0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Xây dựng nông thôn trong đô thị Bài học từ Trung Quốc

Cho đến nay, Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia đi đầu trong công cuộc tái thiết nông thôn. Bằng chính sách Tam Nông, Trung Quốc coi việc thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các vùng nông thôn là ưu tiên hàng đầu.

Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 2 chữ số, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn năm 2009, lần đầu tiên đạt mức trên 5.000 NDT, tăng 8,5% so với năm trước.

Trung Quốc cũng là một quốc gia có tốc độ thành lập các đô thị mới tại nhiều cấp với tốc độ chóng mặt. Hàng loạt các thành phố mới được thành lập một cách tương đối nhanh chóng trực thuộc tỉnh, huyện; trong đó có cả hình mẫu thành phố trong thành phố. Việc thành lập các thành phố một cách quá nóng khiến cho Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có hình thái thành phố khá đặc biệt. Rất nhiều thành phố trong đó là những thành phố mới, chỉ có một trung tâm hành chính mới, phần còn lại là những vùng nông thôn chiếm đa số nằm bao quanh. Vấn đề cấp thiết đồng bộ hóa toàn bộ diện tích của một đô thị bao gồm cả vùng nông thôn là một thách thức cần có sự đột phá trong cách thức thực hiện. Việc đồng bộ này cũng phải còn là sự nâng cấp một cách đồng bộ về kinh tế, văn hóa lối sống của người dân, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện nghi xã hội, hệ thống quản lý trật tự đô thị.


Chính sách nhất quán của Trung Quốc coi khu vực nông thôn và ngoại thành là khu vực hỗ trợ không thể tách rời với đô thị. Khu vực ven đô luôn được quy hoạch gìn giữ là khoảng xanh bao quanh đô thị, cung cấp các sản phẩm nông sản cho đô thị trung tâm, là nơi phát triển kinh tế sản xuất hộ gia đình mang lại các giá trị kinh tế xã hội cao. Trong tương lai, Trung Quốc tiến tới xây dựng chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô, thậm chí có một số các tiêu chí vượt trội như mật độ xây dựng thấp, môi trường tốt cho sức khỏe.

 


Mẫu nhà xây mới tại nông thôn Trung Quốc


Biết tận dụng một cách triệt để các lợi thế đã có là có một nền sản xuất hàng hóa trải rộng, trên cơ sở liên kết các xưởng sản xuất hộ gia đình nằm trong các khu dân cư, chính quyền các thành phố mới đã có những chính sách điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc, quy hoạch kinh tế xã hội rất cụ thể. Hầu hết các vùng sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ tại các vùng ven đô được quy hoạch lại theo hướng phân tán nhưng có sự liên kết tương hỗ qua lại với nhau để chính quyền có thể kiểm soát được việc mở rộng chiếm đất của các cơ sở sản xuất, hạn chế sự thất thoát trong sử dụng đất nông nghiệp, quản lý được việc xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Các hình mẫu quy hoạch và thiết kế nhà cũng được thiết lập với thiết kế tổ chức không gian vô cùng linh hoạt như bao gồm cả xưởng sản xuất nhỏ nằm xen lẫn trong khuôn viên quy hoạch, có thiết kế đồng bộ tính đến cả những việc thu gom rác thải, nước thải sản xuất để xử lý tập trung trước khi xả thải ra môi trường.

Chính sách quy hoạch và quản lý mang tính mềm dẻo này đã phần nào khiến người dân yên tâm và sản xuất, tránh phải chuyển đổi nhiều, tránh được những xáo động mạnh trong phát triển kinh tế. Bước tiếp theo được đặt ra có thể là, sau khi xã hội đã tích lũy một lượng lớn của cải vật chất đủ lớn, chính quyền các thành phố cũng sẽ từng bước hạn chế phát triển một số ngành nghề có giá trị gia tăng ít, gây ô nhiễm môi trường cao tại các vùng nông thôn. Việc này đã được các cơ quan chính quyền hoạch định trước các khu vực dự trữ để phát triển các khu công nghiệp nhỏ sản xuất tập trung tại mỗi khu vực trong tương lai.


Đối với những vùng nông thôn có các ngành nghề sản xuất hàng truyền thống cần bảo tồn và phát huy. Việc tái thiết và quy hoạch lại cũng được thực hiện trên tinh thần bảo tồn các giá trị sản xuất truyền thống nhưng vẫn hiện đại hóa nông thôn. Các làng nghề này cũng được quy hoạch. Các giá trị văn hóa truyền thống ở đây có những chính sách phát huy để đây sẽ trở thành những giá trị phi vật thể, là cái hồn và giá trị riêng cho mỗi cộng đồng. Mỗi ngôi làng được tính đến quy hoạch đồng bộ. Bên cạnh các thiết kế điển hình ngôi nhà có tính đến các yếu tố sản xuất truyền thống còn là quy hoạch dành ra những không gian công cộng để tôn vinh, khuyếch trương cũng như quảng bá các giá trị này. Các ngôi đền tổ nghề được tôn tạo, những sân chơi văn hóa lớn được quy hoạch trước trong thiết kế quy hoạch tổng thể làng. Các hình ảnh, hình mẫu và các sản phẩm thủ công truyền thống được lưu giữ trọn vẹn tại một nhà bảo tàng của vùng. Chính điều này làm một cách thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế tại mỗi khu vực nhỏ. Người dân tự được giáo dục nhận thức và tự cảm thấy gắn bó với ngành nghề truyền thống của địa phương mình.

 


Nông thôn ngoại thành - Nơi cung cấp rau sạch cho đô thị


Các khu vực nông thôn thuần nông, chính sách quy hoạch nhắm đến việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, quy hoạch gắn với đề xuất các mô hình canh tác mới, gắn với sản xuất nông nghiệp hiện đại kỹ thuật cao, trở thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ trực tiếp cho bản thân đô thị tại chỗ. Các chương trình quy hoạch và tái thiết cũng còn nhắm đến tạo nên sự tiện nghi và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn như đảm bảo tỉ lệ trường học, nhà trẻ, trạm y tế trên đầu người. Đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được hiện đại hóa. Đến năm 2009, Trung Quốc đầu tư làm mới và sửa chữa khoảng 300.000km đường bộ nông thôn; hỗ trợ trên 46 triệu người nghèo đảm bảo đời sống tối thiểu; triển khai thí điểm ở 320 huyện về bảo hiểm dưỡng lão xã hội nông thôn.


Xét về khía cạnh phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng xây dựng một chính sách phát triển nông thôn một cách toàn diện, đặc biệt tại các đô thị đang phát triển như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo: Tạp chí Kiến trúc