- Hiện TP HCM có rất nhiều cầu đi bộ rải khắp các quận nội, ngoại thành nhưng hầu hết đều nhếch nhác, không người sử dụng. Vậy ông nhìn nhận thế nào về nhu cầu sử dụng cầu vượt sông Sài Gòn của người dân?
- Đúng là hiện nay phần đông người dân chưa có thói quen đi bộ, nhưng tôi tin thói quen này sẽ dần hình thành. Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn không chỉ mang ý nghĩa giao thông mà sẽ là công trình điểm nhấn của thành phố, tích hợp nhiều yếu tố. Nó không chỉ phục vụ người dân tham quan mà còn tạo sự hấp dẫn khách du lịch đến với thành phố.
Trong tương lai, khi các cảng biển trong khu vực nội đô được di dời, chúng ta sẽ có điều kiện cải thiện bờ tây sông Sài Gòn, trồng cây xanh tạo cảnh quan dọc phía bờ quận 1 hiện hữu. Song song đó, đường Tôn Đức Thắng đoạn từ cầu Khánh Hội đến cảng Ba Son sẽ được tổ chức thành trục đi bộ (xe cơ giới lưu thông bằng hầm chui bên dưới đường Tôn Đức Thắng). Còn ở phía bờ đông, quảng trường trung tâm của Khu đô thị Thủ Thiêm khi hình thành sẽ trở thành nơi tập trung công cộng với sức chứa lên đến cả triệu người, nhất là trong dịp lễ tết hay các sự kiện lớn.
|
Điểm giao giữa đường Đồng Khởi và Tôn Đức Thắng là vị trí được chọn làm đầu cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối với Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hữu Công |
- Rất nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng cây cầu đi bộ là lãng phí, tại sao không dùng kinh phí xây cầu cho những vấn đề giao thông đô thị cấp bách?
-Kinh phí bỏ ra để xây dựng một cây cầu không phải là ít nhưng đưa ra một con số cụ thể lúc này là quá sớm. Có ý kiến cho rằng công trình này sẽ tốn hàng trăm triệu đôla, nhưng chưa có cơ sở nào để nói vậy.
Tôi rất hiểu băn khoăn của nhiều người khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá... của chúng ta chưa hoàn thiện. Nhưng chính quyền thì luôn luôn một mặt phải khắc phục khó khăn trong quá trình phát triển nhưng mặt khác cũng phải thể hiện được những mục tiêu có tính chiến lược về phát triển đô thị. Thành ra những đề xuất của chính quyền đối với các chương trình có tính chiến lược đó phải được nhìn nhận ở nhiều góc độ và nhiều yếu tố khác nhau. Đây là tầm nhìn của tương lai.
- Thưa ông, tại sao lại chọn vị trí góc đường Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng làm điểm đầu của cầu?
-Có ý kiến cho rằng, vị trí ngay trung tâm lịch sử của thành phố sẽ phá vỡ cảnh quan của đô thị hiện đại. Nhưng việc chọn vị trí này được cả hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố xem xét, không phải là ý của một cá nhân. Tất cả công việc này chúng tôi thực hiện trên cơ sở chủ trương của thành phố, đồng thời cũng thông quá ý kiến của tập thể, cơ quan chức năng.
|
Phối cảnh cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Ảnh: BQL Khu ĐTM Thủ Thiêm. |
- Vậy khi nào dự án sẽ bắt đầu?
-Tôi muốn khẳng định lại chưa thể xây cầu ở thời điểm này cũng như trong vài năm tới. Cầu chỉ xuất hiện khi thành phố mình đã hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rồi các công trình chỉnh trang ở phía bờ tây đã hoàn chỉnh.
Việc xây cầu đi bộ chỉ tiến hành khi đã hình thành quảng trường trung tâm ở bờ đông và quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn cũng như các yếu tố kết nối, tức là khi đã xuất hiện nhu cầu đi bộ giữa hai bờ, nhằm phát huy ý nghĩa của cây cầu. Tư vấn đề xuất xây hai cầu đi bộ nhưng chủ trương của thành phố trước mắt chỉ đầu tư một cầu, phục vụ cho nhu cầu đi bộ trên các trục đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi... và phải có lộ trình, không nóng vội, tạo được sự đồng tình của công luận.
- Hiện nay, phương án thiết kế cầu hình chữ S đã là cuối cùng chưa?
- Hiện công việc tìm kiếm ý tưởng vẫn chưa kết thúc, thành phố chưa quyết định chọn phương án cuối cùng. Vì vậy, điều trước tiên là chúng ta cần quan tâm đến ý tưởng của giải pháp đề xuất có đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra cho cầu đi bộ. Công việc nghiên cứu tuyển chọn ý tưởng thiết kế có thể kết thúc vào cuối năm nay.
Đây là một dự án lớn ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố và nhằm phục vụ cộng đồng. Vì vậy cần phải có sự quan sát, góp ý rộng rãi của cộng đồng để đạt được sự đồng thuận cao.