Ngày nay, tội phạm đang phát triển tràn lan trong môi trường sống tại nhiều nơi trên thế giới. Cách nghĩ theo thông lệ thường thiên về phòng chống tội phạm bằng cách xây nhà kín cổng cao tường tự cô lập mình. Tuy nhiên có những cách nhìn xa hơn vận dụng sự tương tác cộng đồng. Phòng chống tội phạm bằng cách thiết kế môi trường là một cách đặt vấn đề mới và có hiệu quả cao nếu được thực hiện ngay từ khi thiết kế đô thị.
Khái niệm Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường (Crime prevention through environmental design - viết tắt là CPTED ) đã được áp dụng chính thức trong việc thiết kế các thành phố Âu - Mỹ. Hay như Singapore, chính quyền đã ban hành bản hướng dẫn chi tiết thiết kế CPTED của mình.
Những nguyên tắc của Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường ở được sáng tạo ra dựa trên cơ sở của quá trình hiểu biết cơ bản về tội phạm học.
Tác phẩm "Tội phạm và hình phạt" của Cessa Beccaria vào năm 1764 đã đánh dấu bước ngoặt, hình thành một ngành khoa học mới: Tội phạm học. Năm 1885, người đầu tiên đưa ra thuật ngữ "tội phạm học" là giáo sư người Italia Raffaele Garofale. Năm 1889, Paul Tobinard đã sử dụng thuật ngữ "tội phạm học" trong tiếng Pháp (Criminologie). Tội phạm học dần tiến tới đưa ra nhiều thuyết giải thích về nguyên nhân của tội phạm.
Từ 5000 năm trước công nguyên, người xưa cho rằng nguyên nhân của tội phạm là do ảnh hưởng của ma quỷ. Thời kỳ 3.500 trước công nguyên, người ta lại cho rằng nguyên nhân của tội phạm là do ảnh hưởng của thiên văn. Qua thời cổ đại Hi Lạp, Aristotle cho rằng nguyên nhân của tội phạm bắt nguồn từ các thói quen và sở thích hư hỏng của con người. Ông cho rằng, cưỡng chế tâm lý có thể phòng ngừa được tội phạm, lý trí thống trị được bản năng con người.
Rồi đến các thuyết cho rằng: tội phạm xuất phát từ nguyên nhân là bản chất bẩm sinh của từng cá nhân con người, trong đó những người có tướng mạo lại giống, giống chó ngựa... bị coi là có bản chất bẩm sinh là kẻ tội phạm. France Joseph Gall (1758-1828) đưa ra khái niệm "não tướng học", cho rằng hình dáng của sọ người có thể chỉ ra nhân cách cũng như dự đoán về người phạm tội. Cesare Lombroso, vào năm 1876 đã đưa ra khái niệm "người phạm tội bẩm sinh" thông qua "thuyết sinh học quyết định", cho rằng có thể dựa vào hộp sọ, diện mạo khuôn mặt và dáng dấp mà đoán được một người có phải là tội phạm bẩm sinh hay không.
Dần dần người ta mới thấy: chính môi trường ở có vai trò quan trọng là nguyên nhân phát sinh tội phạm. Enrico Ferri cho rằng các nhân tố xã hội, kinh tế cũng có vai trò quyết định đối với hành vi tội phạm. Đặc biệt, ông coi trọng các biện pháp phòng ngừa không cho tội phạm xảy ra hơn là trừng trị sau khi đã xảy ra.
Walter C.Reckless tác giả của thuyết “Ngăn chặn tội phạm” cho rằng tội phạm là kết quả của áp lực xã hội thúc đẩy cá nhân thực hiện hành vi phạm tội và là kết quả tác động của hàng loạt các nhóm nguyên nhân khác nhau: nhóm nguyên nhân từ môi trường sống; nhóm nguyên nhân xuất phát từ phía người phạm tội; nhóm nguyên nhân từ “Tình huống” cụ thể xảy ra trong môi trường... Tình huống cụ thể xảy ra trong môi trường cũng đóng vai trò như là một nguyên nhân phát sinh tội phạm. Trong nhiều trường hợp, vai trò của nạn nhân là nguyên nhân làm phát sinh tình huống thúc đẩy tội phạm như: nạn nhân phô trương tài sản hoặc có lúc làm mất cảnh giác, khả năng tự vệ hạn chế trong môi trường lúc đó...
"Thuyết sự lựa chọn duy lý" cho rằng người có ý phạm tội, trước khi hành động đều cân nhắc xem có thể diễn ra thuận lợi hay không có lợi. Thiết kế môi trường phải loại bỏ những yếu tố thuận lợi cho việc phạm tội, từ đó làm giảm cơ hội phạm tội trong môi trường đô thị.
Trên cơ sở những phát triển cơ bản của Tội phạm học, Nạn nhân học, những nhận thức về chuyên ngành Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường - CPTED đã được thiết lập.
Năm 1960, Elizabeth Wood thuộc ĐH Ottawa chú trọng cách thiết kế môi trường ở có thể hỗ trợ khả năng giám sát tội phạm. Năm 1961, Jane Jacobs một nhà Đô thị học xuất sắc chỉ ra rằng cách thiết kế đô thị có thể phá vỡ nhiều cách phát triển hành vi tội phạm. Ví dụ, khả năng người dân quan sát các đường phố và sự hiện diện của họ trên đường phố ngày, đêm với tầm nhìn liên tục, không bị che khuất, con người phải quan hệ được với láng giềng. Việc thiếu giám sát "tự nhiên" trong môi trường ở đã thúc đẩy tội phạm. Bà Jacobs cho rằng một đường phố thành phố an toàn phải có ranh giới rõ ràng giữa không gian riêng tư và công cộng; Đa dạng hóa các hoạt động công năng cho không gian khu ở; Tăng cường sự hiện diện của người đi bộ trên vỉa hè.
Năm 1968, trong cuốn sách “Làm nản chí tội phạm bằng quy hoạch đô thị", Schlomo Angel đề cao giải pháp khoanh vùng kiểm soát lãnh thổ, làm giảm hoặc tăng khả năng kiểm soát bằng việc tạo ra hoặc loại bỏ ranh giới và mạng lưới lưu thông. Ông chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng giám sát dễ dàng của người dân và cảnh sát.
Năm 1971, chuyên ngành Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường: CPTED được đặt ra và xây dựng chính thức bởi Ray C. Jeffery. Mô hình CPTED của ông nhằm kích thích phản ứng sinh vật học của kẻ sẽ phạm tội khiến y phải cân nhắc về khả năng bị phát giác, không thuận lợi khi gây án trong môi trường. Năm 1972, KTS Oscar Newman đã nhấn mạnh vào những nguyên tắc thiết kế nhà cửa đô thị khi cho ra cuốn sách "Không gian phòng thủ: Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế đô thị" như:
- Nguyên tắc 1: Việc bố cục không gian cho phép mọi người nhìn thấy và được nhìn thấy liên tục nhất là kẻ sẽ phạm tội. Khi mọi người cảm thấy an toàn sẽ hợp tác với nhau và can thiệp khi tội phạm xảy ra.
- Nguyên tắc 2: Mọi người phải có điều kiện sẵn sàng can thiệp, tố cáo tội phạm khi nó gây án, bằng cách gia tăng điều kiện an toàn thiết lập tại nơi người dân sống kể cả của người sẽ tố giác tội phạm. CPTED khuyến khích mọi người nắm quyền kiểm soát khu vực và đảm nhận vai trò của quyền sở hữu.
Các chiến lược CPTED cho môi trường xây dựng dựa vào việc tạo ảnh hưởng đến quyết định của kẻ có ý phạm tội, CPTED dựa trên cơ chế tăng cường nhận thức về nguy cơ bị phát hiện và tạo ra sự đắn đo lo âu cho kẻ có ý định phạm tội. Có bốn chiến lược CPTED phổ biến nhất được vận dụng gồm:
Chiến lược 1: “Giám sát tự nhiên môi trường” làm tăng mối e sợ cho kẻ sẽ phạm tội bằng cách tiến hành các biện pháp để tạo ra nhận thức và hoàn cảnh mọi người có thể được nhìn thấy, ví dụ như:
- Thiết kế bố cục vị trí các vật thể nhà cửa phố xá, các hoạt động công chúng một cách có thể tối đa hóa khả năng được nhìn thấy. Người có khả năng phạm tội cảm thấy các tuyến đường trốn thoát của họ bị kiểm soát kỹ lưỡng và khả năng trốn thoát bị hạn chế và sẽ chùn bước. Vì vậy đường phố nên được thiết kế theo cách tăng lưu lượng đi lại cho người đi bộ và xe đạp.
- Đặt nhiều cửa sổ nhà nhìn ra vỉa hè và bãi đỗ xe. Sử dụng lưu lượng xe cộ như nguồn giám sát; Hạn chế tối đa chiều dài hàng rào có tác dụng che khuất tầm nhìn (nên dùng hàng rào thưa, lưới hay bằng kính…)
- Tránh bố trí ánh sáng tạo ra sự sáng chói gây ra điểm mù làm cản trở khả năng quan sát. Bố trí chiếu sáng dọc lối đi và ở những độ cao thích hợp cho phép chiếu sáng khuôn mặt của kẻ có khả năng phạm tội).
- Tại sân trước và sân bên với nhà liền kề, sử dụng hàng rào thoáng nhìn xuyên được để có thể phát hiện được hiện tượng bẻ khóa thâm nhập và để có mối quan hệ giữa các láng giềng giúp đỡ nhau giám sát...
- Nên đặt các tiện nghi như nơi dừng chân giải trí, ghế ngồi nghỉ ngơi trong các khu vực công cộng nhằm thu hút số lượng lớn người sử dụng. Việc này sẽ tăng phát huy vai trò cộng đồng trong phòng chống tội phạm.
Các biện pháp giám sát có thể được thực hiện bằng thiết bị (như camera) và giải pháp tổ chức không gian.
Chiến lược 2: “Kiểm soát tự nhiên việc xâm nhập môi trường” nhằm tạo ra các biện pháp cho phép phân biệt và quy định rõ các lối đi tuyến đi, nhằm bộc lộ các hành vi bất thường cố ý xâm nhập trái phép môi trường:
- Chọn lọc vị trí đặt lối vào, hàng rào, hệ thống cảnh quan hợp lý, sử dụng các kiến trúc, bảng chỉ dẫn để phân luồng, chuyển hướng người đi nhằm kiểm soát việc xâm nhập môi trường. Nên sử dụng một lối vào duy nhất.
- Bố trí lối vào khu vệ sinh công cộng bằng các lối bẻ ngoặt hơn là hệ thống phòng cách ly 2 lần cửa.
- Loại bỏ các cấu trúc tạo khả năng leo trèo lên các độ cao hay các mái nhà. Tạo các bụi cây gai dưới cửa sổ. (Nhiều KTS hay thiết kế các lam ngang, vô ý hình thành các bậc thang cho kẻ phạm tội leo lên tận đỉnh nhà).
Chiến lược 3: “Củng cố tự nhiên lãnh thổ môi trường” được thực hiện qua việc đẩy mạnh sự kiểm soát có tính chất xã hội thông qua việc pháp định không gian rõ ràng, cải thiện mối quan tâm đối với quyền quản lý bất động sản thông qua chính sách quyền sở hữu hay quyền sử dụng bất động sản của nhà nước. Từ đó việc thiết kế môi trường ở phải phân định rõ ràng được không gian riêng tư và công cộng, bán công cộng.
- Đầu tiên, nó tạo ra ý thức rằng chủ sở hữu hay sử dụng có quyền lợi hợp pháp trên bất động sản của mình và tạo ra nhiều khả năng để đối phó những kẻ xâm nhập bất hợp pháp hoặc báo động cho cảnh sát.
- Thứ hai, việc pháp định không gian rõ ràng làm cho "người lạ" hoặc "những kẻ xâm nhập" bị nổi bật. Cần sử dụng các kiến trúc, hàng rào, bảng báo hiệu, ánh sáng và cảnh quan để thể hiện ranh giới có quyền quản lý công cộng hay bán công và tư nhân, cho thấy là nơi có chủ và việc xâm nhập không gian sẽ là bất hợp pháp.
Chính pháp định không gian không rõ ràng đã gây ra bất cập trong việc quản lý các chung cư cao tầng.
Chiến lược 4: Thường xuyên bảo trì môi trường được dựa trên “Lý thuyết Cửa sổ vỡ kính” đưa ra bởi James Wilson và George Kelling vào năm 1982 theo quan điểm là nếu một cữa sổ kính bị vỡ mà không sửa chữa thì các cửa sổ khác rồi có thể sẽ vỡ. Bởi vì cửa kính vỡ mà không được sửa có nghĩa là một môi trường bỏ hoang, không có sự quản lý và sẽ dễ bị xâm nhập.
Tài sản khuôn viên, nhà cửa... phải thường xuyên bảo trì trong tình trạng tốt để để tạo ý thức cho kẻ có ý định phạm tội rằng đây là nơi được quản lý chặt chẽ. Cần tăng cường cây xanh trong khu dân cư. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trái với quan điểm thông lệ, không gian ngoài trời với nhiều cây được xem là có tính chất là an toàn hơn, nhưng cây cối phải được cắt tỉa gọn gàng để không cản tầm nhìn, đèn chiếu sáng phải còn đủ...
Đáng tiếc chuyên ngành Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường (CPTED) chưa được quan tâm đầy đủ ở nước ta, bỏ qua khả năng tạo ra một môi trường đô thị an lành.
PGS.TS KTS Trần Văn Khải - Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng