0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đẩy mạnh các bước đầu tư cảng hàng không Quốc tế Long Thành
Theo báo cáo đầu tư Dự án xây dựng CHKQT Long Thành do TCty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư lập, chi phí xây dựng đầy đủ Cảng HKQT mới tại Long Thành vào khoảng 7,8 tỷ USD. Giai đoạn 1 ước tính sẽ đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD. Dự án này sẽ được trình quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5 tới
 

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành được Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.

Theo Bộ GTVT, sau khi Hội đồng Thẩm định họp phiên thứ nhất, chủ đầu tư dự án - TCty Cảng hàng không Việt Nam đã có văn bản giải trình nên cần sớm trình Quốc hội để đảm bảo tiến độ triển khai công trình.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Cảng hàng không Long Thành có vị trí quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Năm 2014, cảng hàng không lớn nhất Tân Sơn Nhất, năng lực thông qua khoảng 20 triệu, đang phấn đấu hoàn thành năng lực theo quy hoạch trong 1,2 năm tới. Khi nhìn ra thế giới, đã xây dựng những cảng 160 triệu. Trong khu vực, những trung tâm đều từ 60-80-100.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đánh giá báo cáo đầu tư của dự án này ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, có phương pháp luật rõ ràng.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn quan trọng quyết định chủ trương đầu tư, nên Chủ tịch hội đồng thẩm định đề nghị báo cáo đầu tư dự án cần phân tích kỹ hơn, nhất là về quy mô dự án.

Làm rõ phương án kết hợp khai thác giữa Long Thành và Tân Sơn Nhất trong từng giai đoạn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phần hóa TCty Cảng hàng không Việt Nam để dùng vốn đó làm đối ứng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn đầu là 7 tỷ USD.

Phân tích về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Quy hoạch đến 2020, công suất cảng Tân Sơn Nhất là 20 triệu hành khách mà đến năm vừa rồi đã đạt 21 triệu hành khách. Vì thế, nhu cầu đầu tư cảng quốc tế Long Thành rất cần thiết và gấp rút.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện giai đoạn đầu của dự án sân bay Long Thành đang cần 7 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn đối ứng của TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, số tiền này được đánh giá là khó huy động nếu không cổ phần hóa TCty này. TCty Cảng hàng không Việt Nam trực tiếp khai thác 22 Cảng hàng không, bao gồm 8 cảng hàng không Quốc tế và 14 cảng hàng không địa phương.

Theo đó, bài toán huy động vốn cho dự án này được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nhìn nhận từ quá trình cổ phần hóa 10 TCty 90 đã được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng thành công: Bộ GTVT sẽ cố gắng giải quyết các đơn vị còn lại, sẽ cổ phần hóa, huy động nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao giá trị cổ phần và tháng 3 vừa rồi thì nhiều doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng thành công.

Đầu quý II thì 10 TCty này sẽ bước sang mô hình mới là mô hình cổ phần. Còn TCty hàng không Việt Nam sẽ được cổ phần hóa trong tháng 9. Bộ GTVT quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2014 sẽ cơ bản giải quyết các đơn vị còn lại của ngành. Như vậy, đáp ứng tiến độ của Chính phủ đề ra về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng yêu cầu làm rõ tính khả thi của hệ thống giao thông kết nối với cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bởi tính kết nối đồng bộ là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và năng lực cạnh tranh của cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thống nhất ý kiến cần lập dự án riêng về công tác trên sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án này.

Thanh Huyền