0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Mô hình đô thị tương lai
Trong xu hướng toàn cầu hóa, trong tiến trình phát triển đô thị, phát triển các vùng đô thị lớn (VĐTL) tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, trong tiến trình phát triển đô thị, phát triển các vùng đô thị lớn (VĐTL) tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Điểm nút trong mạng lưới kinh tế toàn cầu

Các VĐTL giữ vị trí then chốt trong hoạt động kinh tế quốc gia, tạo thành một đơn vị kinh tế liên kết trực tiếp với các đơn vị khác trong và ngoài nước khác tạo thành một mạng lưới toàn cầu, được coi là một nút trong mạng lưới các dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn và thông tin toàn cầu, tạo nên những mạng lưới giao dịch có cường độ cao, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cuả các vùng đó rất cao, đồng thời cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội làm gia tăng sự chênh lệch trong từng quốc gia.


Paris - Pháp 

Thường ở các VĐTL thì không gian giao dịch phát triển tập trung nhất vào vốn, nhân lực xã hội và kinh tế, có cơ sở hạ tầng phát triển, vì vậy, VĐTL là môi trường thu hút vốn và cư dân cả trong nước cũng như ngoài nước.

Các VĐTL là những điểm nút trong mạng lưới kinh tế toàn cầu và không thể thiếu được trong nền kinh tế toàn cầu.

Những điểm nút như vậy có thể nằm trong những nước công nghiệp phát triển, cũng như bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới có kết nối toàn cầu đó chính là xu hướng tiến tới thành phố toàn cầu.

Trong quá trình hội nhập, không gian giao dịch thong qua các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp) thị trường lao động và di dân ngày càng gia tăng dần để phải mở rộng các đô thị thành VĐTL.

Thường thì VĐTL còn gọi là vùng đô thị mở rộng vươn ra dọc nhánh các đường cao tốc từ thành phố trung tâm tới 50km, có thể đi làm và về trong ngày (tổng kết của UN-ESCAP, 1993).

Nước ta đã có quy hoạch cho VĐTL của thủ đô Hà Nội và TPHCM. Do chưa có hệ thống quản lý điều hành nên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hiện đã có đề xuất thành lập hội đồng VĐTL bao gồm chủ  tịch UBND các tỉnh, thành trong vùng được đề cử luân phiên làm chủ tịch hội đồng, hoặc do phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Hội đồng có các ban chuyên trách, các ban này sẽ đề xuất các vấn đề để hội đồng vùng giải quyết.

Mô hình phát triển đô thị tương lai

Tương lai với làn sóng dân cư chuyển dịch vào đô thị ngày càng lớn trong khi đó quỹ đất đô thị lại có hạn thì mô hình phát triển thành phố phân tán như hiện nay, giá thành bỏ ra quá cao khó có thể chấp nhận được, tài nguyên đất có thể canh tác được nhanh chóng giảm bớt. Thiết kế đô thị như vậy không thỏa đáng về bản chất đó là một thứ lãng phí, đô thị sẽ rối ren.

  • Ảnh bên: Mô hình thành phố mới Bình Dương

Theo quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025 và Hà Nội đến năm 2030 dự báo dân số lên tới 10 triệu dân, tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội và TPHCM có thể đạt ngưỡng từ 15–20 triệu dân trong khi đó ranh giới hành chính khó có thể thay đổi!

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần có phương án thiết kế đô thị lên không trung , phát triển “chiều thẳng đứng” để giảm bớt áp lực đối với đất đai, nâng cao rõ rệt hiệu quả sử dụng đất, chiều cao trung bình có thể tăng lên 1,5-2 lần tùy theo sức chịu tải của nền đất. Tuy nhiên công trình cao song không nên lớn quá thì gánh nặng về mặt tài nguyên sẽ giảm nhẹ. Sử dụng tài nguyên tập trung xoay quanh trung tâm to lớn đô thị hóa sẽ dẫn đến chất lượng đầu tư được nâng cao.

Kỹ thuật sẽ làm cho cư dân thành phố lớn có được phương thức sống phát triển bền vững, sự phát triển “chiều thẳng đứng” làm cho thành phố có thể nâng cao tính thích hợp để sống, ăn uống làm việc, vui chơi nghỉ ngơi của cư dân đều ở trong cùng một công trình tương tự như trong một tiểu khu nhà ở.

Thiết kế kiến trúc kiểu cảm ứng, vật liệu xây dựng loại bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng có thể tái sinh và quản lý năng lượng thông minh sẽ khiến kiến trúc này mang một diện mạo mới mẻ.

Thậm chí cả nông nghiệp cũng cũng sẽ trở thành một bộ phận của thành phố lớn, trên mái và xung quanh kiến trúc có thể phát triển nông nghiệp chiều thẳng đứng (vertical farming).

Ngoài đô thị trung tâm của thành phố lớn phát triển “chiều thẳng đứng”kiểu bức xạ trung tâm, các đô thị vệ tinh thông qua các công cụ giao thông kết nối nhau sẽ hình thành chùm đô thị trong một VĐTL.

Trong tương lai sự thay đổi mau chóng của khoa học và công nghệ thì các khu công nghiệp đã lỗi thời sẽ được dời ra ngoại thành và các đô thị vệ tinh, đất đai các khu công nghiệp này chiếm dụng trước đây sẽ được quy hoạch lại cho các công trình thương nghiệp và xã hội sử dụng.

VĐTL trong đó có đô thị trung tâm và chùm đô thị xung quanh sẽ không dựa vào mô thức tăng trưởng kiểu đầu tư truyền thống trước đây mà sẽ đựa vào phát triển và tiêu dùng của ngành dịch vụ.

Do vùng đô thị lớn có nhiều vấn đề phức tạp hơn và có nhu cầu đa dạng hơn nên phải có phương thức quản lý khác. Các vấn đề như độ minh bạch, chức trách thực hiện trở nên cấp bách hơn và có ý nghĩa thực tế hơn. Chính quyền trung ương sẽ  trao quyền hạn và trách nhiệm cho VĐTL nhiều hơn.

Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng (IUSID)

Nguồn tin: Người đô thị