Hà Nội cần có nghiên cứu đánh giá và đề xuất loại cây trồng phù hợp để triển khai ở những tuyến phố mới chưa có cây. (Ảnh minh họa)
Từ trận dông lốc khiến nhiều cây xanh bị đổ chiều 13/6, chúng ta phải xem xét cải tạo hệ thống cây xanh ở đô thị Hà Nội. Đây được coi là việc làm cần thiết.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Một nước có nhiều kinh nghiệm và điều kiện chống bão, giống như Hoa Kỳ nhưng cũng không tìm ra loại cây chống chọi hoàn toàn với lốc, bão, bởi với những cơn lốc quá mạnh hay những siêu bão mà cây ở trong luồng gió mạnh nhất của cơn dông, bão thì cũng khó có thể có loài cây nào chống chọi lại hoàn toàn với cuồng phong đó. Vì thế khái niệm cây chịu được gió bão là khái niệm tương đối. Chúng ta cần chọn loại cây có khả năng chống bão tốt.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, cơn dông lốc vừa qua khá mạnh, làm đổ cả cây đa to, mà đa là loại cây có bộ dễ chắc, không dễ đổ, thường được trồng ở ngoài đồng để lấy bóng mát.
Vậy Hà Nội cần và nên trồng loại cây gì để bớt bị đổ gẫy khi gió bão?
Ông Liêm cũng cho biết, chọn cây gì trồng trong đô thị không đơn giản vì không chỉ đáp ứng yêu cầu có khả năng chống chọi tốt với dông, gió, bão mà cây còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác như có bóng mát, làm đẹp cảnh quan, bộ rễ chắc nhưng không được làm hỏng hệ thống hạ tầng ngầm ở dưới đất. Thân cây phải tương đối thẳng, tỏa bóng trên cao để không làm ảnh hưởng đến nhà cửa người dân 2 bên đường, việc đi lại trên đường và tốt nhất là loại cây ít rụng lá.
Ban ngày, cây tỏa bóng râm che mát, làm đẹp cảnh quan. Khi mưa lá cây giữ nước mưa trên lá để nước chảy xuống cống từ từ. Nhưng ban đêm lá đó không được che ánh sáng chiếu sáng công cộng… Cây trồng trong đô thị đòi hỏi nhiều tính chất khác nhau và để tìm ra 1 loại cây đáp ứng tất cả tiêu chí đó là rất khó.
Theo TS.KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp, chọn cây trồng ở đô thị phải dựa trên các tiêu chí như hình thái, sinh thái, ý nghĩa văn hóa, xã hội… Việc cải tạo hệ thống cây xanh đô thị cần xây dựng được các quy chuẩn, nếu không cây có thể chết hoặc ốm yếu, còi cọc, bệnh tật, không cho được bóng mát như mong đợi.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: Đã từng tới một số đô thị đẹp, hiện đại ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia…, tôi thấy họ trồng loại cây rất hay và đẹp. Như ở Singapore trồng loài cây lá hơi giống lá phượng vĩ , cây thấp, không cao quá, tỏa lá ở đầu ngọn cành giúp đường phố thông thoáng, luồng gió thổi mát trong đô thị mà không bị che vướng. Ban đêm, chiếu sáng công cộng khá tốt vì không bị cây che bóng.
Ở Nam Ninh (Trung Quốc) trồng 2 loại cây, một loại cây cao và cả cây bụi ở tầng thấp để làm giảm bụi, tiếng ồn, không ảnh hưởng đến nhà dân 2 bên đường.
Hay ở Tokyo (Nhật Bản), cả thành phố là hoa Anh đào và tầng thấp ngang đầu gối họ trồng đỗ quyên, tạo sự kết hợp hài hòa và rất đẹp.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, cây xanh không chỉ đơn giản là cảnh quan mà còn tạo ra bản sắc đô thị, nâng cao chất lượng sống của con người, giúp con người và thiên nhiên trở nên gần gũi, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học. Bởi cây còn là nơi sống của chim chóc, sâu bọ, bướm ong, ve sầu…
Hà Nội là một trong những đô thị có kiến trúc cảnh tự nhiên khá đẹp với nhiều mặt nước, cây xanh. Với người dân Thủ đô, cây xanh đã trở thành phần hồn phố không thể thiếu bởi nhắc đến phố Nguyễn Du là nhắc đến hương hoa sữa nồng nàn quyện trong gió heo may mỗi dịp thu về. Nhắc đến Phố Lý Thường Kiệt là hình dung đến cả một phố Phượng đỏ rực như lửa cháy khi ve kêu báo hiệu hè về. Nhắc đến Bằng lăng tím ngắt là nhắc đến phố cổ Hà Nội hay phố Giải Phóng tít tắp cháy sắc Bằng lăng. Nhắc đến Lò Đúc là nhắc đến hàng Sao đen cổ kính. Còn Phố Trần Hưng Đạo luôn mát rượi trong những hàng sấu xanh quanh năm.
Ông Liêm đề xuất: Hà Nội cần mời đội ngũ chuyên gia khảo sát, đánh giá các loại cây trồng ở đô thị trong nước và một số nước có điều kiện giống Việt Nam để xây dựng bảng danh mục cây trồng trong đô thị sao cho phù hợp. Cây trồng ở đại lộ, đường lớn khác, cây trồng trong phố hẹp khác, cây trồng ở công viên hay ven hồ là khác, cây trồng các quốc lộ là khác…
Vũ Huyền