Giữ đất trồng lúa
Theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 của TP, chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2015 là 102.323ha, chiếm 30,7% diện tích tự nhiên; đến năm 2020, là 92.120ha, chiếm 27,7% diện tích tự nhiên. Điều đó có nghĩa, giữ lại đất đai cho cây lúa, giảm thiểu tối đa việc lấy đất trồng lúa dùng cho công nghiệp là phần quan trọng trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Nội. Người dân không bị mất ruộng đồng. Quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa của Hà Nội được khoanh vùng ổn định, góp phần nâng cao đời sống người nông dân, cải thiện môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, là dấu hiệu đáng mừng của một nền kinh tế ốn định.
Để đạt được điều đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao ở những nơi thuận lợi tưới, tiêu và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020 phải là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch, sản xuất hàng hóa hiệu quả; xây dựng nông thôn mới.
Phát triển đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh
Dự thảo khẳng định, Hà Nội sẽ kế thừa những định hướng lớn, phát triển "cân bằng dựa trên bảo tồn", xây dựng Hà Nội trở thành "thành phố xanh", phát triển đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, di chuyển các khu công nghiệp cũ, các cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành theo quy hoạch, chú trọng bảo vệ môi trường trọng tâm theo 7 khu vực đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc dụng, đầu tư lớn cho hành lang xanh, giữ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, để xây dựng Hà Nội trở thành "thành phố xanh", phù hợp với xu hướng chung của thời đại, phù hợp với định hướng của Nhà nước, phải giãn dân ở những khu vực có mật độ dân cư đông, như quận Hoàn Kiếm, Đống Đa… Bên cạnh đó, Hà Nội phải quy hoạch hành lang xanh bao quanh Thủ đô, ngăn cách đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh. Như vậy, hành lang xanh ngăn Hà Nội không lan tỏa quá rộng, là cách để Thủ đô xanh hơn. Trong quy hoạch, Hà Nội có vành đai xanh, phải đầu tư, đưa vành đai xanh trở thành thực tế.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, vành đai xanh xuất phát từ kinh nghiệm của London, người ta muốn giữ một khu vực nông nghiệp ở bên cạnh đô thị, để giữ được nông thôn, giữ được nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc. Xu hướng mới của thời đại bây giờ là phát triển nông nghiệp - đô thị, kể cả ở ngoại thành lẫn nội thành. Ví dụ, ở nội thành, các mái nhà trở thành những khu vười nhỏ, trên đó trồng rau, trồng hoa, trồng nấm… để tăng thêm màu xanh trong ngôi nhà, cải thiện môi trường. Nên khuyến khích xây dựng vườn trên mái các chung cư cao tầng để làm không gian xanh cho người dân chung cư có nơi thư giãn, thêm cơ hội giao tiếp, và vườn trường cho học sinh chăm sóc để học quý trọng sự sống, quý trọng thiên nhiên.
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Từ năm 2001 - 2010, chỉ tiêu đất trồng lúa của Hà Nội được Chính phủ duyệt là 110.769ha, đến năm 2010 thực hiện được 114.780ha, đạt tỷ lệ 103,62%.
Theo sở quy hoạch kiến trúc hà nội