Công nghệ và vật liệu giảm giá thành
Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/08/2001, phải phát triển gạch không nung thay thế gạch đất nung từ 10 đến 15% vào năm 2005 và 25% đến 30% vào năm 2010, xóa bỏ hoàn toàn gạch đất nung thủ công vào năm 2020. Không nằm ngoài xu thế đó việc sử dụng các loại gạch không nung trong nhà ở thu nhập thấp là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển. Tuy vậy, vẫn còn câu hỏi thực tiễn hiện nay, sử dụng loại gạch nào cho phù hợp với loại hình nhà ở này để vừa đảm bảo chất lượng, vừa hạ giá thành xây dựng?
Từ lâu, các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu vật liệu mới đã đặt ra vấn đề này nhưng lối thoát cũng chưa có. Hiện nay, trên thị trường xây dựng Việt Nam đang sử dụng 3 loại gạch chính là: gạch đất nung, gạch xi măng cốt liệu và gạch khí chưng áp (gạch nhẹ). Theo xu thế bảo vệ môi trường và cũng là chủ trương của Chính phủ, gạch đất nung hiện nay đang nhường chỗ dần cho hai loại gạch trên.
Đối với gạch xi măng cốt liệu (XMCL), đây chính là loại gạch hiện phổ biến trên thị trường. Gạch XMCL có khối lượng một khối xây khoảng 1.400kg/m3 với gạch rỗng và 2.100kg/m3 với gạch đặc. Do đó, tùy theo từng công trình, chủ đầu tư có thể lựa chọn loại gạch thích hợp. Gạch XMCL kích thước lớn hơn gạch đất nung (400x200x190mm), bề mặt đặc chắc, khi xây xong đem lại cảm giác chắc khỏe cho khối xây. Mặt khác, gạch XMCL cũng làm từ chất liệu gốc để tạo ra bê tông như: xi măng, cát… do đó độ giãn nở, co ngót khá đồng đều với bê tông.
Nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội
Gạch block có ưu điểm là độ dày nhỏ hơn gạch đất nung, viên gạch rất phẳng, đều nhau nên khi xây trát có thể trát với chiều dày mỏng hơn so với gạch đất nung. Chính vì thế, sử dụng gạch block làm nhẹ kết cấu và giảm giá thành xây dựng.
Trên thực tế, viên gạch block với bề dày 10 cm có thể rút xuống 8cm đến 9cm nhưng vẫn đảm bảo khả năng cách âm, cách nhiệt, có độ bền cơ học tốt, chịu được lực va chạm hoặc tường chèn cho khung bê tông cốt thép, rất phù hợp với nhà thu nhập thấp.
Ngoài gạch block, gạch khí chưng áp được nhắc đến nhiều nhưng thử nghiệm nó trên thực tế chưa lâu. Gạch khí chưng áp có khối lượng chỉ khoảng 700kg/m3, trong khi gạch đất nung truyền thống khối lượng khoảng 1.800kg/m3. Theo các nhà sản xuất, gạch khí chưng áp còn có thể nổi trên nước và khả năng chống thẩm thấu nước rất cao. Do đó, nếu sử dụng loại gạch nhẹ này trong xây dựng sẽ tiết kiệm chi phí rất lớn do hệ thống kết cấu công trình (từ móng cho đến cột, vách…). Sản phẩm này đã thu hút một số công trình đưa vào nhưng chưa có tổng kết để rút kinh nghiệm; thử nghiệm. Vật liệu này có ưu điểm nhẹ nhưng vẫn có nhược điểm: viên gạch có độ xốp tương đối lớn, khó treo các vật dụng trên vách, cường độ giảm đi rất nhiều nên khi trát hầu như vật liệu trát là vữa xi măng cát và vật liệu xây không tương thích, dẫn đến hiện tượng bị nứt. Để giảm hiện tượng này phải thêm lớp lưới hoặc vữa xây trát chuyên dụng lại làm tăng giá thành.
Kết cấu truyền thống cho các loại hình nhà nói chung và nhà xã hội nói riêng hiện vẫn là bê tông toàn khối. Trên thị trường cũng có một số loại hình kết cấu vừa kết hợp truyền thống vừa kết hợp với loại hình kết cấu mới. Một số loại hình kết cấu có thể áp dụng cho nhà thu nhập thấp làm giảm giá thành, đảm bảo chất lượng như: hệ thống kết cấu tiền chế bán lắp ghép, hệ thống kết cấu thép dầm sàn liên hợp...
Hệ thống kết cấu tiền chế bán lắp ghép là một loại hình kết cấu nói là mới nhưng đã xuất hiện hơn 10 năm nay. Loại hình này rất tiện lợi vì cơ bản các kết cấu được đúc sẵn ở nhà máy, đem về lắp đặt, sau đó được đổ bê tông liên kết các kết cấu rời lại với nhau tạo thành các kết cấu bền vững.
Loại hình kết cấu tiền chế bán lắp ghép có ưu điểm là giảm thời gian thi công, giảm chi phí về cốp pha. Cũng có thể một góc độ nào đó, loại hình này sẽ giảm được giá thành kết cấu sàn dầm. Tuy nhiên, là kết cấu lắp ghép trong thực tế thường để lại vết rạn, nứt. Về mặt chuyên môn, tuy không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, người dân. Có thể tạo vẻ đẹp bằng việc kết hợp sau khi thi công mài phẳng hoặc ít thi công hoàn thiện.
Vì là kết cấu lắp ghép, cấu kiện đơn giản nên tiết diện đôi khi cần tăng lên, lại thêm một lớp bê tông toàn bề mặt để liên kết các cấu kiện lại với nhau cũng sẽ làm tăng tải trọng cho hệ thống cột, móng. Bởi vậy cần có phương án thiết kế mang tính tổng thể có thể cân đối chi phí cho toàn bộ công trình giảm được giá thành, nhưng độ bền và chất lượng phù hợp.
Với kết cấu móng, thói quen chung vẫn chuộng sử dụng kết cấu cọc khoan nhồi, cọc bê tông cốt thép tiết diện vuông, đặc. Xu hướng có thể thay thế bằng kết cấu cọc ống rỗng, dự ứng lực, làm giảm đi khối lượng bêtông đáng kể và tăng khả năng chịu tải, giá thành hạ hơn so với các sản phẩm thông thường. Hiện nay, các công trình dưới 21 tầng sử dụng công nghệ cọc ống rỗng dự ứng lực sẽ làm giảm giá thành rất nhiều, thậm chí phương án còn hữu dụng đối với cả công trình cao 30 tầng + 2 tầng hầm. Cũng có thể sử dụng móng bè hoặc móng bè kết hợp với cọc. Tùy từng công trình có thể tích hợp các kết cấu này sao cho phù hợp.
Kết cấu móng cọc ống rỗng dự ứng lực có hạn chế là phải nghiên cứu kỹ địa chất khu vực thi công do hạn chế về độ cứng của cọc. Nếu thi công trên nền đất cát cần phải khoan mồi, giá thành đôi khi còn cao hơn. Cần căn cứ vào tình hình địa chất để tích hợp các giải pháp kết cấu móng cho phù hợp.
Sử dụng công nghệ vật liệu mới cho nhà thu nhập thấp
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số quy chế, chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã trở thành tín hiệu vui cho nhiều người. Tuy nhiên nỗi lo về chất lượng vẫn còn đó. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ vật liệu mới vào các công trình này có phải là một giải pháp hữu hiệu?
Nhà thu nhập thấp cũng là một sản phẩm hàng hóa để bán cho người thu nhập thấp hoặc những người được hưởng chính sách nên cần quan tâm đến chất lượng, yêu cầu sử dụng. Các chủ đầu tư, tư vấn cần tìm giải pháp để hạ giá thành nhà ở mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Giải pháp hữu hiệu nhất là sự hợp lý trong giải pháp kiến trúc, kết cấu, điện, nước… ứng dụng các công nghệ và các loại vật liệu xây dựng mới phù hợp vào thi công.
Xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân, Tứ Hiệp - Hà Nội
Việc sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp không hề khó khăn. Nhà nước đã có nhiều văn bản chế tài ví như hạn chế sử dụng gạch đất nung, tăng cường sử dụng vật liệu không nung.
Đứng ở khía cạnh chủ đầu tư, với công trình áp dụng công nghệ vật liệu mới làm giảm giá thành nhưng chất lượng tốt đương nhiên rất hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng là áp dụng như thế nào, vị trí nào cho phù hợp, nếu không đôi khi lại có tác dụng ngược. Mỗi nơi, mỗi vị trí có một đặc thù nhất định nên chủ đầu tư phải nghiên cứu để phù hợp với giá thành từng khu vực.
Trong thời gian tới, nếu Nhà nước hỗ trợ thuế VAT cho nhà thu nhập thấp, giá thành xây dựng sẽ càng giảm. Việc áp dụng các công nghệ vật liệu mới vào xây dựng càng dễ dàng và có thể giảm từ 10 đến 15% giá thành công trình. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có sự giám sát, phối kết hợp chặt chẽ của Nhà nuớc và chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công.