Tòa nhà LCT One ở Áo do công ty kiến trúc Cree của nước này thiết kế là một tòa nhà "lai", nghĩa là sử dụng kết hợp hai loại vật liệu là gỗ và bê tông. Ngoài vật liệu chính là các tấm ván gỗ bền chắc, phần lõi của tòa nhà được xây bằng bê tông để bố trí thang máy và các thiết bị cần thiết khác.
Từ nền bê tông, người ta dựng các cột gỗ chịu lực (được gọi là Glulam) thay cho những cây cột bê tông và nơi để gác những cây xà ngang cùng chất liệu. Sàn nhà chính là lớp bê tông mỏng nhưng được gia cố bằng những lớp gỗ Glulam. Được biết, Glulam là sản phẩm của các tấm gỗ sấy (ít nhất là 3 tấm) được ép chặt với nhau bằng keo theo dạng thẳng hoặc cong, tùy vào yêu cầu của công trình kiến trúc. Ưu điểm của Glulam là có khả năng uốn cong tốt hơn 80% so với gỗ tự nhiên và có thể tăng chiều dài của gỗ bằng cách ghép kiểu nối ngón. Theo các chuyên gia xây dựng, do có sức căng lớn hơn bê tông nên Glulam có thể chống chịu sức ép tốt hơn bê tông, trọng lượng của nó lại nhẹ hơn nhiều và bền chắc hơn. "Chúng tôi muốn tạo ra những ngôi nhà giống như các công ty ôtô sản xuất xe, các công ty máy tính làm ra máy tính, bằng một qui trình công nghiệp và một phương pháp có hệ thống" - Nabih Tahan, một kiến trúc sư của Cree, tuyên bố.
Công ty Cree cho biết việc ứng dụng loại gỗ ép đặc biệt này vào công trình xây dựng giúp rút ngắn một nửa thời gian xây dựng, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng và cắt giảm đáng kể lượng khí nhà kính CO2 so với một công trình thông thường có cùng qui mô. Theo các chuyên gia môi trường, bê tông thải ra lượng khí CO2 tương đương với khối lượng công trình mà nó tạo nên, trong khi nguyên liệu dùng để xây dựng các cao ốc bằng gỗ có nguồn gốc từ cây xanh, vốn hấp thụ khí CO2 trong không khí. Điều đó có nghĩa việc đầu tư phát triển nguyên liệu để làm nhà gỗ thân thiện với môi trường hơn nhà xây bằng gạch, đá, xi măng.
Trong khi đó, kiến trúc sư người Anh Waugh Thistleton tính toán rằng họ đã giảm được tới 125 tấn khí thải CO2 khi thi công tòa nhà Stadthaus cao 9 tầng ở Hackney, phía Đông Thủ đô Lon Don (Anh). Tòa nhà do Metropolitan Housing Trust (?) và nhà thầu Telford Homes hợp tác thi công hiện được xem là kiến trúc bằng gỗ hiện đại cao nhất thế giới, với tổng cộng 29 căn hộ và 1 khu vực văn phòng. So với công trình của Cree, Stadthaus sử dụng ít bê tông hơn. Từ bức tường chịu lực và tấm lót sàn đến cầu thang và buồng thang máy, tất cả đều được làm từ những tấm gỗ (CLT). CLT là vật liệu được tạo nên từ 10 lớp ván (mỗi lớp dày hơn 2,5cm) có thể biến những loại gỗ thứ phẩm thành các tấm gỗ có khả năng chịu lực rất tốt.
Hiện tại, các kiến trúc sư trên thế giới đang cạnh tranh nhau để xây dựng những cao ốc bằng gỗ cao và thân thiện với môi trường hơn nữa, đơn cử, một chung cư cao 10 tầng làm từ CLT vừa được khởi công tại Melbourne (Úc). Tuy nhiên, giới kiến trúc sư lo ngại các qui định về xây dựng đe dọa làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các công trình bằng gỗ đang bắt đầu nở rộ. Nhiều quốc gia còn giới hạn cụ thể số tầng khi thi công nhà bằng gỗ, chẳng hạn, ở Nga là 4 tầng, ở Canada là 6 tầng, trong khi Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường xây dựng lớn nhất thế giới - chỉ cho phép làm nhà gỗ cao tối đa 5 tầng.
52 cư dân sống tại khu phố Sinclair Meadows ở South Shields có thể ngủ một cách thoải mái vì biết rằng họ đang ở trong 21 căn nhà gỗ thuộc chương trình phát triển nhà ở xã hội thân thiện với môi trường đầu tiên tại Anh. Những ngôi nhà này tạo ra năng lượng nhiều hơn mức tiêu thụ bởi nó được làm từ các vật liệu tự nhiên như gỗ, lớp cách nhiệt làm từ sợi gai dầu và sơn bằng vôi.
Đơn vị cung cấp nhà ở phi lợi nhuận Four Housinh Group cho biết chủ nhân của những căn hộ nói trên sẽ nhìn thấy lợi ích đầu tiên là hóa đơn tiền điện của họ sẽ luôn thấp nhất nước do khu nhà ở này được trang bị hệ thống pin năng lượng Mặt trời gia dụng lớn nhất. Một nồi nước nóng khổng lồ, được nung bằng gỗ vụn, sẽ cung cấp đủ nước nóng và khí nóng để sưởi ấm cho cả khu phố, trong khi nước mưa từ máng xối của những ngôi nhà được gom chung về một bể chứa lớn và dùng để xả bồn cầu.
Cư dân tại khu phố Sinclair Meadows cũng đang tham gia một nghiên cứu kéo dài 2 năm của Đại học Northumbria để đánh giá những khía cạnh nào của dự án nhà sinh thái mang lại lợi ích tiết kiệm năng lượng lớn nhất.