Chiều 5/6, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về quy hoạch nút giao thông Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên một số phương án đưa ra bàn thảo đã bị các nhà khoa học phản bác.
6 phương án quy hoạch khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa được UBND thành phố đưa ra lấy ý kiến thay vì 5 như trước đây. Hội nghị đã có sự góp mặt của đầy đủ các cơ quan ban ngành liên quan và rất nhiều các nhà khoa học, nghiên cứu lớn tại Hà Nội.
5 phương án xây dựng cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa được đưa ra hội nghị.
6 phương án lần lượt được đưa ra lần lượt bao gồm: xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc theo hướng vành đai 1 ( hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu) theo 4 kiểu: đi thẳng qua (phương án 1), lệch về phía bắc gần Đê La Thành (phương án 2), đi lệch về phía Nam theo hướng đường Nguyễn Lương Bằng (phương án 3), dạng cầu vượt hình chữ Y giống phương án 3 thêm một nhánh ra đường Khâm Thiên (phương án 4), đi ngầm dưới đất (phương án 5) và cuối cùng là xây cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng (phương án 6).
UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra 5 tiêu chí để các nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu khoa học thảo luận. Đó là phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ được công bố, bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, bảo đảm việc phát triển giao thông đô thị, hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực, cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Bản vẽ phối cảnh phương án 4 dự án xây dựng cầu vượt qua khu vực ngã tư Ô Chợ Dừa được đánh giá hợp lý hơn cả
Bản vẽ phối cảnh phương án 4 dự án xây dựng cầu vượt qua khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa được đánh giá hợp lý hơn cả. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã lần lượt thuyết trình từng phương án theo đầy đủ ưu nhược điểm, đồng thời cũng công bố nghiên cứu về lưu lượng giao thông hiện tại và dự báo cho khu vực nút giao thông này. Phương án 4 là phương án được Sở Quy hoạch Kiến trúc cho là tối ưu nhất khi đảm bảo được 5 tiêu chí mà thành phố Hà Nội đưa ra cho việc giải quyết ngã 5 Ô Chợ Dừa.
Giáo sư Phan Huy Lê: "Dứt khoát loại bỏ phương án 1 và 2 vì xâm hại lớn tới di tích và vi phạm luận di sản."
Là nhà khoa học phát biểu đầu tiên tại hội nghị, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đưa ý kiến: “Việc tranh cãi có Đàn Xã Tắc ở đây hay không, xin khẳng định rằng đây chính là khu vực có dấu tích của Đàn Xã Tắc. Không ai phủ nhận được đây chính là khu vực Đàn Xã Tắc và khu vực được khoanh vùng bảo vệ chính là một bộ phận của Đàn Xã Tắc xưa kia.
Về các phương án đưa ra, tôi không đồng ý với phương án 1 và 2 vì đây là hai phương án đụng tới vùng cốt lõi của di sản, vi phạm luật di sản. Còn hai phương án 3 và 4 tôi đồng ý. Riêng phương án 5 tôi kiến nghị đã làm đường ngầm thì phải làm ngầm toàn bộ chứ không phải làm hầm lộ thiên”
GS Lưu Trần Tiêu lo lắng về nhánh thêm tại phương án 4 sẽ tăng khả năng đụng chạm tới vùng di sản bên dưới nhiều hơn.
Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia đưa ý kiến: “5 tiêu chí mà thành phố đưa ra là hợp lý. Tuy nhiên theo tôi chỉ cần 3 là đủ. Đó là 3 lợi ích thuộc về bảo tồn di tích, phát triển kinh tế đô thị và quan hệ di sản với cộng dồng.
Dựa theo 3 lợi ích đó tôi đồng ý với phương án 3 của thành phố. Riêng phương án 4 tôi lo ngại nhánh mọc thêm từ cầu vượt tới đường Khâm Thiên sẽ phải làm thêm nhiều mố cầu, và như vậy có thể sẽ tăng khả năng đụng chạm tới di tích nhiều hơn.”
PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học đưa ra phát biểu: “Khu vực nút giao Ô Chợ Dừa có rất nhiều di tích trồng lên nhau. Nhánh phía Nam có Đàn Xã Tắc, nhánh nhỏ có cổng Trường Quảng, phía cạnh có Đê La Thành. Như vậy đã đụng đến khu vực này kiểu gì cũng sẽ đụng tới di tích.
Tôi chọn phương án 4 vì nó ít ảnh hưởng tới di tích Đàn Xã Tắc nhất. Tuy nhiên, nếu có thể tôi hy vọng có phương án tốt hơn như làm vòng xuyến nhiều tầng xung quanh di tích… như thành phố Thượng Hải đã làm.”
Nhà sử học Lê Văn Lan cũng chung ý kiến với ông Tống Trung Tín khi nhấn mạnh khu vực nút giao thông Ô Chợ Dừa có rất nhiều di tích quan trọng chứ không gì Đàn Xã Tắc. Ông Lan ủng hộ sử dụng phương án 3 và cũng tỏ ra lo lắng với phương án 4 vì theo ông thêm một nhánh cầu là thêm nguy cơ sẽ chạm tới các di tích còn chưa được biết đến dưới mặt đất.”
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội nghị khi cho rằng thành phố nên sớm có quy hoạch khảo cổ vì trong thành phố là dày đặc các di tích lịch sử. Ông cũng nhấn mạnh việc kết hợp thông tin minh bạch với các cơ quan ban ngành cũng như người dân các phương án. Có như vậy mới nhận được sự đồng thuận và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chủ tịch UBND thành phố kết luật tại hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng với 18 ý kiến đóng góp của đầy đủ các chuyên gia khoa học, các nhà quản lý ban ngành đã đều đi đến thống nhất sẽ xây dựng cầu vượt qua khu vực nút giao thông Ô Chợ Dừa theo phương án 3 hoặc 4 để đảm bảo hài hòa giữa vấn đề bảo tồn và phát triển giao thông thành phố.
Việc quyết định chính thức phương án nào và cụ thể ra sao thành phố sẽ tiếp tục tham mưu các cơ quan liên quan để đưa ra phương án cuối cùng trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Hoàng