0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Đô thị bị nung nóng

Các đô thị ngày càng bị hâm nóng hơn khi các hiện tượng thời tiết tiêu cực xảy ra

 

Việc phát triển quá độ, không kiểm soát của các đô thị đã đem lại những hệ quả không mong muốn. Đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và tương lai đô thị.

Dễ nhận thấy, các đô thị ngày càng bị hâm nóng hơn khi các hiện tượng thời tiết tiêu cực xảy ra. Điển hình là miền Bắc Việt Nam đang trong đợt nắng nóng đầu tiên, có nơi như Hà Nội, nhiệt độ ngoài trời đo được lên đến trên 400C.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, Hà Nội đang phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh. Bê tông hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khí cách mặt đất 100m đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn. Quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức. Trong khi đó, diện tích tuyệt đối và tỷ lệ cây xanh, vốn có chức năng hấp thụ cả khí CO2 lẫn hấp thu nhiệt, lại không được đảm bảo.

Trên 9 quận nội thành của Hà Nội có 45 nghìn cây xanh, nhưng lại tập trung ở 4 quận cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Điều đáng ngại là, mật độ dân số ở một vài quận rất lớn, diện tích bình quân chỉ đạt từ 26 - 31m2 người. Mật độ ấy thậm chí còn không đủ cho các hoạt động đi lại, ăn ở, huống chi tính đến việc trồng thêm cây xanh.

Cây xanh suy giảm, những nhà cao tầng đua nhau mọc lên khiến thời tiết diễn biến cực đoan. Theo cảnh báo của GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm KHCN khí tượng, thủy văn và môi trường), Hà Nội sẽ chịu "hiệu ứng đảo nhiệt", nhiệt độ khi đó sẽ cao hơn các vùng xung quanh, có thể đạt những kỷ lục mới cùng với sự kéo dài hơn của mùa nóng, sự gia tăng các đợt và số ngày nắng nóng. Cuộc sống của người dân ngày càng trở nên ngột ngạt, khó khăn.

Theo các nhà nghiên cứu, các TP hiện thải trung bình 20W nhiệt trên 1m2 và trong tương lai sẽ thải thêm 60W nữa. Kết quả: Người dân đô thị nói chung có thể phải chịu nhiều đêm nóng bức hơn. Đặc biệt, khi mà hiện tượng nắng nóng kéo dài, sẽ kéo theo hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, làm nhiệt độ trong các TP tăng lên, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ con người.

Khi các TP tại các nước đang phát triển mở rộng, nhiệt độ cũng tăng theo, gần như là không chịu nổi. Và tình hình đó cũng đang diễn ra tại các đô thị ở Việt Nam. Mà bằng chứng hiện hữu là các đô thị lớn đã trở thành những “chảo lửa” mỗi kỳ nắng nóng cao điểm đến.

 

Nguồn tin: Theo: baoxaydung.com.vn