phát triển đô thị và phát triển nhà ở bền vững. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở đã không theo kịp nhu cầu ngày một tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhu cầu nhà ở và đất đã vượt xa nguồn cung tại các thành phố đang tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á – Thái Bình Dương. Như chúng ta đều biết, vấn đề “các thành phố giàu có và các chính quyền địa phương nghèo” cho thấy cần tiếp tục phân quyền hơn nữa cho các thành phố nhằm huy động các nguồn lực tài chính.

Trong khi một số nước châu Á chú trọng phát triển các hệ thống tài chính nhà ở một cách nghiêm túc trong những năm gần đây, một số nước khác tập trung vào hỗ trợ thể chế tài chính vi mô. Đất đai là nguồn tài nguyên tiềm năng và việc khai thác giá trị kinh tế của đất đai mở ra nguồn vốn tuyệt vời cho việc phát triển đô thị. Ngoài việc học hỏi những bài học kinh nghiệm từ suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta cần hiểu rõ hơn về cơ cấu năng động của đất đô thị để phát triển thị trường đất đô thị ở Việt Nam như thế nào? Làm thế nào để chính quyền ở cấp quốc gia và địa phương có thể hỗ trợ khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình? Có những công cụ tài chính nào phục vụ cho việc phát triển đô thị bao gồm cơ sở hạ tầng? Làm thế nào để sử dụng tốt hơn quan hệ đối tác công-tư cho phát triển đô thị? Đây là một thách thức hết sức khó khăn mà chúng tôi hy vọng sẽ được lắng nghe quan điểm và kinh nghiệm của các bạn.

Vấn đề cuối cùng là về vai trò của các bên tham gia khác nhau trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hướng to lớn tới quá trình phát triển đô thị tương lai của khu vực châu Á. Các thành phố ven biển sẽ bị ảnh hưởng không chỉ bởi mực nước biển dâng cao mà còn từ những ảnh hưởng khí hậu nghiêm trọng khác như lũ lụt và bão. Các quốc gia đảo nhỏ, như Man-đi-vơ, Sri Lanka hay các đảo Thái bình dương có những nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể. Kinh nghiệm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy nhiều phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được áp dụng. Chúng ta cần hiểu rõ vai trò của cộng đồng địa phương trong việc xây dựng những điểm định cư có khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu nằm trong quy hoạch phát triển, thiết kế và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để chúng ta có thể tăng cường vai trò cộng đồng trong việc giải quyết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dựa trên kiến thức dân gian, tài sản và kỹ năng của cộng đồng? Cần phải tăng cường khả năng ứng phó tại cộng đồng thông qua những cải thiện trong giáo dục đào tạo và văn hóa công cộng nhằm xây dựng các cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Nên bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để mở rộng? Khu vực châu Á có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tái xây dựng sau thiên tai – làm thế nào để áp dụng cách tiếp cận tái xây dựng chủ động tại cộng đồng, như cách tiếp cận có sự tham gia của người dân, trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu trong đó lượng lũ lụt ngày một gia tăng. Một lần nữa, chúng ta cần khuyến khích sự chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này.


3. NHỮNG THÁCH THỨC CỤ THỂ CỦA HÀ NỘI

Qua 10 thế kỉ, lịch sử Hà Nôi luôn gắn liền với quá trình đô thị hóa. Thành cổ Hà Nội, khu phố cố, khu phố Pháp được xem như trung tâm lịch sử, văn hóa và hành chính của thành phố. Thành phố có khoảng 50,000 người vào năm 1902 khi là thủ đô của thuộc địa Đông Dương và có khoảng hơn 800,000 người vào năm 1975 khi cuộc chiến giành độc lập kết thúc. Kể từ cải cách kinh tế vào năm 1986, dân số thành phố đã tăng đáng kể khoảng 3% mỗi năm và đạt 2,8 triệu người vào năm 2010 theo Dự báo Đô thị Hóa trên thế giới của Liên Hợp Quốc. Việc mở rộng biên giới hành chính của thành phố vào năm 2008 đã làm tăng gấp đôi dân số lên gần 6,4 triệu người.  Tuy nhiên thành phố Hà Nội chỉ đứng thứ 62 trong các thành phố ở Châu Á về quy mô dân số và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tiếp theo.


 

Việc ra đời của chính sách Đổi Mới vào năm 1989 cũng là một bước ngoặt lớn trong quá trình thay đổi của Hà Nội. Với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 10% mỗi năm, GDP của Hà Nôi tăng 11,2 lần trong giai đoạn 1985-2000 và bình quân GDP trên đầu người hiện nay của Hà Nội đã đạt $1700.  Tỉ lệ đói nghèo tại Hà Nội đã giảm rõ rệt từ 62,7% vào năm 1993 xuống 16,1% vào năm 2005 và mục tiêu đặt ra cho năm 2010 là giảm xuống còn 5%.  

Mức tăng trưởng rõ rệt của đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tại Hà Nội và trong khu vực, vai trò mới của khu vực kinh tế địa phương ngoài quốc doanh, và việc tự do hóa thương mại và dịch vụ đã góp phần làm thay đổi cấu trúc của thành phố. Đã có nhiều thay đổi sâu sắc về xây dựng và phân phối nhà ở, với việc bùng nổ nhà ở tự xây trong thành phố và việc xuất hiện của các khu đô thị mới. Chỉ riêng trong năm 2009, tổng diện tích nhà ở xây mới là gần 2,3 triệu m2. Các dự án phát triển được tài trợ đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản của thành phố như mạng lưới đường xá, hệ thống cấp và thoát nước, và vệ sinh. Tỉ lệ chi tiêu ngân sách cho phúc lợi xã hội về giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội cũng tăng rõ rệt. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội đang phải đối mặt với vô số khó khăn, ảnh hưởng từ sự bùng nổ dân số đô thị, lưu thông chủ yếu bằng xe máy, hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công quá tải, sự xuống cấp của môi trường, và những tác động từ nền kinh tế liên tục tăng trưởng và hội nhập toàn cầu, và những thách thức này có thể đe dọa sự phát triển bền vững trên những khía cạnh khác nhau:

Phát triển kinh tế: thành phố đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế với lực lượng lao động có tay nghề thấp và sản phẩm có giá trị thấp. Theo những điều tra gần đây, có sự bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các khu vực khác nhau của thành phố.

Phát triển xã hội: Sự thiếu hụt trong nguồn cung nhà ở với các dự án nhà ở mới tập trung chủ yếu vào nhóm cư dân có thu nhập cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị và  cung cấp dịch vụ công còn nghèo nàn và thiếu hụt, bao gồm hệ thống giao thông và thoát nước quá tải cũng như các phương tiện y tế và giáo dục quá tải. 

Môi trường: Môi trường ô nhiễm và xuống cấp đã trở nên nghiêm trọng bởi quá trình đô thị hóa tự phát, bùng nổ lưu thông bằng xe máy và việc khai thác tài nguyên nhanh. Hệ thống giao thông công cộng yếu kém đã daanxx đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và xã hội.

Quy hoạch đô thị: Quy hoạch đô thị cho đến nay không theo kịp với việc mở rộng đô thị. Kiến trúc đô thị và di sản văn hóa không được quan tâm đúng mức dẫn tới việc phá hủy và mất đi các kiến trúc truyền thống và các di sản quan trọng, bao gồm sự xuống cấp của cây cầu di sản nổi tiếng thế giới Long Biên. Quy hoạch sử dụng đất không hiệu quả tạo điều kiện cho tệ đầu cơ gia tăng.

Quản trị địa phương: Đánh giá các chương trình đầu tư công chưa dựa trên các tiêu chí xem xét đến các hậu quả kinh tế, xã hội, tài chính và môi trường. Vẫn còn thiếu cơ chế huy động vốn cho phát triển đô thị. Hơn nữa, vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng, kiến thức và nhận thức về quản lý đô thị của các cơ quan địa phương, đặc biệt là ở cấp quận và phường. Sự điều phối giữa các cơ quan nhà nước vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chào đón kỷ niệm Hà Nội 1000 năm, chúng tôi hoan nghênh nỗ lực hoàn thiện Quy hoạch tổng thể cho thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Nỗ lực mang tầm nhìn dài hạn này là rất cần thiết để quy hoạch và quản lý những thay đổi diễn ra trong thành phố xinh đẹp này.

Thách thức lớn nhất là xác định được tầm nhìn cho công cuộc phát triển bền vững cho tất cả mọi người, theo đó Hà Nội trở thành một hiện thực tích cực cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị. Vì quá trình đô thị hóa sẽ tiếp diễn, trong tương lại, Hà Nôi cần hoạt động hiệu quả hơn trên cương vị thủ đô của đất nước, và là động lực phát triển vùng và quốc gia. Những thách thức to lớn mà Quy hoạch này cần chỉ ra bao gồm:

•    Làm thế nào để tăng chỉ số cạnh tranh không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ vùng (Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội năm 2009 là rất thấp – đứng thứ 33 trong 63 thành phố và tỉnh)
•    Khuyến khích phát triển phía bên kia sông Hồng and theo hành lang Hà Nội – Hải Phòng
•    Cung cấp nhà ở với giá mà người dân có thể tiếp cận được cho khoảng 10 triệu dân trong vùng vào năm 2030
•    Cung cấp cơ sở  hạ tầng và dịch vụ đô thị, bao gồm hệ thống giao thông hoạt động hiệu quả, hệ thống cấp nước, vệ sinh, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, giáo dục và y tế
•    Giảm nhẹ các tác động của thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt lên người nghèo đô thị và các nhóm dễ bị tổn thương và thực hiện những chiến lược thích ứng thích hợp.

Các nhà quy hoạch cho thành phố Hà Nội một mặt cần tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tính cạnh tranh của thành phố. Mặt khác, cần bảo vệ di sản thiên nhiên và môi trường kiến trúc. Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất lý thú.
 

4. THÔNG TIN THỐNG KÊ

Tôi muốn các nhà lập chính sách chú ý đến một vài số liệu trích từ cuốn “Viễn cảnh đô thị hóa thế giới: Nhìn lại năm 2009”. Đây là những dữ liệu thống kê chính thức về đô thị hóa, do đồng nghiệp của chúng tôi ở Ban Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với các Cục thống kê trên thế giới chuẩn bị và cập nhật. Tôi đã tổng hợp chúng vào một vài bảng biểu để chỉ ra quy mô của quá trình đô thị hóa trong khu vực cũng như những dự báo đến năm 2050.

Như đã được trình bày trong báo cáo “Tình trạng Các thành phố thế giới”, đô thị hóa là một hiện tượng tích cực và tiến bộ  chứa đựng cả các cơ hội và những thách thức. Vai trò của các nhà lập chính sách là giải quyết các thách thức và tận dụng các cơ hội. Vì mục tiêu này, họ cần nắm rõ tình trạng các thành phố và thị trấn, cả về chất lượng lẫn số lượng. Do đó tôi tin rằng những con số sau đây có thể cung cấp những thông tin nền hữu ích cho các chuyên gia chịu trách nhiệm quy hoạch cho sự phát triển tương lai của Hà Nội.

Nhìn qua các số liệu về tăng trưởng đô thị này, Hội nghị Hà Nội Thiên Niên Kỷ diễn ra rất đúng lúc. Tại UN-HABITAT, chúng tôi đang triển khai kế hoạch thể chế và chiến lược trung hạn với mục tiêu bao trùm là thúc đẩy đô thị hóa bền vững và chúng tôi đang phát động Chiến dịch Đô thị Thế giới đầy tham vọng, được điều hành bởi Giám đốc mới của chúng tôi, ông Joan Clos. Mục tiêu là để đưa ra những thay đổi trên thực tế, vì lợi ích người dân ở tất cả thành phố và thị trấn, theo đó, những khía cạnh quan trọng về đất đai, nhà ở, sinh kế và các dịch vụ được đảm bảo và tiếp cận được. Hà Nội giàu truyền thống lịch sử và những kinh nghiệm gần đây của thành phố là rất đáng khuyến khích, không chỉ cho khu vực Đông Nam Á mà còn cho cả toàn bộ các nước đang phát triển.

Là một thành viên Liên Hợp Quốc, chúng tôi cam kết sẽ làm việc với chính phủ để hỗ trợ xây dựng năng lực thể chế cần thiết ở tất cả các cấp. Các chính phủ sẽ phải ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt các các thiên tai khác, tiến hành giảm đói nghèo, bất bình đẳng, và cải thiện môi trường sống hiện tại và cho các thế hệ tương lai. Thảo luận của quý vị tại hội nghị này sẽ giúp các nhà chức trách ở Việt Nam tìm ra một hướng đi khả thi để đạt được mục tiêu chung đó.

DANIEL BIAU, Giám đốc Ban Hợp tác khu vực và hợp tác kỹ thuật Chương trình Định cư Con người của LHQ (UN-Habitat)

Nguồn tin: ashui.com