0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Luật Thủ đô: Quyết liệt từ quy hoạch

Ngày 01/7/2013, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong xây dựng, phát triển đô thị của một đô thị đặc biệt lớn thứ 17 trên thế giới, lớn nhất cả nước về diện tích, đứng thứ hai cả nước về dân số và tổng sản phẩm quốc nội.

Quyết liệt từ quy hoạch

Khi Luật Thủ đô được bấm nút thông qua, công dân Thủ đô đã thở nhẹ nhõm bởi từ nay Hà Nội đã có luật riêng với cơ chế đặc thù, hướng tới xây dựng một Thủ đô xứng tầm. Là đô thị lớn, tập trung đông dân cư, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng phát triển đô thị “nóng”, manh mún, lộn xộn. Để giải quyết tình trạng này, Luật Thủ đô đã đề cập sâu đến chính sách xây dựng, phát triển và quản lý, trong đó nhấn mạnh: Xây dựng phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Có thể khẳng định đến thời điểm này, định hướng phát triển đô thị Hà Nội đã hoàn thiện bởi Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mô hình cấu trúc mới, Hà Nội sẽ là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn), các thị trấn sinh thái, đặc biệt các đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh (chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của thành phố). Diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã được thành phố cụ thể hóa trong đó các hành lang xanh được chú trọng đặc biệt. Đến nay, đã có 30/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn và các đô thị vệ tinh được phê duyệt, trong đó 8 đồ án đã được hội đồng thẩm định thông qua.

Để triển khai hiệu quả việc xây dựng và quản lý đô thị theo quy hoạch, Luật Thủ đô quy định rõ: Việc triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch khác của Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia liên quan trực tiếp đến Thủ đô phải được lấy ý kiến của UBND TP Hà Nội và bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời đề ra hàng loạt các biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đảm bảo thực hiện quy hoạch như: di dời một số bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành, đồng thời kiên quyết không cho mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không được xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… hy vọng tình trạng quá tải hạ tầng trong khu vực nội đô sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Gìn giữ không gian, kiến trúc đặc trưng

Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, Hà Nội phải đối mặt với không ít thách thức trong việc gìn giữ không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị… Để giải bài toán này, Luật Thủ đô đã quy định rõ: việc xây dựng không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên Sông Hồng; đặc biệt việc cải tạo, chỉnh trang các đường giao thông quan trọng trong nội thành phải được thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị. Cùng với phát triển mới, vấn đề cải tạo, gìn giữ khu vực phố cổ, phố cũ, các giá trị văn hóa được thành phố chú trọng triển khai. Việc cải tạo chung cư cũ và bảo tồn biệt thự cổ với các giải pháp cụ thể sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Hy vọng, với những điều luật được cụ thể hóa trong Luật Thủ đô, các vấn đề tồn tại trong phát triển đô thị của Hà Nội sẽ dần được tháo gỡ, giải quyết để đô thị Hà Nội phát triển một cách bền vững trong tương lai.

Hiện UBND TP Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
 

 

Nguồn tin: Theo: baoxaydung.com.vn